Phối hợp địa phương kêu gọi dân trồng ớt, hứa bao tiêu sản phẩm, khi ớt chín đầy đồng nhưng doanh nghiệp không xuất hiện
Công ty CP Đầu tư Quốc tế Thiên An (đóng tại TP Hải Phòng) phối hợp một số huyện của tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị cam kết bao tiêu sản phẩm ớt, cung ứng giống ớt nhập khẩu, phân bón hữu cơ và hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm hộ dân triển khai. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ mua vài lần rồi biến mất khiến người trồng ớt khốn đốn.
Không thu mua do… rớt giá
Hợp đồng với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Công ty Thiên An cam kết bao tiêu 100% sản phẩm ớt sừng bò trong 3 năm đối với đầu mối các hợp tác xã (HTX), giá 5.500 đồng/kg ớt tươi và có thể điều chỉnh giá theo từng năm. Theo thống kê, có trên 20 ha ớt tại huyện Phong Điền trồng theo liên kết này nhưng Công ty Thiên An mới chỉ thu mua được 50% diện tích, số còn lại đang chín đầy đồng, người dân đang thấp thỏm chờ đơn vị này thu mua.
Ông Trần Đình Khôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp Điền Lộc, nói rằng đơn vị này liên kết với Công ty Thiên An trồng ớt sừng bò trên diện tích 4,5 ha. Ông Khôi cho biết đợt đầu công ty về thu mua ớt xanh được 5 tấn, chỉ trả tiền 60% số diện tích thu mua. Đợt thứ 2, công ty này mua 12 tấn ớt chín nhưng đến nay vẫn chưa trả tiền. "Hơn nửa tháng trôi qua, số ớt chín trên đồng rất nhiều nhưng công ty không về thu mua nữa. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ nhưng công ty đưa ra nhiều lý do để chậm thu mua. Chúng tôi phải yêu cầu người dân thu hoạch một phần, xay ớt khô" - ông Khôi nói.
Ớt của nông dân Quảng Trị chín rụng nhưng Công ty Thiên An không đến thu mua Ảnh: HÀ PHONG
Tương tự, UBND 2 huyện Cam Lộ và Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) cũng đã liên kết với Công ty Thiên An triển khai trồng hàng chục hecta ớt với sự tham gia của hàng trăm hộ dân. Theo biên bản ghi nhớ với UBND huyện Cam Lộ, bên cạnh cam kết bao tiêu sản phẩm, công ty này còn hỗ trợ 48% chi phí giống, phân bón cho người dân.
Trên cơ sở này, vụ đông xuân 2017-2018, có 191 hộ dân ở địa bàn 3 xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) tham gia trồng 17,23 ha ớt. Hầu hết số diện tích ớt trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt và sai quả. Đến nay, nhiều diện tích ớt trên địa bàn đã chín, rụng quả (gây ảnh hưởng 50% sản lượng) nhưng Công ty Thiên An không thu mua như cam kết với lý do giá cả trên thị trường quá rẻ, không có đầu ra.
Tại huyện Gio Linh có 10 ha ớt của người dân trồng theo mô hình liên kết này và cũng chịu "số phận" tương tự.
Kêu gọi "giải cứu"
Trước tình trạng trên, UBND huyện Cam Lộ có văn bản kêu gọi, vận động các ban, ngành, đoàn thể, các công ty và người dân trên địa bàn tìm kiếm đối tác tiêu thụ ớt để giảm bớt thiệt hại. Bên cạnh đó, huyện này đã triển khai kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng ớt và thông báo chính sách động viên, hỗ trợ vốn cho bà con tái sản xuất.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ, sau 2 ngày ra văn bản kêu gọi đã "giải cứu" được hơn 30 tấn ớt chín. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 10 tấn ớt chín và hàng chục tấn ớt sẽ chín người dân chưa biết bán cho ai.
Các chủ tịch UBND của 2 huyện Phong Điền và Gio Linh cho biết 2 huyện này đã gửi công văn yêu cầu Công ty Thiên An đẩy nhanh tiến độ mua thu ớt chín cho người dân. "Dự kiến trong đầu tuần tới, công ty sẽ cử người vào làm việc để thống nhất lại phương án thu mua. Nếu công ty không thực hiện đúng cam kết, huyện sẽ có biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời cho người dân" - ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, khẳng định.
QUANG NHẬT - HÀ PHONG
Nông dân ngoại ô Sài Gòn trồng ớt thu gần nửa tỷ mỗi tháng
Áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến của Israel, vườn ớt của nữ nông dân ở TP.HCM cho năng suất trung bình ... |
Bỏ thời trang, thành nữ đại gia nhờ trồng ớt theo công nghệ Israel ở Sài Gòn
Nhờ áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến từ Israel, bà Nguyễn Thị Kim Xuân đã phát triển được trang trại ớt ... |