Bất kỳ một cá nhân nào bỏ tiền đầu tư đều hiểu không thể có một hình thức nào mà lợi nhuận lên tới 48%/tháng. Nói họ tham, như chính thừa nhận của họ, thì đúng. Nhưng bảo họ bị lừa (hay nói họ ngu) thì không.
Một buổi sự kiện ICO "hoành tráng" của Modern Tech và iFan. Ảnh: VnReview.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu 6 bộ ngành điều tra, làm rõ vụ lừa đảo 15.000 tỉ đồng. Trong ngày hôm qua (11.4), Thủ tướng cũng ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường giám sát các hoạt động giao dịch và đầu tư bằng tiền ảo.
Có thể, 15.000 tỉ là một con số hoặc chưa đúng, hoặc chưa phải là cuối cùng. Nhưng hiệu ứng xã hội từ chỉ 1 vụ này đã là quá đủ, quá nhiều để nhận chân về tiền ảo, để cảnh báo những nguy cơ mà mô hình y như đa cấp biến tướng này có thể gây rủi ro rất lớn về mặt kinh tế cũng như thiệt hại tới thị trường tài chính.
Nhưng thực ra, mấu chốt của vụ việc không nằm ở iFan và Pincoin, mà nằm ở mô hình đầu tư/kinh doanh theo kiểu đa cấp biến tướng.
Chỉ có những chiêu trò, những ma mị, những dụ dỗ và lừa đảo mới đưa ra và thuyết phục người ta về một tỉ suất lợi nhuận lên tới 48%/tháng hay 576%/năm. Để tiện so sánh, có thể lấy chính thông số tỉ suất lợi nhuận trong quảng bá của mô hình này: Lãi suất tiết kiệm: Chỉ 6%; lãi suất nhà đất: 17%.
Nhìn mô hình kinh doanh, có thể thấy lợi nhuận phát sinh qua hình thức đầu tư iFan và Pincoin để mục đích chính là bán cho người khác. Mua một món hàng không tưởng là iFan, bằng 1,6 USD tiền thật, và cố gắng “thuyết phục người khác”. Nói chân xác, những nhà đầu tư cố tình để mình bị lừa và hy vọng lừa bán được cho người khác.
Cũng chính vì vậy, nói bị lừa, kêu cứu bị lừa, e rằng cũng chẳng ai tin. Nói tham thì đúng rồi, như chính họ thừa nhận. 576% cơ mà. Nhưng bảo ngu thì không. Đó là ác.
Những chiến dịch triệt phá đa cấp của Bộ Công thương đã giúp bao gia đình thoát khỏi cảnh tán gia bại sản nợ nần ngập đầu khi thoát được những cú lừa, nhưng đa cấp tiền ảo mang một màu sắc mới hơn. Nói chính xác, đó là một thương vụ ma quỷ của những người chỉ có một mục tiêu là đi lừa người khác, sinh lời, kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt của người khác.
Cũng mở ngoặc rằng những khóa học làm tỉ phú, làm giàu thông minh, những ca “đổi đời” với những dự án đa cấp ảo, với những tỉ suất lợi nhuận phi thực tế, thậm chí là điên rồ đang hủy hoại rất lớn những nền tảng cơ bản của xã hội. Bởi vì trên những đồng tiền máu ấy là lường gạt. Con cái lường gạt cha mẹ, bạn bè lường gạt nhau...
Trong vụ tiền ảo 15 ngàn tỉ này rõ ràng và chắc chắn một điều là không hề có nạn nhân. Hoặc có, thì đó là nạn nhân của lòng tham và sự độc ác.
Tiền thật mất vì tiền ảo, lòng tham lộ giữa chợ đời
Hơn 32.000 người chơi tiền ảo Ifan và Pincoin giờ đây đứng ngồi không yên vì số tiền lớn bị mất. Sau khi căng băngrôn ... |
Tiền ảo đa cấp dạng iFan và những nghĩa địa \'coin chết\'
Lợi dụng sự nổi lên của khái niệm tiền thuật toán, nhiều tổ chức đa cấp biến tướng núp bóng dự án phát hành tiền ... |
Vành tai 20 triệu và lợi nhuận tiền ảo 48%/tháng
Mới đây tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước đã xảy ra một vụ việc thương tâm: Chị H. vì thiếu nợ 20 triệu đồng ... |