Thương mại bùng nổ, Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau?

Thương mại Nga - Trung bùng nổ những tháng qua trong bối cảnh Moskva đang phải đối phó loạt cấm vận từ phương Tây.

Hôm 15/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan. Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022. 

Tại lần gặp nhau trước đó vào tháng 2 ở Bắc Kinh, hai bên ra tuyên bố về tình hữu nghị "không có giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moskva. 

Kể từ đó, Nga tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong bối cảnh phải đối mặt sóng trừng phạt tới từ phương Tây. 

Thương mại bùng nổ, Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: AP).

Thương mại kỷ lục 

Theo CNN, mối quan hệ thương mại giữa 2 nước thời gian qua đang bùng nổ. Thương mại song phương đang ở mức kỷ lục khi Trung Quốc mua dầu và than để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, Nga trở thành thị trường hàng đầu cho tiền tệ của Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đang gấp rút lấp khoảng trống bị bỏ lại tại Nga khi các thương hiệu phương Tây "dứt áo ra đi". 

Theo thống kê của Cục Hải quan Trung Quốc, số tiền nước này chi để mua hàng hóa Nga tăng 60% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 11,2 tỷ USD, vượt mức tăng 49% của tháng 7. Trong khi đó, các lô hàng xuất sang Nga từ Trung Quốc tăng 26% lên 8 tỷ USD trong tháng 8. 

Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa 2 nước tăng 31% lên 117,2 tỷ USD - tương đương 80% năm ngoái. 

Trước khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, chiếm 16% tổng kim ngạch ngoại thương. Sau chiến sự, vai trò của Bắc Kinh càng thể hiện rõ trong bối cảnh kinh tế Nga gặp không ít khó khăn trước loạt cấm vận của phương Tây. 

Ngân hàng Trung ương Nga ngừng công bố số liệu thương mại chi tiết kể từ khi xung đột nổ ra. Tuy nhiên, Bruegel - một tổ chức tư vấn kinh tế tại châu Âu - phân tích số liệu thống kê từ 34 đối tác thương mại hàng đầu của Nga gần đây, ước tính Trung Quốc đóng góp 24% xuất khẩu của Nga trong tháng 6.

"Thương mại Trung Quốc - Nga đang bùng nổ vì Trung Quốc đang tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để mua năng lượng Nga với giá chiết khấu và thay thế các công ty phương Tây đã rời khỏi thị trường”, Neil Thomas, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Eurasia Group, đánh giá. 

Hồi tháng 5, Nga thay thế Ả Rập Xê-út trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc. Theo dữ liệu hải quan mới nhất của Trung Quốc, Moskva giữ vững vị trí dẫn đầu trong ba tháng liên tiếp cho đến hết tháng 7.

Thương mại bùng nổ, Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau? - 2

Các toa tàu chở than tại ga Tomusinskaya gần Mezhdurechensk, Nga. (Ảnh: Bloomberg).

Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với 7,42 triệu tấn.

Chiến sự khiến nhu cầu đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng vọt ở Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây phần lớn cắt đứt Moskva khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế nước này tiếp cận đồng USD và euro.

Giao dịch nhân dân tệ trên Sàn giao dịch chứng khoán Moskva chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch của các đồng tiền chính trong tháng 7, tăng từ 0,5% trong tháng 1.

Khối lượng giao dịch nhân dân tệ - rúp hàng ngày cũng lập kỷ lục mới tháng trước, vượt khối lượng giao dịch rúp - USD lần đầu trong lịch sử. 

Theo hệ thống SWIFT, Nga là thị trường lớn thứ ba trên thế giới cho các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ bên ngoài Trung Quốc đại lục vào tháng 7, sau Hong Kong và Anh. Vào tháng 2, Nga thậm chí còn không xuất hiện trong danh sách 15 thị trường nhân dân tệ hàng đầu của SWIFT.

Các công ty và ngân hàng của Nga cũng đang đẩy mạnh việc chuyển sang sử dụng đồng nhân dân tệ để thanh toán quốc tế.

Gần đây, tập đoàn Gazprom của Nga cho biết, bắt đầu thanh toán các hợp đồng khí đốt với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp. Trong khi đó, ngân hàng VTB của Nga tiết lộ đang triển khai chuyển tiền bằng nhân dân tệ sang Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, đó là động lực thúc đẩy tham vọng đưa đồng nhân dân tệ trở thành tiền tệ toàn cầu.

"Việc Nga sử dụng đồng nhân dân tệ ngày càng tăng cũng giúp thúc đẩy các mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đưa đồng bạc đỏ trở thành đồng tiền toàn cầu, giúp tăng cường sức mạnh của nước này trong lĩnh vực tài chính quốc tế”, ông Thomas nhận định.

Các công ty Trung Quốc đang tận dụng lợi thế sau khi những thương hiệu phương Tây "dứt áo" rời Nga.

Thương mại bùng nổ, Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau? - 3

Cửa hàng của Xiaomi tại Murmansk, Nga. (Ảnh: Xiaomi).

Theo Reuters, điện thoại thông minh Trung Quốc chiếm 2/3 tổng doanh số bán mới tại Nga từ tháng 4 đến tháng 6. Tổng thị phần của Bắc Kinh ở Nga tăng đều đặn từ 50% trong quý đầu tiên lên 60% vào tháng 4 và hơn 70% vào tháng 6. 

Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất ở Nga vào tháng 7, nắm giữ 42% thị trường.

Samsung, từng là thương hiệu dẫn đầu, hiện chỉ còn chiếm giữ 8,5%. Con số này với Apple là 7%.

Hai công ty này từng chiếm nửa thị phần tại Nga nhưng đã ngừng bán các sản phẩm mới sau khi xung đột bùng phát. 

Ô tô Trung Quốc cũng đang tràn ngập ở Nga. 

Theo cơ quan phân tích Autostat của Nga, ô tô chở khách từ các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm gần 26% thị trường Nga trong tháng 8, mức cao nhất từng ghi nhận. Con số này cao hơn nhiều so với chỉ mức thị phần 9,5% trong quý đầu tiên.

Xích lại gần nhau

Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo hôm 15/9, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh "sẵn sàng hợp tác với Nga, thể hiện trách nhiệm của các cường quốc và đóng vai trò dẫn đầu để mang đến sự ổn định cũng như năng lượng tích cực cho một thế giới đang chao đảo". 

Về phần mình, ông Putin cho biết, Nga hết sức trân trọng lập trường cân bằng của Trung Quốc. Ông chủ điện Kremlin cũng lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh và chỉ trích Washington trong vấn đề Đài Loan.

Các nhà phân tích cho rằng, khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng lạnh nhạt, Bắc Kinh tin họ cần phải nuôi dưỡng mối quan hệ với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc.

"Bất kể việc Nga có giành thắng lợi ở Ukraine hay không, Trung Quốc vẫn theo đuổi liên kết chặt chẽ với Nga", Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nói. 

Theo chuyên gia này, quan hệ Nga - Trung trên mọi mặt sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi sức ép từ phương Tây liên quan vấn đề Ukraine và Đài Loan (Trung Quốc) gia tăng. Xác định khó có thể quay lại quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ, Bắc Kinh đánh giá lựa chọn khả dĩ hiện tại là tăng cường quan hệ với Nga để thiết lập lại trật tự thế giới. 

Thương mại bùng nổ, Nga - Trung ngày càng xích lại gần nhau? - 4

Toàn cảnh cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Trung vào ngày 15/9. (Ảnh: Reuters).

Ông Sun lưu ý, là cường quốc hạt nhân lớn thứ hai thế giới, "Nga không phải cường quốc địa chính trị có thể bị loại bỏ". Bản thân Bắc Kinh cũng coi Moskva là đối tác quan trọng trong việc vận động các thể chế quốc tế khỏi phạm vi thống trị của Washington.

Về phần mình, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng rạn nứt kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, việc duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết với Nga. Bởi Trung Quốc không chỉ từ chối chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine mà còn đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Moskva chống chịu trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Cùng Trung Quốc, Nga cũng thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á.

"Dù ai đó có muốn cô lập Nga như thế nào, họ cũng không thể làm điều đó. Hãy nhìn vào bản đồ xem", Tổng thống Putin nhận định trong bài phát biểu hồi đầu tháng 9. 

Trung Quốc dường như cởi mở hơn trước lập trường của Nga với các nước châu Á so với những nỗ lực tương tự từ Mỹ. Cả Moskva và Bắc Kinh đều xác định mục tiêu chung của họ là đối phó với nỗ lực của Mỹ nhằm chi phối thế giới.

https://vtc.vn/thuong-mai-bung-no-nga-trung-ngay-cang-xich-lai-gan-nhau-ar701123.html

Song Hy / VTC News