Câu nói quen thuộc "tiền mặt là vua" vẫn đúng ở Nhật Bản, đặc biệt khi những người cao tuổi không hứng thú với việc từ bỏ nó.
Nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm khuyến khích người dân Nhật Bản, những người tích trữ tiền mặt tận tâm nhất thế giới, chuyển sang sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đã đạt được một số thành công, nhưng không hoàn toàn như mong muốn, giới chuyên gia nhận định. Tầng lớp hưu trí ngày càng gia tăng về số lượng ở quốc gia này khước từ thay đổi. Thực tế trên có thể được nhìn thấy rõ nét thông qua việc Nhật đang tụt hậu xa so với các quốc gia khác trong công cuộc áp dụng thanh toán trên thiết bị di động và tiền điện tử.
Người mua hàng thanh toán bằng điện thoại di động tại máy tính tiền tự động ở một cửa hàng tiện lợi tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters. |
Tokyo muốn tăng gấp đôi tỷ lệ các gioo dịch không sử dụng tiền mặt lên 40% vào năm 2025 và hướng đến mục tiêu cuối cùng là 80% dân số không sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, Nhật Bản đang thể hiện khá mờ nhạt nếu đặt bên cạnh Hàn Quốc, với 96% giao dịch và Trung Quốc, với 66% giao dịch, không sử dụng tiền mặt, theo số liệu từ Hiệp hội Thanh toán Nhật Bản.
Việc chuyển đổi sang giao dịch điện tử sẽ giúp Nhật Bản đối phó với tình trạng dân số bị thu hẹp và thị trường lao động thiếu thốn. Thanh toán không dùng tiền mặt còn cho phép các cửa hàng tự động hóa quá trình kiểm đếm, thống kê hàng hóa, giao dịch, lợi nhuận và các ngân hàng sẽ cắt giảm được đáng kể mạng lưới máy rút tiền tự động tốn kém.
Người mua hàng gần đây được khuyến khích đổi tiền mặt lấy tiền điện tử. Chính phủ Nhật Bản đã công bố một khoản trợ cấp trị giá 2,57 tỷ USD, theo đó người mua hàng sẽ được hoàn lại tiền dưới dạng điểm thưởng nếu họ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng nhỏ và cửa hàng tiện lợi.
Những công ty công nghệ lớn cũng tích cực triển khai các chiến dịch nhằm thúc đẩy người dân sử dụng hệ thống thanh toán tiền điện tử của họ, trong đó có SoftBank, Yahoo Japan, công ty thương mại điện tử Mercari và nhà điều hành ứng dụng nhắn tin LINE.
Nhiều công ty đã có thành công bước đầu. Số thành viên tham gia ứng dụng thanh toán bằng mã QR PayPay, do SoftBank và Yahoo Japan đồng sở hữu, đã tăng từ 5 triệu người hồi tháng 8 lên mức 15 triệu người, một phần nhờ vào các chiến dịch quảng bá của chính phủ.
Công ty đường sắt Đông Nhật Bản cũng chứng kiến số lượng giao dịch bằng hệ thống thanh toán điện tử chạm ngưỡng 11 triệu, tăng hơn một triệu kể từ tháng 9.
"Khách hàng hưởng lợi từ sự thuận tiện của thanh toán điện tử trong khi chúng tôi được trả một khoản phí và giảm chi phí khi không phải in vé. Đôi bên cùng hưởng lợi", Tomoyuki Soyama, phó tổng giám đốc công ty đường sắt Đông Nhật Bản phụ trách phát triển kinh doanh trên nền tảng công nghệ thông tin, cho hay.
Chi phí trực tiếp liên quan đến giao dịch sử dụng tiền mặt ở Nhật, bao gồm cả nhân công tại các quầy thanh toán, rơi vào khoảng 73,60 tỷ USD, Tổ chức Tài chính Mizuho ước tính, đồng thời cho rằng việc giao dịch không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm đáng kể những chi phí này.
Satoshi Kumagai, phó chủ tịch phụ trách dịch vụ tài chính và kinh doanh số của nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson Inc, cho biết tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt của công ty đã tăng lên 25% kể từ tháng 10, so với mức 20% trước đó.
"Tất cả các giao dịch đều không sử dụng tiền mặt là một viễn cảnh lý tưởng đặt trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu lao động, bên cạnh nhu cầu gia tăng sự thuận tiện cho khách hàng", Kumagai nhận định. "Nhưng mặt khác, chúng ta cũng cần phải tìm cách giúp những người già, vốn luôn cảm thấy khó khăn khi mua sắm mà không dùng tiền mặt, làm quen".
Các hộ gia đình Nhật Bản giữ hơn một nửa tài sản của họ bằng tiền mặt và tiền gửi tiết kiệm. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn trong nhóm người già. Một số người cho rằng bám lấy tiền mặt là cách để ngăn chặn chi tiêu lãng phí.
"Ai mà chẳng thích tiền mặt, phải không?", một phụ nữ 65 tuổi ở Tokyo nói trong lúc nhìn vào tấm biển quảng cáo ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. "Tôi không hứng thú với việc từ bỏ sử dụng tiền mặt. Tôi cảm thấy thật không thuận tiện nếu tôi mất điện thoại. Tôi cũng không nắm rõ mình đã chi bao nhiêu nếu so với việc lấy tiền từ trong ví ra".
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang thanh toán không sử dụng tiền mặt, hoặc họ thấy rất ít lợi ích khi làm như vậy.
Các doanh nghiệp gia đình dựa vào thu nhập tiền mặt mỗi ngày để điều tiết, quản lý mọi hoạt động, vì thế họ không thể để khoản phải thu trong tài khoản quá nhiều, Yukio Kawano, chủ tịch hiệp hội ngành công nghiệp siêu thị Nhật Bản, cho biết.
Chưa tới một nửa trong hai triệu doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản được coi là đủ điều kiện nhận trợ cấp cho các khoản thanh toán không sử dụng tiền mặt đã đăng ký với chiến dịch của chính phủ. Nguyên nhân là do chi phí máy móc và phí giao dịch cao.
Tỷ lệ tội phạm thấp cùng mạng lưới máy rút tiền tự động dày đặc khiến người dân Nhật Bản không có nhiều động lực thay đổi thói quen chi tiêu. Tuy nhiên, xu hướng này có thể thay đổi dần dần khi các ngân hàng thương mại giảm số lượng máy ATM, làm giảm khả năng tiếp cận với tiền mặt của người tiêu dùng.
Dù vậy, việc thuyết phục người lớn tuổi, chiếm gần 1/3 dân số Nhật Bản, thay đổi cách thanh toán không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Tại khu phố mua sắm Yanaka Ginza nổi tiếng ở Tokyo, nhiều cửa hàng nhỏ chưa thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt.
Mitsuo Kotake, 70 tuổi, chủ cửa hàng hoa nhỏ, cho hay ông được giới thiệu về PayPay cách đây ba tháng. Nhưng việc nhập mã PIN và cài đặt ứng dụng quá phức tạp đối với khách hàng của ông. Họ hầu hết là những người già đến mua hoa viếng mộ người thân.
"Nó dễ sử dụng với người trẻ tuổi nhưng người lớn tuổi không dùng quen", ông nói. "Bản thân tôi cũng chưa tính đến việc thanh toán không dùng tiền mặt. Dùng tiền mặt luôn là cách nhanh nhất".
Vũ Hoàng (Theo Reuters)