Trong 3 năm qua, hàng nghìn cán bộ, giáo viên công tác tại huyện Tương Dương (Nghệ An) đang phải “dài cổ” chờ đợi tiền hỗ trợ tàu xe về thăm gia đình.
Cô Cao Thị Loan, Hiệu trưởng trường THCS Tam Đình, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho hay, tại trường hiện có 19 cán bộ, giáo viên là người có hộ khẩu ngoại huyện, thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ tàu xe theo Nghị định 116/CP. Năm 2014, nhà trường đã làm hồ sơ cho 19 người trên, gửi lên huyện để phê duyệt chế độ, với số tiền hơn 19 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn nên không thể chi trả được.
Tiếp lời bà Loan, bà Nguyễn Thị Xuân, kế toán trường này khẳng định, hồ sơ hỗ trợ tàu xe của cán bộ, giáo viên nhà trường trong năm 2014 đã được bà hoàn thiện và gửi lên phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng phòng Tài chính kế hoạch (TCKH) huyện theo quy định. Tuy nhiên, khi hỏi thì được cấp trên trả lời là huyện chưa cân đối được nguồn và phải chờ.
Cùng chung tâm trạng chờ tiền hỗ trợ tàu xe, thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng trường THCS Tam Thái cho hay, trường có 22 cán bộ, giáo viên, trong đó 7 người có hộ khẩu ngoại huyện. Từ năm 2014 tới nay, nhà trường đã làm đầy đủ hồ sơ gửi lên huyện, nhưng chưa có nguồn để chi trả. Bản thân thầy Trần Hưng Thái quê ở huyện Thanh Chương, lên huyện Tương Dương công tác nhưng đang phải chờ đợi cùng các giáo viên khác.
Trường THCS Tam Thái, nơi giáo viên đang "dài cổ" chờ chế độ.
Ngoài trường THCS Tam Đình, THCS Tam Thái, còn rất nhiều trường trên địa bàn huyện Tương Dương như: THCS Tam Quang, THCS Lưu Kiền, mầm non Tam Đình, mầm non Tam Quang, mầm non Tam Thái… vẫn đang “dài cổ” chờ đợi tiền hỗ trợ tàu xe suốt 3 năm qua.
Trả lời báo chí, bà Vi Thị Bích Thuỷ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương xác nhận, việc trình hồ sơ phê duyệt thì phòng đã làm kịp thời, còn chi trả ra sao là việc của phòng TCKH huyện. Vì khi phân bổ chi trả, phòng TCKH không có văn bản gửi sang nên phòng GD&ĐT không biết.
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với PV, ông Vi Mỹ Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Qua kiểm tra 57 trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn huyện thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ tàu xe về thăm gia đình vào dịp lễ, tết, kết quả: Năm 2014 đã chi trả 29/57 trường (còn thiếu 438 triệu đồng); năm 2015 đã chi trả 47/57 trường (còn thiếu 60 triệu đồng); năm 2016 đã chi trả 31/57 trường (còn thiếu 518 triệu đồng). Hiện tại, có hơn 1.000 cán bộ, giáo viên đang công tác tại các trường trên địa bàn huyện chưa nhận được tiền hỗ trợ tàu xe. Thông tin huyện chưa chi trả hoặc “ém” tiền hỗ trợ tàu xe của cán bộ giáo viên là chưa chính xác, chúng tôi đã cấp nguồn và chi trả nhưng chưa đầy đủ”.
Trụ sở hành chính UBND huyện Tương Dương.
Theo ông Sơn, Nghị định 116/NĐ-CP quy định 7 khoản phụ cấp và trợ cấp cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong vũ trang tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đầu năm tài chính, căn cứ vào dự toán, UBND huyện đã cấp 70% nguồn cho các trường, để chi trả cho các đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các trường không xây dựng kế hoạch chi tiết các khoản chi trả theo Nghị định 116/NĐ-CP. Đến ngày 31/1 năm sau, các đơn vị phải thực hiện quyết toán tài chính của năm trước, nếu thừa thì các đơn vị phải trả lại ngân sách hoặc chuyển nguồn. Nhưng do không xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi nên các trường không biết thiếu nguồn để xin cấp bổ sung. Ông Sơn cũng thừa nhận, trong các năm 2014 và 2015, UBND huyện vẫn chưa cấp đủ nguồn cho các trường để chi trả chế độ hỗ trợ tàu xe cho cán bộ, giáo viên. Riêng năm 2016, ngân sách tỉnh đang nợ huyện 6,4 tỷ nên huyện chưa thể cấp đủ cho các trường được.
Tiếp lời ông Sơn, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương khẳng định, việc cán bộ, giáo viên trên địa bàn huyện trong 3 năm (2014 - 2016) chưa được chi trả tiền hỗ trợ tàu xe, lỗi trước hết là của hiệu trưởng và kế toán các trường.
“Kế toán và hiệu trưởng các trường đã thiếu trách nhiệm với người lao động của mình. Sang tuần, sau khi tiến hành rà soát xong, huyện sẽ lấy ngân sách cấp đủ cho các trường để tiến hành chi trả ngay, nhằm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên”, ông Hải cho hay. Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, để xảy ra sự việc trên, phòng TCKH cũng đã thiếu trách nhiệm trong việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu nguồn trong quá trình tham mưu cho huyện.
Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo Nghị định này, những người đang công tác tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; phụ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp tham quan, học tập và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; thanh toán tàu xe.
Bất hợp lý khiến giáo viên bị thiệt thòi về tiền lương
Câu chuyện lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng của cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh làm dấy lên bất cập lâu nay về chính sách ... |
Giáo viên chỉ biết... “lắc đầu” nhận lương!
"Giáo viên trường tôi, tới tháng nhận lương, nhìn số tiền thực nhận và các khoản đóng góp… chỉ biết lắc đầu". |
http://www.nguoiduatin.vn/hang-nghin-giao-vien-dai-co-cho-doi-che-do-suot-3-nam-troi-a346927.html