- Lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch Thủ đô trong tháng 11-2023
- Vì sao phải điều chỉnh quy hoạch Thủ đô?
- Lập Quy hoạch Thủ đô: Nhanh tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang xây dựng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được trình xin ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố Hà Nội, nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo trong điều hành, quản lý nền kinh tế. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang trong quá trình xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Gửi tham luận tới Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 21-11, Tiến sĩ Lê Văn Hùng và Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tập trung làm rõ vai trò của Luật Thủ đô đối với việc xây dựng và phát triển thành phố Hà Nội, đặc biệt là gắn với quá trình triển khai Quy hoạch Thủ đô giai đoạn mới theo Luật Quy hoạch năm 2017.
Đạo luật đột phá, mở đường cho sự phát triển của Thủ đô
Tham luận khẳng định, Hà Nội không đơn thuần là một đơn vị hành chính cấp tỉnh, mà giữ vị trí, trọng trách là “Thủ đô của một quốc gia”, là “trung tâm chính trị - hành chính quốc gia”, là “trái tim của cả nước”. Vì thế, thành phố cần có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện chức năng Thủ đô mà không địa phương nào có, bên cạnh những chính sách chung giống các tỉnh, thành phố khác.
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 thực chất là một luật riêng - luật về phân quyền để giúp Hà Nội chủ động thực hiện có hiệu quả yêu cầu quản trị, điều hành phát triển Thủ đô trên nhiều lĩnh vực quan trọng như huy động, quản lý, khai thác nguồn lực, quy hoạch, môi trường... Đây là một đạo luật quan trọng có tính đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trước đó, năm 2011 đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện quy hoạch của Thủ đô với việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-11-2011, phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Luật Thủ đô đã dành Điều 8 và Điều 9 quy định “quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô” và “biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch”; đồng thời, đưa ra nguyên tắc “việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô...”; đề cập đến việc lấy Quy hoạch chung này làm trung tâm, định hướng phát triển Thủ đô và các quy hoạch khác bảo đảm sự thống nhất, phù hợp.
Nhờ chú trọng công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch, trong đó có tổ chức nghiên cứu lập thêm một số quy hoạch đặc thù như phát triển hệ thống không gian ngầm, làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, các khu đô thị mới, mang tầm vóc và hiện đại... nên diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi và dần củng cố vai trò, vị thế là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống
Tuy nhiên, sau hơn 10 năm ban hành, Luật Thủ đô đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, hiệu lực và hiệu quả thực thi chưa cao, đặc biệt, hạn chế về thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch.
Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách chưa mang tính đột phá để thành phố Hà Nội phát huy đúng vai trò, trọng trách “Thủ đô của cả nước” mà các địa phương khác không có. Một số văn bản luật được ban hành sau Luật Thủ đô cũng có những tác động, ảnh hưởng và trong một số trường hợp đã làm hạn chế hoặc vô hiệu hóa (bãi bỏ) việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô. Do vậy, Luật Thủ đô có những điều khoản không còn giá trị riêng của Thủ đô.
Gần đây, Bộ Chính trị ban hành một số nghị quyết quan trọng thể hiện chủ trương, đường lối, quan điểm phát triển liên quan tới Thủ đô Hà Nội. Do đó, Luật Thủ đô ban hành năm 2012 chưa bảo đảm thể chế hóa đầy đủ để thực hiện các định hướng phát triển mới. Việc thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô nhằm đáp ứng sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội cũng trong giai đoạn nước rút xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt một số đồ án quy hoạch quan trọng, trong đó phải kể đến đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã xác định trách nhiệm của Thủ đô là “đi đầu trong cả nước về xây dựng chính quyền, quản lý đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước”. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng quy hoạch Thủ đô. Và ngược lại, việc xây dựng quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ giúp hiện thực hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua, đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.
https://hanoimoi.vn/tien-de-quan-trong-de-xay-dung-quy-hoach-thu-do-648740.html