Sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều đầy rẫy sạn khiến dư luận lo ngại khó có thể chỉnh sửa một sớm một chiều.
Thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định đã tổ chức rà soát, làm việc với tác giả sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều. Trên tinh thần cầu thị, trách nhiệm, Hội đồng thẩm định và tác giả thống nhất tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa sách giáo khoa phù hợp hơn.
Cụ thể, sẽ chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn, bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163,…; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”,…
Vấn đề cần đặt ra bây giờ là, ngành giáo dục tiếp tục dùng quyển sách đầy lỗi này, tạm dừng để chỉnh sửa rồi sang năm dùng lại hay bỏ hẳn đi như nhiều người đề nghị? Theo chúng tôi, đây là quyển sách khó có thể chỉnh sửa vì mắc hàng loạt sai sót có tính hệ thống.
Sách đầy rẫy sạn
Chúng tôi đã đọc toàn bộ sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều (tập 1) của nhóm tác giả Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên) - Hoàng Hòa Bình – Nguyễn Thị Ly Kha – Lê Hữu Tỉnh biên soạn, do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM ấn hành (2020). Chúng tôi nhận thấy quyển sách này mắc những lỗi cơ bản như sau.
Thứ nhất, về văn bản, có 46 bài/82 bài đọc là các văn bản sao phỏng từ các truyện ngụ ngôn nước ngoài. Trong đó 8 bài được tách ra thành 2 phần cho 2 bài, làm lệch lạc về nội dung. Trong đó 2 bài văn vần, có bài vè nói ngược, kiểu “Chó thì mổ mổ” và hoàn toàn vắng bóng thơ ca (của các tác giả nổi tiếng), đồng dao, ca dao...
Còn lại là các bài văn xuôi tiếng Việt, không có tác giả hoặc tác giả “vô danh”, văn vẻ lặp đi lặp lại nhiều câu ngô nghê, nội dung ít tính giáo dục. Việc lựa chọn văn bản như trên dẫn đến những hạn chế về nội dung và ngôn ngữ diễn đạt của sách, như nhiều người đã chỉ ra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh diều. |
Thứ hai, về nội dung, có gần 50% các bài đọc dựa trên các cốt truyện có nội dung liên quan đến các yếu tố bạo lực, thói xấu, hoặc xa lạ với trẻ (đe doạ, bắt nạt, lừa đảo, lười biếng, sinh đẻ), không có tính giáo dục.
Các nhân vật chính trong bài đọc chủ yếu có quan hệ không thân thiện (dê đen - dê trắng, quạ - sẻ, hổ - thỏ, thỏ - rùa, ve - gà, gà nhí - quạ, cò - quạ, quạ - gà, cua - cò - cá, chuột út - mèo, chuột út - gà trống, chồn - gà rừng, cá măng - cá mập, thợ săn - vượn), hoặc không có quan hệ gì trong thực tế để liên tưởng như bị gán ghép một cách khiên cưỡng (thỏ - cún - vượn, quạ - chó, lừa - thỏ - cọp)...
Các hoạt động, cảm xúc chủ yếu của các nhân vật này là: sợ (thống kê sơ bộ ở mấy bài đã khoảng chục lần), lo, ăn thịt, doạ, dữ, dám, giả vờ, la, than, cuỗm, quắp, tợp, tha, la, cắn, mổ, nhá, chộp, tóm cổ, kẹp cổ, nuốt mồi, bắt, chén, hùng hục, phàn nàn,than thở, lầm rầm, van xin, than thở, liếm, la liếm, vùng vằng, lem lẻm, cằn nhằn, gật gù..
Thứ ba, về ngôn ngữ, sách dùng quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùng, chưa phù hợp với trẻ lớp 1: “gà nhí”, “gà nhép”, “chuột út”, “sẻ ri”, “ca ri ri”, “piano”, “xe téc”, “sâm cầm”, “củ sâm”, “lúa tẻ”, “lúa nếp”, “đồ nếp”, “mi”, “nhá cỏ”, “nhá dưa”, “quà quà”, “chả” (lo), “tí gì”, “vù”, “vọt”, “hí hóp”, “lê la”, “liếm la”, “rỉ rả”, “íp bịp”, “lập bập”, “nhu mì”, “phốp pháp”, “tỏ vẻ”, “thô lố”, “sắp” (cơm), “ngó”, “ngộ”, “ngớ”, “nom”, “ướt nhẹp”, “dăm” (nhà)...
Sách dùng nhiều kết hợp bất thường: “quạ quà quà”, “sẻ ca riri”, “cho ve tí gì”, “chả có gì”, (đẹp) “mà chẳng khôn”, “giúp má sắp cơm”, “quạ kiếm cớ la cà”, “cua khệ nệ ôm yếm”, “chó thì mổ mổ”, “gà thì la liếm”, “cò kịp thò mỏ”...
Dùng nhiều câu quá dà, như "Khỉ đi thăm bà. Khi đi nó hứa sẽ đem về đủ thứ cỏ lạ hoa thơm làm quà cho thỏ và nhím. Cả nhà Nga đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Giá bà ra phố chơi, Bi đỡ nhớ bà, nhớ bố mẹ. Lúa tẻ cho là nó thua kém lúa nếp vì trẻ em chỉ ưa đồ nếp) hoặc kiểu câu không thông dụng (quà là rổ khế, rổ mơ, cá rô, cá quả. Cò chả đáp gì. Đó là bé kể: Dì Kế giã giò".
Một số mẫu câu lặp lại đơn điệu ở nhiều bài, ví dụ có đến 30 câu mẫu X có Y lặp đi, lặp lại (Bề có cá, có cỏ. Hà có ghế gỗ, ba Hà có ghế da. Bờ Hồ có ghế đá. Cỗ có giò, có gà, có cả giá đỗ. Hồ có cá mè, ba ba. Nhà có na, nho, khế. Nhà bà có gà, có nghé. Gà có ngô. Nghé có cỏ, có mía. Bi có phở. Bé Li có na. Bố có cà phê...).
Ngoài ra, một số văn bản có nội dung chắp vá, xào xáo – nhất là các truyện ngụ ngôn “phỏng theo” như báo chí đã đề cập - rõ ràng là thiếu tính giáo dục.
Vì sao dư luận phẫn nộ?
Câu chuyện về sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều không phải bắt đầu từ các nhà phản biện khoa học hay giáo dục mà từ những lời phàn nàn của giáo viên và phụ huynh. Họ nói rằng quyển sách này nặng nề, không chuẩn mực về ngôn từ và nội dung khó học, khó dạy.
Phản ứng lại những lời phàn nàn này, qua báo chí, các tác giả cho rằng giáo viên và phụ huynh chưa nắm được mục tiêu và nội dung của sách, sốt ruột, đốt cháy giai đoạn. Còn đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng chưa có đủ cơ sở kết luận sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều nặng.
Để đánh giá, nhiều nhà khoa học, nhà văn, nhà văn hoá, giáo dục đã vào cuộc, vạch ra những sai sót nặng nề và có hệ thống của quyển sách từ văn bản đến nội dung, từ từ ngữ đến diễn đạt câu cú. Một lần nữa, phản ứng lại các phản biện này, Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên chủ biên của bộ sách này - giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nhiều người không hiểu triết lý giáo dục của ông, không hiểu nguyên tắc, mục tiêu của chương trình và sách giáo khoa. Đó là sách đã được hội đồng thẩm định và giáo viên đánh giá cao, đã được dạy thực nghiệm thành công. Rồi những người phê phán sách tiếng Việt 1 - Cánh Diều vì lý do cạnh tranh nên không khách quan.
Ngay sau đó, báo chí và mạng xã hội lại dậy sóng vì những ý kiến này. Tại buổi đối thoại do VOV tổ chức, một sự thật bị phơi bày qua lời của ông Mai Ngọc Chừ (Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định). Cụ thể, những sai sót mà giáo viên, phụ huynh, dân mạng và người phản biện chỉ ra Hội đồng thẩm định biết cả, đã góp ý và khuyến cáo nên sửa, nhưng các tác giả sách bảo lưu ý kiến, không sửa.
Kết quả là một sản phẩm đầy lỗi được đẩy ra xã hội. Đến lúc này, tác giả sách mới nói “sẽ xem xét tiếp thu chỉnh sửa”, nhưng chưa nói rõ sẽ chỉnh sửa cái gì, mức độ thế nào.
Từ những phân trên, chúng tôi cho rằng, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều khó có thể sửa chữa một sớm một chiều vì sách mắc lỗi mang tính hệ thống - chứ không phải chỉ một vài bài tập đọc như “Cua, cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”, “Lừa, thỏ và cọp”, … Thời điểm này, các cấp có liên quan hãy cho các em chuyển sang dùng quyển sách giáo khoa khác, thậm chí đó là sách cũ.
Phát hiện thêm một cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt 1 chi chít "sạn" |
Giáo viên dạy trẻ học thế nào khi chờ sách Tiếng Việt 1 sửa "sạn"? |
Bộ GD&ĐT nói gì về việc sửa lỗi sách Tiếng Việt 1? |