Hóa giải những lời khai của bị can, những phát biểu của phụ huynh trong thời điểm này không phải khó, không phải không thể tìm ra sự thật
Sau khi có thông tin một số thí sinh được nâng khống điểm ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La là con của một số quan chức đầu ngành của địa phương được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì có một số phụ huynh đã có những phát biểu, chia sẻ với báo chí.
Chẳng có phụ huynh nào tự nhận là mình đã có tác động, nhờ vả, chạy chọt cho con mình được nâng điểm cả.
Bởi, theo lý giải của những bậc phụ huynh này thì đa phần con của họ đều học giỏi. Có lẽ, các phụ huynh này đã “nói thật”, nếu không thật sao họ vẫn tại vị một cách bình thường suốt hơn một năm qua?
|
|
Con được nâng hàng chục điểm mà phụ huynh vẫn nói không biết (Ảnh minh họa: Truyền hình Quốc hội) |
Mới đây, Uỷ ban Kiểm tra tỉnh ủy Hòa Bình đề nghị kỷ luật 5 cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy vì có con được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Đó là: ông Bùi Văn Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải có con là thí sinh B.T.V được nâng 12,45 điểm để trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân;
Ông Trần Văn Tiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có con là thí sinh T.T.M.L được nâng đến 6.4 điểm đăng ký vào đại học Kinh tế quốc dân;
Ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ có con là thí sinh Đ.N.H.A được nâng 9.8 điểm để trúng tuyển vào đại học Kinh tế quốc dân;
Ông Phạm Hồng Hải - Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình có con là thí sinh được nâng 10,15 điểm để trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân;
Và, con ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cũng có con được nâng điểm để vào trường đại học Kinh tế quốc dân.
Trong số 5 thí sinh này thì đã có 2 em bị buộc thôi học, 3 em còn lại vẫn đang tiếp tục được học tại các trường đại học vì sau khi chấm lại vẫn đủ điểm chuẩn theo quy định.
Có lẽ vì vậy, những phụ huynh này đã thể hiện sự đường hoàng, dõng dạc nói với dư luận là con mình học giỏi và họ thực lòng không biết vì sao được nâng điểm.
|
Khi trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Tiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã nói: "Cũng có thể do người ta biết tôi nên có cơ hội là họ tự ý nâng điểm cho con nhà tôi.
Còn con tôi thì tôi khẳng định là cháu học rất giỏi nên đời nào có việc tôi tác động để con tôi được nâng điểm.
Con tôi không học chuyên ban nào nhưng cả 3 năm cấp 3, cháu đều học giỏi và năm 2018, cháu còn đạt học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Sự việc xảy ra như này là cái tội của những người nâng điểm làm cháu bị ảnh hưởng thôi".
Những chia sẻ của ông Trần Văn Tiệp khiến chúng ta nhớ lại những chia sẻ trước đây của ông Triệu Tài Vinh- nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang.
Lúc xảy ra sự việc nâng điểm ở Hà Giang, trong đó có con gái ông Triệu Tài Vinh thì ông đã nói: "Tôi cũng muốn nói, con gái học tốt, giỏi liên tục 3 năm phổ thông, học giỏi từ cấp 2, làm lớp trưởng thì không việc gì tôi phải đi xin điểm và không bao giờ tôi làm như thế.
Điểm đó vẫn đảm bảo để cháu xét tuyển vào trường đại học. Tôi luôn tự hào về việc học của con và vấn đề điểm thi luôn được dư luận quan tâm, nhưng mong muốn báo chí phản ánh thế nào để các cháu ổn định tư tưởng.
Quan trọng nhất đừng để các cháu học sinh khi bước vào đại học phải mang tư tưởng chạy điểm mới được vào học".
Thậm chí, lúc còn là Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, ông Triệu Tài Vinh còn khẳng định với các phóng viên báo chí tại hành lang Quốc hội: “Tôi vừa gọi điện yêu cầu kiểm điểm vụ gian lận thi cử”.
Có điều, tại sao suốt nhiều tháng ở Hà Giang thì ông Vinh không yêu cầu đến khi xuống Hà Nội họp Quốc hội thì ông mới “gọi điện yêu cầu kiểm tra”? Vậy, với vai trò là Bí thư tỉnh ủy thì gần năm qua (thời điểm ông chia sẻ) ông đã làm gì, lý do nào khiến ông chưa chỉ đạo sự việc này?
|
Và, còn nhiều lãnh đạo của 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La cũng đã từng nói về con mình với một thái độ tự hào như thế!
Thế nhưng, điều trớ trêu là 5 cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy Hòa Bình vừa bị kỷ luật cũng như một số cán bộ khác lại không thấy ai phản bác, khiếu nại về việc đề nghị kỷ luật mình. Hoặc, họ làm đơn đề nghị làm rõ sự việc.
Nếu trong sáng, nếu không dính dáng gì đến mình mà tự nhiên bị yêu cầu giải trình, bị đề nghị kỷ luật chắc chẳng có ai cam chịu ngồi yên! Bởi, nó ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của họ, nhất là một số người lại là cán bộ đầu ngành.
Đâu mới là…sự thật?
Thực tế, để tìm ra sự thật không khó, nhất là đối với Hà Giang- nơi đây đã phát hiện ra tiêu cực đầu tiên và những người trực tiếp là ông Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài đã bị bắt ngay sau khi sự việc bị phát hiện.
Vì vậy, việc khai thác thông tin, đối chứng thông tin không hề khó nếu các cơ quan chức năng ở đây quyết tâm làm.
Đối với những bị can ở Sơn La thì họ cũng đã khai ra người đưa tiền, đã nộp lại hơn 3 tỉ đồng tiền nhận chạy điểm, đã khai ra người “đặt hàng”, người trung gian và một số phụ huynh.
Nhiều cán bộ đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đề nghị kỷ luật, nhiều cán bộ đã bị truy tố, nhiều người đang bị tạm giam thì sự việc đâu phải là chuyện mò kim đáy biển?
Vấn đề còn lại là các tỉnh có quyết tâm làm đến cùng hay không mà thôi.
Bởi, chẳng có sự vô tình nào mà đa phần những thí sinh được nâng điểm lại đều rơi vào gia đình quan chức, gia đình có điều kiện hoặc chí ít cũng là người thân của các cán bộ được phân công làm nhiệm vụ trong Hội đồng chấm thi năm 2018.
Hóa giải những lời khai của bị can, những phát biểu của phụ huynh trong thời điểm này không phải khó, không phải không thể tìm ra sự thật. Nhưng nếu không hóa giải được thì vô tình con lãnh đạo lại bị “nâng điểm oan” hay sao?
Liên tiếp bê bối thi cử: Dư luận chờ đợi lời giải đáp từ ngành Giáo dục |
Những sai phạm của Đại học Đông Đô trước khi hiệu trưởng bị khởi tố |
5 lãnh đạo có con được nâng điểm: 'Cháu học rất giỏi' |