Nguyễn Hoàng Đức đồng ý xuống giải hạng Nhất chơi với mức lương cao kỷ lục của bóng đá Việt Nam. Không ai có thể trách Hoàng Đức hay CLB mới của anh, nhưng thương vụ này có thể tạo ra nhiều hệ lụy cho nền bóng đá nước nhà, mà trước mắt có thể là đội tuyển quốc gia.
Tuyên bố của Hoàng Đức
Đương kim Quả bóng vàng Việt Nam, Nguyễn Hoàng Đức khiến người hâm mộ choáng váng khi quyết định rời Thể Công Viettel chuyển đến CLB hạng Nhất, Phù Đổng Ninh Bình. Đây là thương vụ gần như không có tiền lệ của bóng đá nội. Cách đây hơn 20 năm, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức cũng từng “chơi lớn” như Ninh Bình, nhưng họ cũng không thể tiếp cận các ngôi sao thuộc tốp 3 của Việt Nam.
Không những vậy, bản thân Nguyễn Hoàng Đức nhiều lần thổ lộ mơ ước xuất ngoại, với bến đỗ mong muốn nhất là Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tiền vệ quê Hải Dương từng nhắc lại điều này cách đây chưa lâu. Ở tuổi 26, Hoàng Đức đang ở độ chín nhất của sự nghiệp. Cho dù hơi muộn, nhưng đây là thời điểm phù hợp để ngôi sao này thử sức ở đẳng cấp cao hơn, khi anh đã tích lũy đủ kinh nghiệm cả trong và ngoài sân cỏ.
Với việc chưa có ngôi sao Việt Nam nào thực sự thành công khi xuất ngoại, Nguyễn Hoàng Đức có cơ hội lớn để tạo dấu ấn đậm nét nếu chọn đúng bến đỗ. Anh không chỉ có khả năng phát triển bản thân mà còn trở thành “ngọn hải đăng” cho thế hệ tiếp theo nhìn vào.
Tuy nhiên, Hoàng Đức cũng có lý do của riêng mình. Bản thân tiền vệ này muốn xuất ngoại từ hơn 2 năm trước nhưng không thành công. Sau khi chứng kiến thất bại của Quang Hải và Công Phượng, Hoàng Đức có lẽ đã thay đổi kế hoạch. Bên cạnh đó, lời đề nghị của “đại gia” đứng sau Phù Đổng Ninh Bình quá lớn để tiền vệ này khó có thể từ chối.
Chia sẻ với truyền thông, Hoàng Đức nhấn mạnh rằng anh không làm gì sai và khẳng định bản thân không hối hận cho dù “lùi một bước”. Tiền vệ này cho biết: “Cầu thủ nào cũng muốn chọn CLB đang chơi ở giải đấu cao nhất, tôi cũng vậy. Thế nhưng, cũng có lúc mình phải cân nhắc và đưa ra lựa chọn. Tôi đồng ý đến Ninh Bình vì CLB này giàu tham vọng và đặt mục tiêu thăng hạng”.
“Chọn một đội bóng hạng Nhất và giúp họ thăng hạng, qua đó tiếp tục chơi ở cấp độ cao nhất thì có gì sai? Tôi không hối hận với quyết định này”.
Hoàng Đức rõ ràng không sai. Không người hâm mộ nào trả tiền trực tiếp cho anh. Nếu có, cũng không ai đủ khả năng trả tiền tỷ để yêu cầu tiền vệ này khoác áo CLB họ muốn. Trước Hoàng Đức, nhiều tuyển thủ Việt Nam khác cũng chấp nhận xuống hạng Nhất với các khoản lót tay kếch xù. Đó là thủ môn Đặng Văn Lâm, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Thanh Thịnh và Đinh Thanh Bình. Gần nhất, Nguyễn Công Phượng từ bỏ Nhật Bản để trở về thi đấu cho Trường Tươi Bình Phước.
Ở góc nhìn nào đó, Hoàng Đức có lẽ không muốn bản thân đi vào vết xe đổ của Quang Hải hay Công Phượng. Ở lại Việt Nam thi đấu, anh có mọi thứ trừ môi trường bóng đá đỉnh cao. Đó là sự đánh đổi mà tiền vệ này cảm thấy tốt nhất.
Hệ lụy thực sự
Chuyện Hoàng Đức thi đấu ở đâu không ảnh hưởng quá nhiều đến tương lai của đội tuyển Việt Nam. Thực tế, Hoàng Đức từ lâu không còn là ngôi sao thay đổi cục diện trận đấu của đội bóng áo đỏ. Tầm ảnh hưởng của anh không bằng Nguyễn Quang Hải trước đây. Trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam sa sút kể từ năm cuối cùng với HLV Park Hang-seo đến nay, Hoàng Đức cũng mờ nhạt theo.
Hệ lụy thực sự mà thương vụ “triệu đô” này gây ra với bóng đá Việt Nam ở tầm vĩ mô hơn khá nhiều. Người hâm mộ vốn đang quay lưng với đội tuyển càng trở nên chán ghét bóng đá hơn. Nếu như Hoàng Đức có quyền tự quyết cuộc sống của mình, thì người hâm mộ cũng có quyền thất vọng với những ngôi sao mà họ chờ đợi.
Trên hết, sự phát triển của bóng đá Việt Nam có thể chững lại. Các ngôi sao tương lai có thể sẽ nhìn vào Hoàng Đức để lựa chọn sự sung sướng, đủ đầy trong vùng an toàn. Bóng đá Việt Nam từng chờ đợi rất nhiều năm để có người mở đường ra nước ngoài và có thể phải chờ đợi lâu hơn nữa để có những cầu thủ đủ tầm tỏa sáng ở nước ngoài. Những Quả bóng vàng tiếp theo sẽ nghĩ gì khi nhìn vào lứa đàn anh giàu có nhưng không phải mạo hiểm dấn thân đến các vùng đất mới?
Nhìn nhận lại, Hoàng Đức cũng như hầu hết các cầu thủ Việt Nam đều không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Hoặc nếu có, họ cũng bị hoàn cảnh ngăn cản. Như chính bản thân Hoàng Đức có thể đã khác nếu được xuất ngoại cách đây 2 năm, khi anh vẫn còn sự sôi nổi và khát khao của tuổi trẻ.
Câu chuyện lúc này sẽ lật lại công tác đào tạo trẻ, quy định ký hợp đồng trẻ. Việc trói chân các cầu thủ tự đào tạo đến năm 27 tuổi cần bị loại bỏ. Ngược lại, các cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam cũng phải tạo ra hành lang chuyển nhượng đúng chuẩn để bảo vệ các CLB.
Nếu nhìn theo hướng tích cực nhất, thương vụ Hoàng Đức có thể tạo ra bước ngoặt cho thị trường chuyển nhượng V.League. Thể Công Viettel có lẽ là CLB đầu tiên trong lịch sử giải đấu giành được khoản tiền bồi thường lớn khi cầu thủ chỉ còn vài tháng hợp đồng.
Dấu hỏi về động lực
Một trong những lo ngại lớn nhất của người hâm mộ với Nguyễn Hoàng Đức là động lực thi đấu. Cựu tiền vệ Thể Công Viettel đã có nhiều danh hiệu lớn trong sự nghiệp, bao gồm 2 Quả bóng vàng Việt Nam. Ở tuổi 26, anh sắp trở thành tỷ phú với khoản thu nhập kếch xù. Nói cách khác, Hoàng Đức giờ đây không thiếu gì, từ danh tiếng cho đến tiền bạc. Liệu anh còn thi đấu nỗ lực như lúc chưa có gì?
Trên thế giới, rất nhiều trường hợp xuống phong độ nhanh chóng sau khi ký hợp đồng mới hoặc chuyển sang CLB mới với mức lương khủng. Một số khác cũng chơi tệ khi đứng trên đỉnh cao danh vọng vì hết động lực. Sẽ là vấn đề lớn cho đội tuyển Việt Nam cũng như bóng đá Việt Nam nếu Hoàng Đức cảm thấy thỏa mãn và bắt đầu tận hưởng thành quả ngay từ bây giờ.
https://cand.com.vn/so-tay-the-thao/thuong-vu-hoang-duc-va-he-luy-cho-bong-da-viet-i747024/