Hơn 1 tuần triển khai tiêm vaccine cho trẻ em với hơn 800.000 liều, đến nay chưa nhận được phản ứng nặng sau tiêm. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị được tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi. Việc tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi, theo các chuyên gia còn phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.
Chưa ghi nhận phản ứng nặng
Các địa phương đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh và Cà Mau. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11, đã tiêm cho khoảng 532.000 trẻ, bao gồm hơn 212.000 trẻ từ 16 - 17 tuổi và khoảng 320.000 trẻ từ 12 - 15 tuổi. Theo ghi nhận có 51 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Cũng theo đánh giá của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thì chiến dịch tiêm chủng được tổ chức an toàn và TP dự kiến tiêm phủ mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 780.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi.
Sau TP Hồ Chí Minh là Bình Dương đã tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, ước tính có khoảng 180.000 học sinh trong độ tuổi 12 - 17 được tiêm vaccine. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh này mới chỉ thực hiện tiêm chủng cho độ tuổi 15 - 17 với số lượng khoảng 58.500 liều. Các độ tuổi thấp hơn sẽ có kế hoạch tiêm trong thời gian tới.
Ninh Bình cũng đã tiêm được cho hơn 32.000 học sinh khối THPT, Giáo dục thường xuyên và chưa ghi nhận ca phản ứng nặng nào, trường hợp phản ứng nhẹ rất ít.
Theo đánh giá của PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến thời điểm này, chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về phản ứng nặng xảy ra với trẻ dưới 18 tuổi sau tiêm vaccine COVID-19 từ các địa phương đã và đang tổ chức tiêm chủng. Bà Hồng cũng cho biết, hiện nay trên thế giới đã có gần 40 quốc gia triển khai tiêm loại vaccine Pfizer cho trẻ dưới 18 tuổi, trong đó có 19 nước châu Âu, 6 nước ở châu Mỹ và một số nước ở khu châu Á.
Theo khảo sát của phóng viên ở Hà Nội, có nhiều phụ huynh còn băn khoăn, lo lắng chưa đăng ký tiêm vaccine cho con. Chị Hoàng Thị Hoa, ở quận Tây Hồ cho biết: “Cách đây gần nửa tháng, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh đăng ký tiêm vaccine cho học sinh, nhưng tôi vẫn ngần ngại chưa đăng ký”. Khi được hỏi lý do, chị Hoa cho biết: Mặc dù các nhà khoa học đã giải thích thành phần mNRA có trong 2 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi không có tương tác với ADN của người, nên không có nguy cơ gây biến đổi gene, nhưng tôi cũng vẫn ngần ngại. Thêm nữa, nghe nói còn có biến chứng viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine này.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, hiện chưa nhìn thấy mối liên quan giữa việc sử dụng vaccine Pfizer và Moderna với việc biến đổi gene. Việc tiêm 2 vaccine này không ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể trẻ hoặc gây ra các bệnh lý ung thư, rối loạn vô sinh như phụ huynh vẫn lo lắng.
Còn về những lo ngại viêm cơ tim ở trẻ, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tỷ lệ viêm cơ tim ở trẻ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ mới có 1 trẻ bị viêm cơ tim. Nhưng tỷ lệ trẻ bị viêm cơ tim hoặc các biến chứng do nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên nặng hơn, phổ biến hơn nhiều so với tỷ lệ viêm cơ tim liên quan đến mũi tiêm vaccine COVID-19. Khi viêm cơ tim do vaccine, trẻ vẫn có thể điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng. TS Thái khuyến cáo: “Tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em, mặc dù chúng ta còn cần có thêm thời gian đánh giá trong việc triển khai tiêm vaccine này với trẻ em Việt Nam như thế nào”.
Cân nhắc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Bộ Y tế đang xây dựng Kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch về việc mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia trên thế giới và các loại vaccine đã được cấp phép tại Việt Nam có chỉ định cho nhóm đối tượng trẻ dưới 12 tuổi. Trước đó, Bộ cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn theo các nhóm tuổi: 3 - 11 tuổi, 12 - 15 tuổi, 16 - 17 tuổi và đề xuất nhu cầu sử dụng vaccine cho những nhóm tuổi này.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, đối với trẻ em từ 5 - 12 tuổi, một số nước cũng đã có dữ liệu tiêm nhưng còn ít. Hiện, Hội đồng tư vấn tiêm chủng quốc gia cũng đã đồng ý chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ em từ 5 - 11 tuổi, tuy nhiên phải dựa vào dữ liệu an toàn và tính sinh miễn dịch của nhà sản xuất và nhà sản xuất phải khuyến cáo tiêm được cho trẻ em trong độ tuổi đó.
Một số chuyên gia cũng cho rằng nên cân nhắc tiêm vaccine cho trẻ em ở lứa tuổi này, đặc biệt khi WHO khuyến cáo chưa vội tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 12 tuổi. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, tiêm cho lứa tuổi này cần phải thận trọng trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm từ thế giới. Nếu tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi và người từ 18 tuổi trở nên cao, thì cũng có nghĩa lứa tuổi này được bảo vệ tốt hơn. Trong đợt dịch thứ 4, có nhiều trẻ em nhiễm COVID-19, nhưng phần lớn trẻ có triệu chứng thường nhẹ, tỉ lệ biến chứng nặng và tử vong thấp hơn nhiều so với nhóm tuổi từ 50 trở lên.
Trần Hằng
Lưu ý gì khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ? |
Sinovac tuyên bố vaccine COVID-19 an toàn cho trẻ từ 6 tháng tuổi |
Hơn 88,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm |