Thụy Điển "thông đường" gia nhập NATO: Thay đổi cục diện khu vực Bắc Âu

Cánh cửa trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã rộng mở với Thụy Điển khi Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thúc đẩy việc Stockholm gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, việc đất nước Bắc Âu từ bỏ chính sách trung lập vũ trang được đánh giá không chỉ là bước ngoặt trong chiến lược an ninh quốc gia mà còn có tác động đáng kể tới cục diện khu vực.

na-to.jpg
Cùng với Phần Lan, việc kết nạp Thụy Điển giúp NATO gia tăng đáng kể sức ảnh hưởng và năng lực quân sự tại khu vực Baltic.

Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, suốt hơn một năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc Thụy Điển gia nhập liên minh này, do lo ngại Stockholm “đón nhận” những người Kurd mà Ankara coi là khủng bố. Tình hình đã thay đổi sau cuộc hội đàm ở Vilnius với Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên Quốc hội nước này để thông qua.

Đổi lại, trong “hiệp ước an ninh song phương mới” với Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển cam kết đưa ra một lộ trình làm cơ sở cho cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức, trong đó có việc thay đổi luật nhằm mở rộng các nỗ lực hợp tác liên quan đến chống khủng bố. Quan trọng hơn, Thụy Điển - một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), sẽ ủng hộ nguyện vọng của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này.

Trở thành thành viên NATO cũng đánh dấu việc Thụy Điển chính thức từ bỏ chính sách trung lập vũ trang. Mặc dù chưa bao giờ được chính thức hóa, cách tiếp cận này có nguồn gốc từ chính sách đối ngoại được gọi là “Chính sách năm 1812”, chấm dứt sự tham gia trực tiếp của nước này vào chiến tranh. Và việc gia nhập NATO sẽ mang đến thách thức mới khi tác động lên cán cân an ninh Bắc Âu. Điều này có thể thấy rõ từ sự góp mặt của Thụy Điển, bên cạnh việc chấm dứt những rạn nứt trong nội bộ NATO, sẽ mang lại những năng lực mới, nhất là mở rộng phạm vi can thiệp quân sự.

Trong trường hợp xảy ra xung đột ở Bắc Âu, đảo Gotland của Thụy Điển được mô tả là “tàu sân bay không thể chìm”. Cùng với đó, hạm đội tàu ngầm ở biển Baltic và hàng trăm máy bay chiến đấu Jas Gripen cũng là thứ NATO thèm muốn.

Mặt khác, sau khi Phần Lan, quốc gia láng giềng, trở thành thành viên chính thức của NATO, chính sách hợp tác quân sự và an ninh truyền thống giữa hai nước sẽ bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa, Thụy Điển trở thành nước Bắc Âu duy nhất không phải thành viên NATO, trở thành điểm lợi ích chiến lược có thể bị nhiều bên tranh giành, tiềm ẩn rủi ro về an ninh quốc gia. Trong khi đó, sự ủng hộ từ các nước NATO càng "chắp cánh" cho mong muốn trở thành thành viên của liên minh.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định, việc Stockholm gia nhập NATO có lợi cho an ninh của tất cả các đồng minh, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden “mong được chào đón Thủ tướng Ulf Kristersson và Thụy Điển với tư cách đồng minh NATO thứ 32”.

Thụy Điển lúc này có nhiều lý do để gia nhập NATO, dù không khó để nhận ra đây là lối đi sẽ thay đổi hoàn toàn cấu trúc an ninh khu vực Bắc Âu, có thể dẫn tới những thách thức mới về an ninh, chính trị. Trong bối cảnh đó, song song với mong muốn bảo đảm an ninh quốc gia, gìn giữ ổn định và hòa bình cho khu vực cũng như toàn cầu vẫn là "mảnh ghép" trách nhiệm mà Thụy Điển cần luôn lưu tâm trong vai trò mới.

https://hanoimoi.vn/thuy-dien-thong-duong-gia-nhap-nato-thay-doi-cuc-dien-khu-vuc-bac-au-634936.html

Hoàng Linh / HNM.com.vn