- Sau mấy tháng xuống Hà Nội, chị Hằng (28 tuổi, Yên Bái) luôn chịu đựng những dằn vặt của chồng về việc đi làm đêm. Đỉnh điểm là việc anh nghi ngờ cái thai trong bụng chị khiến người phụ nữ này uất ức bỏ về nhà mẹ đẻ.
Video: Cuộc sống về đêm của nữ phu xe chợ Long Biên
Con đường vào xóm trọ ở phường Phúc xá, Ba Đình, Hà Nội lầy lội hơn mọi ngày. Cơn mưa rả rích trong cái rét cắt da cắt thịt khiến xóm trọ vốn lụp xụp nay càng hiu hắt hơn.
Chị Phan Thị Chiêm (37 tuổi, Vĩnh Phúc) ngồi trước cửa phòng trọ mải mê thêu một bức tranh. “Hi vọng tôi thêu xong kịp để mang về quê treo ngày Tết”, chị Chiêm nói.
|
|
Chị Phan Thị Chiêm (37 tuổi, Vĩnh Phúc). Ảnh: Ngọc Trang |
Xóm trọ nơi chị thuê có tất cả 40 phòng. Mỗi phòng khoảng 8m2, là nơi sinh hoạt của 2 đến 3 người. Những người sinh sống ở đây đều là dân ngụ cư. Ban ngày nhưng họ đều đóng cửa im lìm để ngủ sau một đêm miệt mài bán sức lao động ở chợ đêm Long Biên.
Cơn mưa nặng hạt hơn, nhìn ra dãy đồ phơi ngoài sân, chị Chiêm nói: “Lúc nãy trời tạnh mưa, tôi đưa quần áo ra phơi và phơi hộ cho cả các phòng hàng xóm ai ngờ trời lại đổ mưa. Giờ tôi chẳng muốn thu quần áo vào vì phòng trọ chật hẹp cũng không biết phơi vào đâu”.
Phòng trọ lụp xụp có giá 800 nghìn/tháng. Ảnh: Ngọc Trang
10 năm trước, kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng chị Phan Thị Chiêm gửi con cho ông bà nội rồi xuống Hà Nội làm thuê ở chợ đêm Long Biên.
Chồng chị làm nghề bốc vác. Ban đầu chưa có vốn, chị làm nghề gánh thuê. Một thời gian sau hai vợ chồng tích góp được ít tiền, chị mua một chiếc xe kéo và gắn bó với nghề này đến giờ.
“Chiếc xe này tôi mua với giá 3 triệu đồng nhưng có thời gian cao điểm giá xe lên tới 12 -13 triệu. Dù đắt các phu xe cũng phải mua bởi không mua lấy gì để làm ăn?”, chị Chiêm chia sẻ.
Cuộc sống của những người phu đêm ở đây bắt đầu từ 10 giờ đêm. Dưới những đợt gió lùa hun hút, họ vội vàng khoác thêm chiếc áo, kéo xe ra chợ. “Một ngày” làm việc của họ bắt đầu…
Tiền công kéo xe được tính theo từng thùng hàng. Trung bình mỗi thùng hàng có giá 2-3 nghìn đồng, thùng hoa quả nặng hơn sẽ có giá 5 nghìn đồng.
Xe kéo có giá khoảng 3 triệu đồng, thời gian cao điểm giá xe lên tới 12 -13 triệu. Ảnh: Ngọc Trang
Người phụ nữ này nói: “Mỗi chuyến xe trung bình 5- 7 tạ, có chuyến lên đến 1 tấn. Nhưng cũng có chuyến xe chỉ 2-3 thùng hàng chúng tôi vẫn nhận kéo, không nhận lấy gì mà ăn?
Quãng đường dài nhất là 2-3 km nhưng không sợ bằng việc kéo xe lên dốc. Có những lần hàng quá nặng, người kéo xe không nổi thành ra xe kéo người. Chuyện bị ngã, tai nạn là điều không thể tránh khỏi”.
“Nhưng tất cả đều không đáng sợ bằng việc không ai thuê. Có những hôm ra chợ từ rất sớm mà không có người thuê, tôi ngồi không từ nửa đêm đến sáng rồi thẫn thờ kéo xe về phòng trọ. Coi như hôm đó tay trắng”, chị kể.
Họ trở về xóm trọ khi trời đã hửng sáng. Sau khi ăn vội bữa cơm, họ lên giường tìm giấc ngủ khi thành phố đã trở mình thức dậy.
“Nhưng giấc ngủ ngày chẳng bao giờ trọn vẹn. Phố thị ồn ào, náo nhiệt khiến chúng tôi tỉnh giấc liên tục. Ban đầu, làm đêm không quen khiến tôi rất mệt mỏi. Tuy nhiên sau một thời gian, chúng tôi cũng bắt buộc phải quen dần với nhịp sinh học mới”, chị Chiêm nói.
Những người nhanh nhẹn, sức khỏe tốt có thể tranh thủ ban ngày tìm thêm được một công việc bán thời gian. Với những người phụ nữ sức khỏe yếu hơn, khoảng thời gian này họ nấu cơm, rửa bát chuẩn bị cho ca làm tối.
Căn phòng trọ của chị Chiêm chỉ khoảng 8m2, chỉ đặt nổi một tấm phản làm giường. Phòng lợp mái tôn, bao bởi 4 bức tường gạch - chủ phòng trọ tiếc tiền đến nỗi không trát vữa. Quần áo được treo chi chít trên bốn bức tường để tiết kiệm diện tích.
Phòng trọ chật hẹp của những người lao động. Ảnh: Vũ Lụa
Để nấu ăn chị Hoa phải bê chiếc bếp ga mini ra trước cửa phòng. Nhiều gia đình khác tiết kiệm hơn thì dùng bếp than.
Bữa cơm của họ cũng đơn giản với những món tiết kiệm nhất, tất cả đều phải dành dụm tiền gửi về quê. “Có những người cả đêm không được chuyến nào đành phải ăn hoa quả thừa mà các chủ hàng cho”, chị Hoa nói.
“Vất vả, nhưng hầu như ít người nghỉ việc”, chị Hoa nói tiếp. Thậm chí không có ngày nghỉ hay lễ Tết, đều đặn đêm nào các phu xe cũng ra chợ.
“Công việc nhiều nhất là vào gần dịp Rằm hoặc mùng 1 và các ngày cận lễ, Tết bởi lúc đó nhu cầu sử dụng hoa quả nhiều. Ngày Tết chúng tôi làm đến 29, 30 Tết mới về quê.
Từ mùng 3 Tết, chúng tôi đã bắt đầu trở lại Hà Nội bởi lúc này chợ đã tấp nập vì nhu cầu sử dụng hoa quả cho các lễ hội nhiều”.
Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 10, 11 giờ đêm. Ảnh: Ngọc Trang
Nhưng khó khăn khổ cực bao nhiêu họ vẫn chịu được, chỉ mong người nhà cảm thông. Những người ở xóm trọ này vẫn kể câu chuyện của chị Lê Thị Hằng (Yên Bái), một phu xe đã nghỉ việc.
Người này vì hoàn cảnh khó khăn phải xuống Hà Nội làm. Chị chăm chỉ, chịu khó, ngày nào cũng có mặt ở chợ từ 9, 10 giờ đêm đến sáng. Kiếm được đồng nào chị cũng tiết kiệm chắt bóp gửi về gia đình. Tuy nhiên chị lại giấu gia đình công việc cụ thể của mình.
Bởi vậy khi nghe hàng xóm đồn thổi chuyện "vợ anh luôn ra khỏi nhà vào ban đêm" hay “làm công việc thức đêm ngủ ngày” người chồng nóng mặt. Vốn tính hay ghen, chồng chị liên tục tra vấn vợ mỗi lần chị về quê thăm nhà.
Cuối cùng không chịu nổi sức ép, chị nghỉ việc. Về nhà chị vẫn không được yên khi anh ta liên tục chì chiết. Thời gian chị mang thai anh còn tỏ ra nghi ngờ cái thai trong bụng vợ. Chịu không nổi, chị đành bỏ về nhà mẹ đẻ.
Hiện tại, chị Hằng đã sinh con nhưng vì ngờ vực, người chồng vẫn không "xuống nước" đón hai mẹ con về nhà. Vì thế cuộc hôn nhân của họ càng ngày càng trở nên bế tắc.
(Còn nữa)
Chuyện về người phụ nữ 15 năm tìm thuốc cứu chồng
Đến với nhau từ những ngày kháng chiến chống Mỹ, hai vợ chồng ông Đinh Văn Chương (SN 1937) và bà Đinh Thị Linh (SN ... |
Nhóm người ‘diễn kịch’ lừa 9 tỷ đồng từ những chuyện tình qua Facebook
Người đàn ông quốc tịch Nigeria cùng đồng bọn "diễn kịch" tán tỉnh nhiều người phụ nữ Việt Nam qua Facebook rồi lừa chiếm đoạt ... |