Tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung phòng biến chủng mới BA.5 xâm nhập

Tại buổi cung cấp thông tin y tế năm 2022 cho báo chí vào chiều 27/6 do Bộ Y tế tổ chức, TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, trong số 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 tại Việt Nam, có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng COVID-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi.

Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản. TS Dương cũng nhấn mạnh, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.

Tính đến nay, Việt Nam đã tiêm được trên 228 triệu mũi vaccine phòng COVID-19. Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với trẻ từ 12 đến 17 tuổi, hiện nay các địa phương đang xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai tiêm chủng mũi 3 (mũi nhắc lại). Một số địa phương đã bắt đầu triển khai kế hoạch tiêm trong tuần vừa qua, toàn quốc có hơn 160 ngàn trẻ trong độ tuổi này được tiêm mũi 3 an toàn.

Tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung phòng biến chủng mới BA.5 xâm nhập -0

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường, nhắc lại để phòng, chống bệnh COVID-19 trước biến chủng mới.

Tính đến ngày 23/6, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn. Đến nay, số người đã tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu người, bảo đảm an toàn tiêm chủng. Tuy nhiên, Bộ Y tế nhấn mạnh, với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 mới đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để tiêm nhắc mũi thứ 4.

Đặc biệt, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua xét nghiệm tại các bệnh viện, đã phát hiện ca bệnh mang biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron. Đây là biến thể phụ có sự lây lan rất cao, nguy cơ bùng phát đợt dịch mới hoàn toàn có thể xảy ra. Với sự lây lan này và sự trì hoãn không tiêm vaccine mũi nhắc lại, mũi tăng cường, nếu tăng nhanh số ca mắc, nguy cơ sẽ gia tăng số ca nặng và tử vong.

Cả nước hiện có hơn 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm mũi bổ sung vaccine phòng COVID-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, liều tiêm bổ sung thuộc liều tiêm cơ bản và không phải là liều tiêm nhắc.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây.

Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, việc tiêm mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19.

Bà Hồng lấy ví dụ, kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. Vì vậy, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.

https://cand.com.vn/y-te/tiem-mui-nhac-lai-mui-bo-sung-phong-bien-chung-moi-ba-5-xam-nhap-i658449/

Trần Hằng / Công an nhân dân