Tìm thời cơ trong nguy cơ

Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ đã khép lại. Đây được coi là “Hội nghị Diên Hồng” tìm hướng và cùng quyết tâm đưa Vùng ĐBSCL đi lên, cho dù phải đối mặt với tác động xấu của biến đổi khí hậu có chiều hướng gia tăng, như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị là quyết tâm biến thách thức thành thời cơ.

tim thoi co trong nguy co \'Giải cứu\' đồng bằng ở Hà Lan: Cuộc chiến muôn đời với thủy thần
tim thoi co trong nguy co Đồng bằng sông Cửu Long: Sụt lún nguy cấp gấp 10 lần nước biển dâng
tim thoi co trong nguy co
Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực tại ĐBSCL bị khô hạn.

ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cá nước. Suốt những năm qua, ĐBSCL đã có những đóng góp rất tích cực cho đất nước, đặc biệt là ở sản phẩm nông nghiệp. Đây là địa bàn không chỉ làm nhiệm vụ giữ an ninh lương thực cho cả nước mà còn là nơi cung cấp nông sản xuất khẩu nhiều nhất. Tuy nhiên, tác động của biến đổi khí hậu ngày một xấu hơn đến vùng đồng bằng phì nhiêu này.

Thời gian qua, đã có những ý kiến lo lắng về nạn xâm nhập mặn, nạn triều cường, sạt lở đất, khô hạn bất thường, mùa nước nổi không còn... Lo lắng là đúng, vì đó là một thực tế. Nhưng lo thôi chưa đủ, không thể bó tay thúc thủ, mà phải tìm hướng ra cho ĐBSCL- đó là quyết tâm của Chính phủ và cũng là quyết tâm, là sự trông đợi của chính quyền địa phương cũng như người dân nơi này.

Trên tinh thần đó, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc nhấn mạnh: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại điều tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức để có một tương lai tươi sáng”.

Cùng đó, Thủ tướng đề nghị đưa ra được những giải pháp chiến lược, tổng thể, đồng bộ cả trước mắt cũng như lâu dài, những cơ chế chính sách phù hợp, huy động mọi nguồn lực để ĐBSCL vượt qua thách thức. Vì thế, Thủ tướng đề nghị những người tham gia hội nghị cần nói thẳng, phản biện cả những giải pháp của Chính phủ, các bộ ngành để tìm ra những giải pháp tốt nhất, với tinh thần vì ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững thịnh vượng.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia hứng chịu nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL là nơi dễ bị tổn thương nhất. Cùng đó, việc tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế của một số quốc gia khiến phần cuối nguồn là ĐBSCL phải chịu những tổn thất lớn khi quy luật dòng chảy tự nhiên của dòng sông này khi vào đến Việt Nam đã không còn.

Những tác động tiêu cực đó diễn ra trên nhiều mặt, nhưng nói như Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thì nông nghiệp - nông dân - nông thôn sẽ là những đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất.

Vậy, làm gì để vượt qua những thách thức lớn lao đó, để ĐBSCL phát triển bền vững? Những ý kiến tại “Hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL lần này sẽ được Thủ tướng Chính phủ, được Chính phủ xem xét kĩ lưỡng, từ đó sẽ có những quyết sách lớn. Đó là điều không chỉ người dân ĐBSCL trông đợi, mà cả nước trông đợi.

Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến rất tâm huyết, sâu sắc và thực tế. Trước hết phải bắt nguồn từ gốc của vấn đề, nói như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thì muốn ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ĐBSCL thì phải đổi mới trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại. Đó phải là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hoá quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta. “Tôi đề nghị sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân, phát huy lòng tự hào dân tộc, truyền thống tự cường, vượt khó khăn, gian khổ và trí tuệ của người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Đối với những nhà quản lý tại địa phương, nắm chắc thực tế, cũng đã đưa ra những giải pháp rất cụ thể. Trước nguy cơ nhiều vùng đất sẽ bị chìm sâu trong nước biển, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể cho rằng không được khai thác nước ngầm quá mức để tránh bị lún. Trong vòng 25 năm qua, Sóc Trăng đã lún xuống 25 cm. Từ đó ông Thể kiến nghị xây dựng các nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch cho người dân.

Còn ông Lê Văn Sử- Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị dẫn dòng nguồn nước ngọt từ sông Tiền, sông Hậu về để phục vụ cho vùng ven biển bán đảo Cà Mau. Cùng đó là xây dựng những công trình để tích trữ nước mưa, góp phần cung ứng nước cho sinh hoạt tại chỗ. Ông Cao Văn Trọng- Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, để thoát nghèo thì phải tạo ra mối liên kết, liên kết ngang và liên kết dọc.

Theo ông Trọng, để có được sự liên kết trong vùng thì phải có một “nhạc trưởng” hoặc tổ chức có đủ thực quyền để chủ trì phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ chế điều phối, các hoạt động trong liên kết vùng cũng như xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp. Trước nạn xâm nhập mặn, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL nêu kinh nghiệm phát triển vùng sản xuất luân canh lúa tôm, sản xuất xen canh tôm rừng và linh hoạt chuyển đổi sản xuất theo từng tiểu vùng phù hợp.

Để ĐBSCL tìm được thời cơ trong nguy cơ, ý kiến của giới khoa học cũng hết sức thẳng thắn, trách nhiệm. GS Võ Tòng Xuân- chuyên gia nông học hàng đầu đất nước cũng là người gắn bó mật thiết với ĐBSCL - đã từng đưa ra những cảnh báo cũng như đề xuất nhiều giải pháp, nhất là trong việc trồng lúa. Theo GS Xuân, cả nước cần khoảng 18 triệu tấn gạo.

“Trồng lúa giờ không ưu tiên nữa, chỉ trồng đủ ăn, dư ra 2 triệu tấn gạo là vừa, đừng ham dư ra 8-9 triệu tấn, vừa tốn nước, vừa tốn tiền bơm nhưng thu hoạch tiền không bao nhiêu”. Ông Xuân cho rằng, miền Tây hiện có 2,1 triệu ha đất trồng lúa và nông dân nhiều nơi đang làm lúa 3 vụ. Để đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, ĐBSCL chỉ cần trồng 1,5 triệu ha lúa và từ 3 vụ giảm xuống 2 vụ là vừa. “Làm lúa càng nhiều thì càng dư gạo, mà dư gạo thì giá sụt giảm, nông dân không có lời”- GS Võ Tòng Xuân nói.

Về việc sụt lún đất mỗi năm từ 1-3cm, GS Võ Tòng Xuân cho rằng nguyên nhân là do người dân lấy nước ngầm. Các tỉnh ven biển dùng nước ngầm bơm lên ruộng lúa và cứ mỗi tấn nông sản được làm ra cần đến 4.500 lít nước. Từ đó, việc sản xuất phải đắn đo cái nào ít tốn nước thì cho ưu tiên.

Còn nhiều những ý kiến tâm huyết và thực tế khác, như ý kiến của TS Dương Văn Ni (ĐH Cần Thơ) thì “nền văn hóa của chúng ta mới là thành trì vững chắc nhất để chống chọi với mọi sự thay đổi, trong đó có biến đổi khí hậu”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay trong phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ sẽ bàn về phát triển bền vững ĐBSCL. Việc tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” cho khu vực này và thu nhận được nhiều ý kiến quý báu, nhất định ĐBSCL sẽ tìm được thời cơ trong nguy cơ. Chính phủ quyết tâm, chính quyền địa phương quyết tâm, người dân quyết tâm thì không lý gì ĐBSCL lại tụt hậu. Mà ngược lại, ĐBSCL đã đứng trước vận hội cất cánh mới.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/tim-thoi-co-trong-nguy-co-380945

/ Nam Việt/daidoanket.vn