Anh Hùng và hơn 200 công nhân Công ty TNHH Dệt kim Fenix, Khu chế xuất Linh Trung, TP HCM mất việc ngay trước Tết Nguyên đán 2018.
thưởng tết
Lãnh đạo công ty đột ngột tuyên bố phá sản, công nhân không kịp trở tay.
Công ty anh còn nợ 8,3 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, 2,4 tỷ đồng lương công nhân tháng 10 và 11, 2,8 tỷ đồng trợ cấp thôi việc của người lao động. Anh Hùng, hơn 40 tuổi, quê ở một tỉnh Bắc Trung Bộ, đã hơn 10 năm làm việc tại công ty. Vợ và hai con anh ở quê, sống chủ yếu nhờ thu nhập hàng tháng anh gửi về. Anh thất nghiệp, cả gia đình chếnh choáng. “Trong khi người khác háo hức chờ thưởng Tết thì chúng tôi lo kiếm việc, chỉ ước quay lại cái tết như mọi năm”.
Đó không phải là trường hợp cá biệt. Từ giữa năm 2017, vì làm ăn khó khăn, Công ty TNHH Dịch vụ Công ích quận 12, TP HCM đã sa thải hàng loạt công nhân. 110 lao động bị sa thải đó đến hôm nay chưa được nhận nợ bảo hiểm xã hội, tiền độc hại, một số khoản tiền.
Ông Vũ Đỗ Thành, người có thâm niên 17 năm làm việc tại công ty cùng con trai nằm trong số đó. Ông Thành đã gõ cửa nhiều nơi, họ nói không nhận lao động lớn tuổi. Ông bảo: “Không lương, không thưởng. Tết đến khó khăn vô cùng anh ạ.”
Ông Thành không phải là người duy nhất có cả gia đình cùng mất việc. Vợ chồng anh tổ trưởng kia, cũng thất nghiệp sau 18 năm gắn bó với công ty. Cả hai vợ chồng thất nghiệp phải nuôi mẹ già và 2 con ăn học. Hai vợ chồng chia nhau đi làm mướn đủ thứ việc, từ quét dọn hàng quán đến nhận gia công cắt chỉ cho các cơ sở may… Làm từ 3, 4 giờ sáng đến nửa đêm nhưng mỗi người chỉ được chưa đến vài triệu đồng mỗi tháng.
Ở mặt phải của bức tranh thưởng Tết, tôi cũng nghe nhiều tin vui ấn tượng. “Nói gì thì nói, năm nay GDP tăng những 6,7%, sao mà không có Tết”, lãnh đạo một ngân hàng bảo. Đã qua những năm khó khăn nhất của ngành tài chính, thưởng Tết với nhân viên ngân hàng, anh ước ít cũng 7 tháng lương. Lương nhân viên bình quân khối nhân viên ngân hàng anh khoảng 17 triệu/người/tháng. Lãnh đạo cấp trung trở lên thì cao hơn, không ít người quản lý sẽ nhận thưởng Tết đến đơn vị tỷ đồng.
Mặt sáng ấy phù hợp với không khí vui tươi phấn khởi của ngày Tết, và không có nhiều điều để bàn. Đáng nói là các khoản thưởng cả tỷ ấy khiến cho mặt tối của bức tranh lương thưởng dịp Tết trông đáng buồn hơn. Theo Liên đoàn Lao động TP HCM, tính đến cuối tháng 12/2017, có 5 doanh nghiệp đang nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của 879 lao động. Trong đó, một doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản và một chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc chi thưởng Tết 2018.
Cuối năm, nhiều người còn lo mất cả bảo hiểm thất nghiệp, nếu sang năm chẳng may có chuyện gì. “Công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội nhiều tháng qua. Đến ngày 18/1 này, nếu họ không chốt sổ bảo hiểm, chúng tôi không còn cơ hội được lĩnh bảo hiểm thất nghiệp” - ông Luông, một công nhân nhà máy dệt may Đài Loan ở khu công nghiệp Bình Chuẩn, Bình Dương than.
Đằng sau những mảng màu tối-sáng của bức họa lương, thưởng cuối năm là những vết rạn của bức tranh kinh tế vĩ mô, thứ chỉ thể hiện khi các doanh nghiệp “chốt sổ”. Những chỉ tiêu kinh tế xã hội cán đích không đồng nghĩa với việc tất cả mọi người đều có quyền ăn mừng.
Những vấn đề nợ bảo hiểm, nợ lương, trốn tránh trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Nó đã tồn tại và ám ảnh số phận của hàng vạn lao động, hàng vạn gia đình nghèo trong suốt cả năm qua. Nhưng dịp Tết mang đến cho vấn đề ấy một sắc thái cực đoan: trong những ánh đèn hoa, trong không khí nao nức phấn khởi, trước thông tin về các khoản thưởng hàng tỷ đồng, vào lúc đáng ra người ta đi mua sắm chuẩn bị cho ngày lễ, thì họ lại bàng hoàng nhận ra rằng mình không có Tết. Thưởng Tết âm lịch trở thành “thưởng Tết âm” - tức là phần thưởng là sự thiệt thòi, là con số âm.
Điều khiến ông Luông bức xúc hơn cả, là dù họ đã “đi kêu”, nhưng không đại diện cơ quan chức năng nào đứng ra giúp giải quyết quyền lợi của hàng trăm công nhân. Cán bộ một số cơ quan sở, ban ngành liên quan, hoặc bảo công nhân về hỏi lãnh đạo công ty, hoặc bảo “cần phải tìm hiểu thêm”. “Họ hứa mãi, lần này lần nữa, nhưng chẳng thấy làm gì”, ông nói.
Việc giám sát thực thi Luật Lao động tại các doanh nghiệp, cũng không phải vấn đề mới. Nhưng lại một lần nữa, trước sự kiện Tết, những tiếng kêu của người lao động, và các mảng tối của bức tranh xuất hiện nhiều hơn.
Tết này, nhiều người lao động nhận thêm cả món “thưởng” là sự thất vọng với các cơ chế bảo vệ mình.
Tranh cãi quanh chuyện “ghét Tết”: Áp lực thêm cho phụ nữ?
"Tết có cần chuẩn bị hoàn hảo?" “nên ăn tết truyền thống hay tết hiện đại?” là câu hỏi của không ít người sau khi ... |
Thưởng Tết, có hy vọng gì cho công nhân?
Vào mỗi dịp cuối năm, thông tin về thưởng Tết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, cho thấy sự cách ... |