Tìm động lực mới cải thiện hợp tác châu Âu - Trung Quốc

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng đồng hành tới Trung Quốc trong chuyến công du đặc biệt nhằm vừa cải thiện quan hệ hợp tác thương mại giữa Bắc Kinh và châu Âu, vừa tìm kiếm tiếng nói tương đồng trong các vấn đề quốc tế phức tạp.

Khác với lần đầu tiên Tổng thống Macron công du Trung Quốc cách đây hơn 3 năm, chuyến đi lần này, kéo dài từ ngày 5 đến 8/4, của nhà lãnh đạo Pháp diễn ra vào thời điểm tình hình quốc tế chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột Ukraine và những đám mây đen phủ bóng quan hệ Trung Quốc-Mỹ đòi hỏi ông Macron phải xử lý quan hệ với Bắc Kinh một cách hài hòa nhất để vừa đảm bảo quyền lợi của Paris và châu Âu, đồng thời không để ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh với Mỹ. Trong nỗ lực thể hiện cách tiếp cận thống nhất của toàn Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Macron đã mời Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cùng đồng hành.

macron va tap can binh.jpg -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp nhau bên lề Hội nghị G20 ở Indonesia tháng 11/2022. Ảnh: TheTimes

Theo Politico, đoàn tháp tùng Tổng thống Macron tới Bắc Kinh và Quảng Châu có hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu, gồm những tập đoàn lớn như Airbus, EDF, Alstom hay Veolia, chỉ dấu cho thấy ông Macron rất trông đợi vào việc cải thiện hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Phát biểu khi công bố chính thức về chuyến thăm, ông Macron nhấn mạnh sẽ cố gắng thiết lập "mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp". Kim ngạch thương mại song phương Pháp-Trung năm 2022 đạt con số khá ấn tượng 81 tỷ USD. Tuy nhiên, theo tờ Le Monde, thâm hụt thương mại giữa hai bên gia tăng khi giá trị xuất khẩu từ Pháp sang Trung Quốc chỉ tăng 13%, còn nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 48%.

Về phía EU, thâm hụt thương mại và chính sách đầu tư của Trung Quốc từ lâu trở thành trở ngại trong quan hệ. EU gần đây đưa ra một số công cụ kiểm soát đầu tư nước ngoài và cân bằng cán cân thương mại với Bắc Kinh. Ngoài ra, đã xuất hiện thành viên EU tham gia chiến lược của Mỹ cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất sản phẩm bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc. Nhưng cả EU và Pháp đều thể hiện họ không theo đuổi cách tiếp cận cứng nhắc. "Tôi tin rằng, việc tách khỏi Trung Quốc vừa không khả thi, vừa không phù hợp với lợi ích châu Âu", Chủ tịch EC von der Layen phát biểu. Tổng thống Macron cũng có quan điểm tương tự với thị trường 1,4 tỷ dân. Sự phối hợp của hai nhà lãnh đạo trong chuyến thăm quan trọng chắc chắn sẽ làm cho Pháp, rộng hơn là EU, có thêm đòn bẩy trong các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc đang trong quá trình khôi phục kinh tế sau khi thay đổi chính sách chống COVID-19. Tăng trưởng của nước này năm 2022 xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2023 chỉ khoảng 5% nên các xáo động trong quan hệ thương mại với EU sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đó. Bắc Kinh cũng trông đợi đưa hợp tác thương mại với EU vào quỹ đạo ổn định để phát triển đất nước, nhất là khi cuộc cạnh tranh với Mỹ đang tăng nhiệt. Theo Politico, ngay trong chuyến thăm, các doanh nghiệp Pháp dự kiến kí kết một loạt hợp đồng lớn. Tập đoàn Airbus có thể sẽ đạt một hợp đồng bán máy bay chở khách mới cho Trung Quốc.

Chủ đề lớn tiếp theo trong chuyến công du Bắc Kinh của ông Macron và bà Von der Layen là tìm kiếm cách tiếp cận chung phù hợp trong các vấn đề quốc tế phức tạp, nhất là tình hình Ukraine. Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang diễn ra ác liệt, France24 dẫn lời quan chức cấp cao chính phủ Pháp đánh giá, "Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng tác động lập tức và triệt để vào cuộc chiến, theo hướng này hoặc hướng khác".

Bắc Kinh gần đây đã thể hiện sẵn sàng tham gia hòa giải Nga-Ukraine và công bố một kế hoạch hòa bình 12 điểm có nội dung kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên, kế hoạch đó chưa nhận được phản hồi tích cực từ Ukraine và phương Tây.

Vài giờ trước khi lên đường, ông Macron đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden và cùng nhất trí sẵn sàng "hợp tác với Trung Quốc để nhanh chóng kết thúc chiến sự Ukraine và tham gia xây dựng hòa bình bền vững trong khu vực". Chưa rõ liệu cách tiếp cận này có giúp các bên sớm tìm được tiếng nói chung nhằm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình hài hòa ở Ukraine hay không.

Theo giới quan sát, bên cạnh các chủ đề "nóng" nêu trên, lãnh đạo Pháp, EC và Trung Quốc cũng sẽ thảo luận về vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, những lĩnh vực mà các bên đã đưa ra nhiều cam kết tham vọng.

Từ Bắc Kinh, khi được đề nghị bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Pháp, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh, nội dung các cuộc hội đàm cấp cao sẽ tập trung vào quan hệ song phương, quan hệ giữa Trung Quốc và EU cũng như các "điểm nóng quốc tế, khu vực".

Theo bà Mao Ninh, "sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU là vì lợi ích của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định trên toàn thế giới". "Trước bối cảnh quốc tế đầy biến động, thách thức an ninh toàn cầu gia tăng và phục hồi kinh tế chậm chạp, Trung Quốc và EU cần nêu cao tinh thần tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, vượt qua gián đoạn và khó khăn, tập trung vào sự đồng thuận", bà phát biểu.

 https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tim-dong-luc-moi-cai-thien-hop-tac-chau-au-trung-quoc-i689089/

Thái Hà / Công an nhân dân