Thương hiệu lớn khai thác thị trường Việt


Người tiêu dùng Việt Nam đang có cơ hội sử dụng hàng hóa của hầu hết các nước trên thế giới

Không chỉ những tập đoàn bán lẻ đa quốc gia tiếp cận thị trường Việt Nam, hiện nay hầu hết các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các hãng thời trang (từ bình dân đến danh tiếng thế giới) đều xem đây như nơi tiêu thụ hàng hóa lý tưởng, bởi bộ phận người giàu và người có thu nhập cao ở Việt Nam đang tăng đáng kể. Ngược lại, người tiêu dùng Việt cũng có thêm nhiều sự lựa chọn hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao.

Không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp đối tác Việt Nam của Tập đoàn Moët Hennessy Louis Vuitton - LVMH (tập đoàn kinh doanh hàng xa xỉ phẩm cao cấp hàng đầu thế giới của Pháp) lại đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 15% - 20%/năm, đối với nhóm hàng thời trang cao cấp, thuộc các thương hiệu Chanel, Burberry, Cartier, Salvatore Ferragamo, Rolex... Và đến thời điểm này, thị trường Việt Nam đã có đủ mặt những tập đoàn kinh doanh lớn nhất nhì thế giới trong mọi lĩnh vực hàng tiêu dùng như thời trang, mỹ phẩm, vàng bạc đá quý, trang trí nội thất và thực phẩm.

Tại Việt Nam, những tập đoàn thời trang nổi tiếng thế giới như Gucci đạt doanh thu trên 10 tỷ USD/2016, Louis Vuittion doanh thu gần 25 tỷ USD/năm 2016, hay Chanel, Hermès, Burberry, Christian Dior… cũng đều là những thương hiệu có doanh thu “tỷ đô” hàng năm ở thị trường toàn cầu. Đó là những thương hiệu ngoại đến Việt Nam khá sớm và có xu hướng phát triển ngày càng mạnh, với sản phẩm có giá bán từ 15 triệu đồng/món trở lên.

Tiếp đến là nhóm thương hiệu ở phân khúc bình dân hơn, giá sản phẩm không quá cao, nhưng cũng không thấp đối với mức sống của người dân tại nhiều nước châu Á như Zara (của Tây Ban Nha), trang sức Skymond Luxury (Hàn Quốc), Nine West, Micheal Kors (Hoa Kỳ)…

Tại thị trường Việt Nam, các thương hiệu này phát triển dòng sản phẩm thiết kế riêng, mang đậm phong cách thương hiệu mang tầm quốc tế của mình và hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao như doanh nhân, giới văn nghệ sĩ, người mẫu nổi tiếng... Tiếp đến là những nhà bán lẻ đa quốc gia lần lượt khai thác thị trường Việt Nam. Họ không chỉ mang đến trào lưu kinh doanh hiện đại, cung cấp dịch vụ thương mại, hàng hóa một cách toàn diện mà còn tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, với sản phẩm hàng hóa nhập khẩu đa dạng, chất lượng cao. Người tiêu dùng Việt Nam tại các thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…) gần như đã có đủ loại thực phẩm tươi sống, chế biến, đồ hộp, đồ uống nhập khẩu từ bình dân đến cao cấp nhất cho tiêu dùng hàng ngày.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tăng trưởng GDP toàn cầu từ năm 2016 - 2020 được ước tính khoảng 3,1%/năm. Nhưng Hoa Kỳ và châu Âu sẽ chỉ tăng trưởng tương ứng khoảng 2% và 1,9%. Trái lại, thị trường mới nổi được dự báo sẽ có mức tăng trưởng khoảng 4%. Kết quả là, các công ty đa quốc gia tiếp tục tìm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương như là một động lực tăng trưởng. Và Việt Nam là một phần trong số đó, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang mở rộng cửa, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những cam kết tự do thương mại với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng đang là sức hút đối với kế hoạch tăng hiện diện của những tập đoàn kinh doanh đa quốc gia tại Việt Nam.

Ngoài ra, dân số Việt Nam vẫn đang trong thời hoàng kim (25% dân số đang trong độ tuổi từ 10 - 24 tuổi và độ tuổi trung bình của người Việt là 29 tuổi). Việt Nam có tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Và tầng lớp này cũng được mở rộng về mặt địa lý, sang các tỉnh, thành phố mới, sung túc hơn, bên cạnh các trung tâm trọng điểm và truyền thống là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Các thành phố hiện nay tràn ngập những người mua hàng am hiểu về công nghệ thông tin, nhận thức tốt về thương hiệu.

Bên cạnh đó, cùng với hàng tiêu dùng, tầng lớp trung lưu (và triển vọng trung lưu) đang đầu tư mạnh vào giáo dục con cái. Đặc biệt, trong thời đại của internet, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng theo dõi sát sao những gì đang xảy ra trên thị trường. Hiện nay người tiêu dùng Việt Nam không còn là người tiết kiệm nhất trên toàn cầu.

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, có 63% người Việt Nam để dành tiền tiết kiệm (năm 2016 là 76%), đứng sau cả Thái Lan (69%), Singapore và Indonesia (66%)… Người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn vào các khoản mục lớn, nhằm mục đích nâng cấp đời sống như du lịch, mua sắm quần áo mới, các sản phẩm công nghệ mới, sửa chữa nhà cửa… Đây chính là những cơ hội để hàng hóa nhiều nước trên thế giới tiếp cận và ngày càng tăng hiện diện tại Việt Nam.

http://thoibaonganhang.vn/thuong-hieu-lon-khai-thac-thi-truong-viet-69082.html

/ Theo Thời báo Ngân hàng