Vụ đắm tàu Đô đốc Nakhimov sau này được biết đến với cái tên “Titanic Xô viết” đã cướp đi sinh mạng của 423 người, trong đó có 359 hành khách và 64 thủy thủ.
Đây là thảm họa chết chóc nhất ở biển Đen thời bình. Vụ đắm tàu chở khách mang tên Đô đốc Nakhimov đã khiến cho xã hội Liên Xô khi đó bị sốc đến mức con tàu này được mang thêm cái tên là Titanic Xô viết.
Vào buổi tối 31/8/1986, tàu chở khách Đô đốc Nakhimov rời vịnh Tsemes gần Novorossiysk trên hải trình tới Sochi và các cảng khác ở biển Đen.
Tàu chở khách Đô đốc Nakhimov vào ngày 31/8/1986. (Ảnh: Leonov). |
Tàu này trước đây được đóng vào thời kỳ Cộng hòa Weimar (Đức) và mang một cái tên Đức. Tàu sau đó được trao cho Liên Xô như một dạng đền bù chiến tranh và đã phục vụ trong hạm đội tàu chở khách của Liên Xô gần 30 năm với cái tên mới là Đô đốc Nakhimov.
Con tàu to và sang trọng này đã vượt quá tuổi thọ dự kiến của mình và đã đến lúc phải nghỉ hưu. Chuyến đi biển lần này được xem sẽ là một trong những chuyến đi cuối cùng và thực tế đã trở thành chuyến đi định mệnh của con tàu.
Cú va chạm chí tử
Không ai trong số 1.243 người trên khoang tàu (gồm 897 hành khách và 346 thành viên thủy thủ đoàn) ý thức được rằng nguy hiểm đang rình rập họ phía trước. Vào lúc xảy ra va chạm, một vài người đang khiêu vũ và số khác thì xem phim, nhưng đa số đang chuẩn bị đi ngủ.
Cùng lúc đó, tàu chở hàng Pyotr Vasev đi vào cảng, và thuyền trưởng của tàu này, Pyotr Tkachenko, hứa sẽ nhường đường cho tàu chở khách.
Tuy nhiên mọi thứ xảy ra hoàn toàn ngoài dự kiến. Tàu Pyotr Vasev lao về phía tàu Đô đốc Nakhimov. Thủy thủ đoàn của cả hai tàu bắt đầu lo lắng. Nhưng Tkachenko, đã theo dõi chuyển động trên thiết bị radar hàng hải bình tĩnh trả lời rằng mọi thứ đang diễn ra theo kế hoạch và hai tàu sẽ tránh nhau an toàn.
Lúc đó Vadim Markov - thuyền trưởng tàu chở khách, không có mặt ở cầu thuyền trưởng do ông đã đi ăn tối.
Khi khả năng hai tàu va chạm vào nhau trở nên rõ ràng, các thủy thủ bắt đầu hoảng loạn. Chỉ khi đó Tkachenko mới rời mắt khỏi radar và nhận ra rằng hệ thống radar đã bị lỗi hoàn toàn. Và mệnh lệnh muộn được ban ra vào lúc này để ngừng con tàu lại có ít tác dụng.
Thảm kịch
Vào lúc 23h12, tàu chở hàng tông mạnh vào tàu chở khách, xé toạc ra một lỗ hổng lớn ở thành tàu chở khách – lỗ hổng này dài tới 80m. Con tàu bị thương bắt đầu nghiêng sang một bên.
Hệ thống điện lập tức bị mất và con tàu chỉ mất 8 phút là chìm xuống biển cùng với nhiều người bị kẹt trong khoang trong bóng đêm đen kịt. Trong số các nạn nhân có 23 trẻ em, lúc đó đã đi ngủ.
Tàu chở hàng Pyotr Vasev sau vụ va chạm với tàu chở khách. (Ảnh: Tass). |
Dù tàu có xuồng cứu hộ, thủy thủ đoàn không có đủ thời gian để triển khai xuồng.
Nhân chứng Yekaterina Kishman nhớ lại: “Tình hình trên boong tàu hỗn loạn. Mọi người đang kêu gào, số khác thì khóc lóc hoặc cười lo lắng. Nam giới thì đang bật diêm. Ban đầu thì mọi người chưa hoảng loạn”.
Khi con tàu bắt đầu chìm nhanh, hàng trăm người nhảy xuống nước để bảo vệ mạng sống của mình. Kishman kể tiếp: “Một người đàn ông cao lớn mặc quần trắng đâm sầm vào tôi và hét lên “nhảy thôi”. “Tôi không biết bơi” – “Dù thế nào cũng phải nhảy!”. Nói rồi anh ấy nắm lấy tôi và kéo xuống biển”.
Một người sống sót khác, Vladimir Puzyrko, nhớ lại: “Tôi nhảy xuống biển và dùng hết sức để bơi ra khỏi khu vực con tàu đắm để tránh bị hút vào dòng nước xoáy. Tôi nhìn lại và thấy con tàu đang chìm xuống và tôi bị kéo theo… Tôi khát khao được sống tiếp và tôi cố hết sức để ngoi lên mặt nước. Và tôi đã làm được điều đó. Tôi cởi bỏ áo sơ-mi, quần dài và tất. Tôi nhận ra rằng dòng nước đã lôi tôi ra ngoài biển xa. Đột nhiên tôi thấy một con tàu lớn ở cạnh đó. Đó là tàu Pyotr Vasev”.
Pyotr Vasev là tàu đầu tiên tham gia cứu hộ và trong vài tiếng đồng hồ có thêm các tàu thuyền khác từ Novorossiys đến hỗ trợ.
Ngôi mộ tập thể dưới biển
Vụ đắm tàu Đô đốc Nakhimov (sau này được biết đến với cái tên “Titanic Xô viết”) đã cướp đi sinh mạng của 423 người, trong đó có 359 hành khách và 64 thủy thủ. Thuyền trưởng của hai tàu này sống sót và sau đó bị kết tội thiếu trách nhiệm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và mỗi người đều bị kết án 12 năm tù nhưng đã được phóng thích vào năm 1992.
Trong những ngày đầu tháng 9/1986, các thợ lặn bắt đầu công việc vớt các thi thể trong tàu đắm. Do sức nóng lớn, các thi thể đã bị phân hủy đáng kể và những người chụp ảnh phải chụp ảnh thật nhanh để nhận diện các nạn nhân.
Khi có 2 thợ lặn bị thiệt mạng dưới nước khi đang tìm kiếm tại khu vực tàu, toàn bộ chiến dịch trục vớt đã bị dừng lại ngay lập tức. Người ta quyết định để nguyên tàu Đô đốc Nakhimov cùng các hành khách còn kẹt trong đó yên nghỉ dưới đáy biển.