Thuê tư vấn nước ngoài thẩm định dự án metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc?

Hà Nội đã báo cáo Chính phủ một số cơ chế để thực hiện dự án tuyến metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc với tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Dự kiến, sẽ thuê tư vấn nước ngoài thẩm định báo cáo này của hà nội.

Bộ KH-ĐT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 5, Văn Cao- Hòa Lạc (dự án metro số 5).

Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 sẽ do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT làm chủ tịch; các thành viên Hội đồng là lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các Bộ: Quốc phòng, Công an, KH-ĐT, KH&CN, GTVT, Tài chính, TN-MT...

Để giúp việc cho Hội đồng, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng cho phép thuê liên danh tư vấn trong nước và tư vấn nước ngoài để thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đúng quy định.

Trước đó, vào tháng 9/2020, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình số gửi Thủ tướng về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5.

Thuê tư vấn nước ngoài thẩm định dự án metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc? ảnh 1
Bộ KH-ĐT kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án metro số 5 Văn Cao- Hòa Lạc

Cụ thể, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2020.

Để đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ về công nghệ áp dụng, hiệu quả trong đầu tư, vận hành, bảo dưỡng công trình, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga.

Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng cho phép thành phố lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và chế tạo toa xe phục vụ công tác phát triển hệ thống đường sắt đô thị và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ và chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực… để hỗ trợ quá trình phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước chủ động và giảm dần sự phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.

Theo kết quả nghiên cứu của UBND TP. Hà Nội, tuyến metro số 5 sẽ tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.

Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm: vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Các chuyên gia nói gì về việc xây dựng tuyến metro số 5 của Hà Nội? Các chuyên gia nói gì về việc xây dựng tuyến metro số 5 của Hà Nội?
Hà Nội đề xuất tuyến metro số 5, Văn Cao- Hòa Lạc với 65.400 tỷ đồng vốn đầu tư Hà Nội đề xuất tuyến metro số 5, Văn Cao- Hòa Lạc với 65.400 tỷ đồng vốn đầu tư

/ anninhthudo.vn