Tên lửa Triều Tiên vừa phóng có nhiều tiến bộ, nhưng chưa đạt được bước đột phá để thể hiện khả năng tấn công hạt nhân đáng tin cậy.
Một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: KCNA. |
Triều Tiên sáng sớm nay phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sau 75 ngày im hơi lặng tiếng, chấm dứt cuộc tranh cãi về những lý do nước này không thử tên lửa trong hơn hai tháng. Quả tên lửa Triều Tiên phóng lên lần này được coi là bay cao nhất và có tầm bắn xa nhất từ trước tới nay, nhưng giới phân tích cho rằng ICBM Bình Nhưỡng vẫn còn tồn tại nhiều nhược điểm, theo Wired.
Tiến bộ
Quả tên lửa này của Triều Tiên được phóng lên lúc 3h sáng, vươn tới độ cao khoảng 4.500 km và bay xa khoảng 1.000 km trong thời gian gần một tiếng trước khi rơi xuống biển Nhật Bản. Các chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS) cho rằng những thông số này chứng tỏ đây là tên lửa bay xa nhất của Triều Tiên, có thể vươn tới toàn bộ mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
"Nếu bay ở quỹ đạo chuẩn thay vì phóng ở góc cao, tên lửa này sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km", chuyên gia David Wright của UCS nói. "Tên lửa như vậy thừa sức vươn tới thủ đô Washington của Mỹ và trên thực tế có thể tấn công bất kỳ khu vực nào trên lục địa Mỹ".
Ông Wright cho rằng điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt thêm nhiều tiến bộ trong công nghệ động cơ đẩy, cho phép tên lửa bay tới mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ.
Triều Tiên hồi đầu năm tuyên bố họ đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để có thể gắn lên tên lửa đạn đạo tầm xa để tạo ra khả năng tấn công hạt nhân đáng tin cậy nhằm vào nước Mỹ. Dù tuyên bố này của Triều Tiên còn gây nhiều nghi ngờ, vụ thử tên lửa mới nhất với tầm bắn xa chưa từng thấy khiến Bình Nhưỡng tiến gần hơn một bước tới việc hiện thực hóa tham vọng trên.
Tên lửa đạt độ cao 4.500 km, cao nhất từ trước tới nay. Đồ họa: Ricochet. |
Hình ảnh do các vệ tinh phương Tây chụp các bãi phóng tên lửa của Triều Tiên không cho thấy bất cứ tên lửa nào đặt trên bệ phóng để chờ tiếp nhiên liệu trước khi vụ phóng diễn ra. Điều này cho thấy Triều Tiên đã có cải thiện đáng kể về thời gian nạp nhiên liệu cho tên lửa, hoặc họ có những chiến thuật ngụy trang, che giấu tên lửa tốt hơn trước các phương tiện do thám, trinh sát của phương Tây.
Hạn chế
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng những tiến bộ trên là chưa đủ để giúp Triều Tiên hoàn thiện chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Vụ phóng tên lửa này không thể hiện những thành tựu công nghệ quá đột phá của Triều Tiên, thay vào đó chỉ là một số cải tiến nhỏ cho tên lửa.
"Tên lửa này rất giống với hai quả tên lửa Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng hồi tháng 7", ông Wright nhận định. "Trong những vụ phóng trước đây của Triều Tiên, khi nhìn vào tầng đẩy thứ hai, chúng tôi nhận thấy có một số thứ họ có thể làm để tăng uy lực của nó, nhưng tôi cho rằng họ chưa làm được những điều đó trong vụ phóng lần này".
Theo Wright, tên lửa đạn đạo Triều Tiên chỉ đạt được bước đột phá khi tăng được kích thước và công suất của động cơ trên tầng đẩy thứ hai, điều Bình Nhưỡng không thể hiện được trong vụ phóng sáng nay. "Có vẻ như họ không sở hữu loại động cơ đó, hoặc nó không hoạt động hiệu quả. Hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có khả năng chế tạo, thiết kế động cơ như vậy trong tương lai gần hay không", Wright cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng tỏ ra thận trọng khi cho rằng vẫn có khả năng Triều Tiên đã sở hữu công nghệ tên lửa mới nhưng muốn "giấu bài" trước phương Tây. Nhưng nếu luôn giấu bài như vậy, họ sẽ không có cơ hội kiểm nghiệm được năng lực thực tế của quả tên lửa vốn được cho là có thể bắn tới Mỹ.
Nhiều chuyên gia quân sự nhận định Triều Tiên đã không kiểm tra được khả năng mang tải trọng thực tế của quả tên lửa trong vụ phóng mới nhất, qua đó không nắm được tầm bay thực tế của nó nếu mang đầu đạn hạt nhân thực thụ.
"Tôi cho rằng đầu đạn mà quả tên lửa này mang theo khá nhỏ, có thể chỉ là một số thiết bị cảm biến để giúp họ biết được điều gì xảy ra với tên lửa khi phóng lên", Philip Coyle, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí, nhận định. "Đầu đạn hạt nhân thực thụ, đặc biệt là loại Triều Tiên có thể đang sở hữu, sẽ lớn và nặng hơn nhiều".
Khi mang đầu đạn "lớn và nặng" như vậy, tên lửa sẽ không thể bay xa như khi chỉ mang theo một số cảm biến trọng lượng nhẹ. Dù chưa biết rõ kích thước chính xác đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên, Wright cho rằng nó sẽ khiến tầm bắn của tên lửa nước này bị giảm khoảng 1/3.
Đồ họa về đường bay của quả tên lửa. Ảnh: AFP. |
Một bài toán công nghệ nữa mà Triều Tiên chưa giải được qua vụ phóng lần này chính là phương tiện hồi quyển, thứ bảo vệ đầu đạn hạt nhân khỏi nhiệt độ và sức ép cực lớn khi lao trở lại bầu khí quyển.
Theo chuyên gia Coyle, trong vụ phóng thử hồi tháng 7, phương tiện hồi quyển sau khi tách ra khỏi ICBM Triều Tiên có vẻ như đã vỡ tan trong quá trình lao xuống. "Nó không được thiết kế để chịu được nhiệt độ và cú sốc cực lớn khi cọ xát với không khí khi lao xuống. Cũng như vụ phóng hôm 28/7, Triều Tiên vẫn chưa giải quyết được vấn đề đó qua lần phóng tên lửa này", Coyle nói.
Nguy cơ leo thang
Blaine Harden, chuyên gia từng viết nhiều cuốn sách về Triều Tiên, cho rằng điều này sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành thêm các vụ phóng thử tên lửa trong thời gian tới, cho tới khi họ hoàn thiện được công nghệ ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công lục địa Mỹ. Điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết thực hiện chính sách "sức ép tối đa, can thiệp tối đa" đối với vấn đề Triều Tiên. Phản ứng trước vụ phóng sáng nay, ông Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ "xử lý vấn đề này".
Giới quan sát cho rằng bằng vụ phóng bất ngờ này, Triều Tiên đã phát đi một thông điệp rằng họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước mọi sức ép của Mỹ. Trên thực tế, Mỹ và Liên Hợp Quốc đã áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế ngặt nghèo nhất với Triều Tiên, với hy vọng cắt đứt mọi nguồn lực phục vụ cho chương trình tên lửa và hạt nhân Bình Nhưỡng.
Ngoài ra, Mỹ cũng tạo sức ép quân sự lớn chưa từng có lên Triều Tiên, khi huy động ba nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận trên biển Nhật Bản hồi tháng trước nhằm phát thông điệp răn đe tới Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp gây áp lực bằng kinh tế và quân sự này đều tỏ ra không hiệu quả trước tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
"Tổng thống Trump có thể cảm thấy cần phải làm điều gì đó. Bất cứ điều gì Mỹ làm tiếp theo cũng có thể khiến Triều Tiên cảm thấy bị khiêu khích", Coyle nhận định. "Đó chính là điều tôi lo lắng. Nó sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng dây chuyền không ngừng leo thang".
Triều Tiên nếu tấn công Mỹ, hậu quả sẽ thảm khốc như Thế chiến 2 Ngày 29.11, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa ... |
Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa Hwasong 15, có thể đánh toàn bộ Mỹ Triều Tiên tuyên bố thử loại tên lửa đạn xuyên lục địa mới mà có thể nhắm tới "toàn bộ lục địa Mỹ". Vụ thử ... |
Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa nhất từ trước tới giờ Bình Nhưỡng vừa phóng thử một tên lửa đạn đạo vào rạng sáng ngày 29/11, lần khiêu khích đầu tiên kể từ giữa tháng 9 ... |
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/tien-bo-va-han-che-cua-ten-lua-dan-dao-trieu-tien-vua-phong-3677342.html