Các giảng viên đại học không chỉ là những người làm thuê các luận văn tốt nghiệp, mà có khi lại chính là những đầu mối giao dịch cho việc làm này. Những sinh viên giỏi, trên lớp hay phát biểu, thảo luận sôi nổi, tư duy tốt, có năng khiếu viết lách… sẽ là những “đối tượng” mà các thầy cô giáo nhắm tới để đặt vấn đề thuê viết luận văn.
Nhiều trang web, mạng xã hội rao công khai thông tin viết thuê luận văn tốt nghiệp đại học, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.
Tiết lộ sốc của những người trong cuộc
Nhóm phóng viên Lao Động liên hệ được với sinh viên tên L (tên đã thay đổi) của một trường đại học có tiếng trên địa bàn Hà Nội. L cho biết, trong trường cô là một sinh viên khá có tiếng nên được các thầy cô giáo trong trường tìm đến và thuê viết các khóa luận, luận văn khi có “khách”. Khi nhận làm, L có biết sơ qua về tên và trường học của những người mà L làm hộ nhưng mọi vấn đề liên lạc, trao đổi đều do phía thầy cô và trợ lý của thầy cô làm.
Cũng theo bạn L, chính thầy cô giao cho L làm sẽ là người hướng dẫn cho L viết các luận văn này. Thậm chí các thầy cô giáo này còn cử thêm một trợ lý để giúp L các bước từ bước làm đề cương chính thức, viết bài, chỉnh sửa. Tài liệu và tất cả các thông tin khác đều do cô giáo cung cấp, L chỉ việc viết. Với mỗi một luận văn L được nhận 3 triệu cho 1 bài, còn khóa luận thì 2 triệu rưỡi 1 bài.
L cho biết, ban đầu cô giáo chỉ giao cho L và một bạn nữa để làm việc này nhưng sau đó cô giáo gọi thêm nhiều bạn nữa để gặp. “Mỗi cuộc gặp đó đều là cuộc gặp kín nên tôi không biết họ nói chuyện gì” - L nói. “Mỗi lần làm chỉ cần lên một đề cương cơ bản và sau đó là một đề cương chi tiết, bản thân tôi thấy việc này cũng không tốn nhiều công sức của mình lắm vì tôi làm khá nhanh và tài liệu đã được cô giáo cung cấp hết cho, kể cả các tài liệu mẫu, đề cương mẫu. Tôi chỉ cần đọc lại và lọc ra các ý hay, các đề cương hay để làm vào thôi” - L chia sẻ.
Sinh viên này cũng tiết lộ thêm, không phải các luận văn, khóa luận đều khác so với các luận văn khác. Các luận văn này sao chép nhiều, biến tấu từ những cái cũ cho thành một cái mới. Những phần lý luận, lý thuyết chung sẽ là sao chép ý chính, chỉ có một số phần phải tự làm là áp dụng thực tiễn. Phần này sẽ do người đi thuê cung cấp một số số liệu, tài liệu mà họ có được để L viết và tự viết. “Ai cũng hiểu mà, đây là đi làm thuê không phải của mình nên chất lượng không tốt lắm đâu. Cái giá mà họ trả cho tôi là 3 triệu mà phải theo suốt 3 tháng là thấp nên tôi không cần thiết phải đầu tư quá nhiều cho nó” - L thẳng thắn nói.
Khi được hỏi về cách thức mà các thầy cô giáo giao dịch với người thuê viết luận văn, sinh viên tên L này cho biết cô biết được là do trên bìa in luận văn ghi tên người hướng dẫn, L biết rằng cô giáo thuê L viết luận văn chính là người hướng dẫn của người đi thuê viết. Ở đây có thể hiểu rằng thầy cô hướng dẫn nhưng người đó không muốn làm thì sẽ đề bạt với thầy cô nhờ giúp đỡ, đơn giản là sẽ thuê luôn thầy cô viết luận văn cho đề tài của chính thầy cô giao. Và thầy cô sẽ đi thuê lại những sinh viên như L, đương nhiên giá mà thầy cô nhận được sẽ cao hơn rất nhiều so với giá mà thầy cô thuê lại các sinh viên giỏi để làm thay luận văn. L nói thêm, việc mình làm được các thầy cô yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối, L không được phép cho ai biết về việc mình làm.
L chia sẻ cô làm việc này không chỉ vì mục đích tài chính mà còn vì nể các thầy cô giáo, tâm lý e ngại từ chối thầy cô đã khiến L và những sinh viên giỏi như L làm công việc này. Và cũng vì là thầy cô thuê nên các sinh viên giỏi này sẽ dễ nhận hơn, còn nếu là sinh viên thuê sinh viên thì nguy cơ người nhận viết thuê cũng sẽ bị kỷ luật cao hơn nếu bị phát giác. L cũng cho biết mỗi khóa luận có thời gian trong 3 tháng nhưng cô chỉ cần 2 đến 3 tuần để làm xong. “Mình không nhận làm thì người khác cũng nhận thôi, việc gì mà mình không nhận” - L nói.
Hệ lụy tai hại
Ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định: Hiện tượng thuê làm khoá luận, thậm chí là luận văn rõ ràng đang tồn tại và là một hiện tượng không lành mạnh, chúng ta không thể ủng hộ hay tiếp tay cho hành động này. Tuy nhiên để tìm được nguyên nhân và biện pháp thì không phải dễ dàng. Nguyên nhân xuất phát từ ý thức, quan niệm của người học chỉ để lấy tấm bằng và điều này cũng xuất phát từ tư tưởng tuyển dụng trọng bằng cấp. Thậm chí, nhiều cơ quan còn thông báo chỉ tuyển đại học chính quy nhưng đâu có thể xác định được là sinh viên đang học thật hay đi mua kiến thức. Vì thế, nếu muốn thay đổi được thực chất vấn đề này là phải thay đổi được quan niệm học để làm gì và cơ chế tuyển dụng cần theo năng lực chứ không phải chỉ theo bằng cấp.
Đối với các nhà trường, cách tốt nhất để hạn chế vấn đề này là các giảng viên, các hội đồng khoa học cần tăng cường tính trách nhiệm của mình. Thực tế, tại Việt Nam kiểm tra giám sát để tìm ra được người làm giả là rất khó khăn. Ở nước ngoài, họ có quy định cho viết bài luận sau đó chấm bài luận hay công trình có thể đánh giá được là học viên viết được bao nhiêu %. Nhưng ở Việt Nam, điều này còn hạn chế. Ngay cả việc chấm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ thì nếu như người bị đạo văn, bị sao chép không lên tiếng rất khó để hội đồng tự phát hiện ra. Bên cạnh đó, để hạn chế hiện tượng tiêu cực này, các trường cần phải kỷ luật nghiêm các sinh viên, học viên gian lận trong công trình khoa học.
Ông Phạm Xuân Vinh (giảng viên Đại học Văn Lang TPHCM) cùng quan điểm: Có thể nói điều này xuất phát từ việc xã hội quá xem trọng bằng cấp, bằng cấp trở thành cái “cần câu cơm”, “câu danh vọng”. “Việc dễ dàng kiếm được bằng thạc sĩ, tiến sĩ qua việc nhờ thuê viết luận văn dẫn đến lạm phát bằng cấp, “bằng thật nhưng học giả”. Hiện nay, số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta vào loại cao của khu vực và thế giới. Thế nhưng số lượng thạc sĩ, tiến sĩ này lại tỉ lệ nghịch với các sáng chế, nghiên cứu khoa học, phát minh khoa học, số lượng bài báo trên các tạp chí chuyên ngành có tên tuổi trên thế giới. Điều này dẫn đến việc, hiện nay rất nhiều người “dị ứng” với bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam.
Việc sinh viên, học viên thuê người viết luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, tiến sĩ... là có, bởi có người yêu cầu thì dịch vụ này rao công khai và rộ lên ngày càng nhiều trên các trang web, mạng xã hội. Tuy nhiên, làm luận văn, luận án phải là sản phẩm khoa học, đòi hỏi quá trình nghiên cứu thật nghiêm túc của sinh viên, học viên; còn nếu tình trạng sao chép, đạo văn không trích nguồn, hoặc thuê người khác làm hộ, không hiểu rõ vấn đề thì rất nguy hiểm… Đối với sinh viên, người thuê viết luận văn: Họ có được tấm bằng không tương xứng với năng lực thật sự của mình; với tấm bằng giả này họ sẽ chiếm chỗ của những người thật sự có năng lực trong xã hội, điều này khiến là tai hại và gây hệ lụy tai hại cho xã hội.
Đừng biến trường học thành trung tâm luyện thi vô cảm
Theo nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương, để thành công và sống hạnh phúc, con người cần có sức khỏe tốt và vốn ... |
Rà soát GS, PGS: Còn bao nhiêu ứng viên yếu kém chưa “bị lộ”?
Kết quả rà soát GS, PGS tiếp tục được dư luận quan tâm khi có tới 41 ứng viên đã được công nhận nhưng bị ... |