Thưởng “nóng” đã bớt “nguội”!

Cách đây hơn nửa tháng, vẫn chưa có dấu hiệu về chuyện thưởng “nóng” cho thành viên Đoàn thể thao Việt Nam dự Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) đang “nóng” lên. Thế nhưng, công bố của Đoàn thể thao Việt Nam mới đây đã khiến câu chuyện thưởng “nóng” bớt “nguội”.

Khó dễ tùy thời điểm

Đối với ngành Thể thao, bên cạnh quy định thưởng cho HLV, VĐV đạt thành tích tại các giải đấu quốc tế do Chính phủ ban hành thì một phần việc quan trọng trước mỗi kỳ cuộc lớn vẫn là tìm thêm nguồn tài trợ để có thêm kinh phí thưởng cho HLV, VĐV. Các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng cố gắng làm tốt khâu này, xem như tiếp thêm động lực cho HLV, VĐV. Bản thân các VĐV cũng rất hào hứng với cách làm, sự động viên thiết thực này từ ngành Thể thao, các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Rõ ràng, đó cũng là cách tăng thu nhập cho VĐV. Như tại ASIAD gần đây nhất là ASIAD 18 năm 2018, mức thưởng "nóng" cho VĐV giành HCV ngay tại địa điểm thi đấu là 300 triệu đồng, còn các VĐV giành HCB, HCĐ được thưởng "nóng" lần lượt là 30 triệu đồng và 20 triệu đồng.

Tất nhiên, không hẳn lúc nào việc tìm nguồn kinh phí để thưởng “nóng” cho thành tích của VĐV cũng thuận lợi do phụ thuộc khá nhiều vào “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như tiềm lực, khả năng kêu gọi tài trợ của các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao.

Thưởng “nóng” đã bớt “nguội”! -0
Lễ xuất quân dự ASIAD 19 của Đoàn thể thao Việt Nam.

Như đến trước ASIAD 19 này, thông tin về mức thưởng “nóng” cũng chỉ xuất hiện ít ngày trước Lễ xuất quân của Đoàn thể thao Việt Nam. Nguyên nhân cũng được lý giải về sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp dẫn đến việc thưởng cho thành tích VĐV tại ASIAD không còn là ưu tiên hàng đầu. Không kể, vấn đề về chủ nhân bản quyền truyền hình ASIAD 19 tại Việt Nam cho đến ngày 20-9 cũng chưa chốt được do giá quá cao so với sức chịu đựng của các nhà đài (ước tính khoảng 178 tỷ đồng). Và điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhiều doanh nghiệp trong việc có đồng hành hay không với thể thao Việt Nam.

Dù vậy, với nỗ lực của mình, Đoàn thể thao Việt Nam cũng như một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao cũng cố gắng tìm được nguồn kinh phí để thưởng “nóng” cho VĐV giành huy chương.

Tạo thêm động lực

Mới đây, phụ trách bộ môn xe đạp (Cục TDTT) đồng thời là Tổng Thư kí Liên đoàn xe đạp - môtô thể thao Việt Nam Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho biết, mức thưởng hiện tại của Liên đoàn xe đạp - môtô thể thao Việt Nam dành cho cua-rơ thi đấu ở ASIAD 19 là 80 triệu đồng cho 1 HCV, 50 triệu đồng cho 1 HCB và 30 triệu đồng cho 1 HCĐ. Nguồn tiền thưởng đến từ đơn vị An Giang kết hợp cùng Liên đoàn xe đạp - môtô thể thao Việt Nam. Hiện Liên đoàn vẫn đang vận động thêm nguồn tài trợ để mức thưởng thành tích huy chương ASIAD 19 cho VĐV cao hơn mức hiện nay.

Tại ASIAD 19, đội tuyển đặt mục tiêu giành huy chương trong đó kỳ vọng rất nhiều vào cua-rơ Nguyễn Thị Thật (giành HCB tại ASIAD năm 2014). Cô gái người An Giang này đang là đương kim vô địch châu Á. Tuy nhiên, việc gặp chấn thương khi đang thi đấu ở châu Âu khiến khả năng giành huy chương ở ASIAD 19 của Nguyễn Thị Thật bị đặt dấu hỏi.

Trước đó, Đoàn thể thao Việt Nam đã công bố các mức thưởng cụ thể dành cho VĐV giành huy chương tại ASIAD 19.

Theo đó, Ủy ban Olympic Việt Nam đã công bố mức thưởng 200 triệu đồng cho mỗi tấm HCV.

Liên đoàn Điền kinh Việt Nam với sự tiếp sức của một số doanh nghiệp sẽ thưởng 600 triệu đồng/HCV đối với nội dung đồng đội tiếp sức và 300 triệu đồng/HCV đối với nội dung cá nhân.

Liên đoàn Cầu mây Việt Nam công bố mức thưởng 300 triệu/HCV. Liên đoàn Judo Việt Nam sẽ thưởng 300 triệu/HCV. Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cũng đã có quỹ thưởng cho VĐV giành HCV là 200 triệu đồng.

Trong khi đó, Liên đoàn thể dục Việt Nam sẽ thưởng 100 triệu đồng/HCV, 50 triệu đồng/HCB, 20 triệu đồng/HCĐ. Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam công bố sẽ thưởng 30 triệu đồng/HCV, 20 triệu đồng/HCB và 10 triệu đồng/HCĐ.

Còn một số đơn vị chủ quản của VĐV cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn kinh phí để thưởng nóng từ sự huy động xã hội hóa. Như bộ môn điền kinh của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội cũng đã chuẩn bị khoản thưởng, dù không lớn, nhưng cũng mang ý nghĩa động viên với VĐV giành huy chương tại ASIAD 19. Ở kỳ ASIAD 19, VĐV thuộc bộ môn cũng góp mặt ở nội dung 4x400m nữ, nội dung được kỳ vọng nhất sẽ giành huy chương của đội tuyển điền kinh Việt Nam.

Tất nhiên, trong thời gian tới, VĐV nhiều môn khác sẽ nhận được thông tin về thưởng “nóng” từ các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao. Bởi theo “thông lệ”, có thể trong hoặc sau ASIAD 19, căn cứ vào thành tích của VĐV, một số Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia sẽ công bố thêm mức thưởng của mình. Nhưng rõ ràng, đến lúc này, khi nguồn lực kinh phí, sự huy động xã hội hóa từ cơ quan quản lý nhà nước thực sự có hạn trọng việc huy động doanh nghiệp thưởng “nóng” cho VĐV giành huy chương ở ASIAD 19 thì rất cần các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao phát huy vai trò.

Cục trưởng Cục TDTT, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự ASIAD 19 ông Đặng Hà Việt từng chia sẻ: “Thể thao Việt Nam luôn ghi nhận, đánh giá cao các Liên đoàn, Hiệp hội của các môn thể thao tìm được các nguồn xã hội hóa đồng hành, có mức thưởng cho các HLV, VĐV. Phần thưởng này sẽ là động lực cho các VĐV quyết tâm thi đấu, cũng là sự ghi nhận nỗ lực của từng người. Vì thế, nó luôn là phần không thể thiếu tại các kỳ Đại hội thể thao quốc tế mà Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự”.

Mức thưởng cứng cũng đã là động lực

Theo nhiều VĐV, mức thưởng “cứng” hiện nay cho thành tích tại ASIAD cũng là động lực đáng kể cho họ. Theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7-11-2018 Quy định một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu, VĐV giành 1 HCV ASIAD sẽ được thưởng 140 triệu đồng, 1 HCB là 85 triệu đồng, 1 HCĐ là 55 triệu đồng và phá 1 kỉ lục tại ASIAD sẽ được thưởng thêm 55 triệu đồng. Tuy nhiên, có thêm nguồn thưởng cũng sẽ càng làm dày thêm động lực cho VĐV. (Minh Khuê)

https://cand.com.vn/the-thao/thuong-nong-da-bot-nguoi--i707773/

Minh Hà / CAND