Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa thực phẩm và nguy cơ phát triển bệnh ung thư, nhưng liệu bạn đã thực sự hiểu đúng về nó?
Với sự phát triển của internet, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính có kết nối mạng, chúng ta có thể dễ dàng tra cứu thông tin về những loại thực phẩm nên hoặc không nên bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày nhằm ngăn ngừa ung thư.
Chúng ta thường được khuyến cáo làm gì để ngăn ngừa ung thư? Ăn súp lơ xanh, uống trà xanh, không để thức ăn bị cháy...? Nhưng liệu có "siêu thực phẩm" nào thật sự có thể ngăn ngừa ung thư hay một loại thực phẩm nào rất tệ, có thể gây ra hoặc trầm trọng hóa bệnh ung thư?
Dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe, và một chế độ ăn uống nghèo nàn có thể gia tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, khoảng 1/5 trường hợp ung thư và khoảng 1/6 trường hợp tử vong do ung thư tại nước này có thể liên quan đến chế độ dinh dưỡng kém, thừa cân, không tập thể dục hoặc uống rượu.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng khuyến cáo người dân cần có thói quen ăn uống lành mạnh với chế độ ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế thịt đỏ, đồ uống có đường, thực phẩm chế biến nhiều và ngũ cốc tinh chế.
Tuy nhiên, liệu có thực phẩm nào có thể tác động trực tiếp đến nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở một người? Dưới đây là 4 điều phổ biến nhất mà mọi người vẫn thường hay nhắc đến khi đề cập đến mối liên hệ giữa thực phẩm và ung thư và sự thật đằng sau đó.
1, Đường làm tăng trưởng các tế bào của khối u
Tất cả các tế bào trong cơ thể, bao gồm cả các tế bào ung thư, sử dụng các phân tử đường (hay còn được gọi là carbohydrate), làm nguồn năng lượng chính. Tuy nhiên, đó không phải là nguồn nhiên liệu duy nhất giúp các tế bào phát triển. Tế bào có thể sử dụng các chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như protein và chất béo để phát triển.
Không có bằng chứng nào cho thấy chỉ cần cắt giảm đường khỏi chế độ ăn là có thể ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư.
TS Carrie Daniel-MacDougall, nhà Dịch tễ học dinh dưỡng tại Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston, Hoa Kỳ cho biết: “Nếu tế bào ung thư không được tiếp nhận đường, chúng sẽ bắt đầu phá vỡ các thành phần từ các nguồn dự trữ năng lượng khác trong cơ thể".
Tuy nhiên, các nhà khoa học đang nghiên cứu xem liệu có chế độ ăn kiêng nào đó có thể làm chậm sự phát triển của khối u hay không? Một số bằng chứng sơ bộ từ các thử nghiệm trên động vật gặm nhấm và người cho thấy, chế độ ăn keto (chế độ ăn giàu chất béo, ít carbohydrate) có thể làm chậm sự phát triển của một số loại khối u, chẳng hạn như khối u trực tràng, khi kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị và hóa trị.
Mặc dù các nhà khoa học cũng chưa hiểu rõ chế độ ăn sẽ tác động như thế nào, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra một số giả thuyết về vấn đề này.
Theo Bác sĩ Neil Iyengar, chuyên gia điều trị ung thư tại Bệnh viện Memorial Sloan Kettering, Thành phố New York, Hoa Kỳ, chế độ ăn keto có tác dụng làm giảm nồng độ insulin - một loại hormone giúp tế bào hấp thụ đường. Nghiên cứu trên chuột cho thấy mức insulin cao có thể làm giảm hiệu quả của một số liệu pháp làm chậm sự phát triển của khối u.
“Chúng tôi đang nghiên cứu chế độ ăn keto cho các khối u trong các thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, chế độ ăn này có lẽ là một trong những loại ăn kiêng không thể áp dụng hàng loạt để giảm nguy cơ ung thư nói chung bởi nó cần phù hợp với đặc điểm sinh học của từng khối u riêng biệt”, bác sĩ Iyengar cho biết.
Vậy làm thế nào để ngăn ngừa ung thư? Christine Zoumas, Chuyên gia dinh dưỡng, Giám đốc Chương trình Healthy Eating Program tại Trung tâm Ung thư Moores thuộc Đại học California, Hoa Kỳ đã lưu ý mối liên hệ gián tiếp giữa việc ăn nhiều đường và nguy cơ ung thư.
“Bất cứ thực phẩm nào có nhiều đường đều là nguồn cung cấp rất nhiều calo. Khi bạn xem xét tới những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư nhất, đặc biệt là phụ nữ, đó chính là mỡ thừa trên cơ thể”.
Chế độ ăn ít đường có thể tăng hiệu quả điều trị cho một số phương pháp điều trị ung thư. |
Kết luận: Cắt giảm đường sẽ không ngăn ung thư phát triển. Tuy nhiên, những bằng chứng ban đầu cho thấy rằng, chế độ ăn lowcarb (ít carbohydrate) có thể nâng cao hiệu quả của một số phương pháp điều trị ung thư.
2, Ăn thực phẩm chín kỹ hoặc bị cháy gây ung thư
Khi nấu chín ở nhiệt độ cao, một số thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì hoặc khoai tây có thể giải phóng một chất hóa học, được gọi là acrylamide.
“Một số nghiên cứu cho thấy, nấu quá chín hoặc làm cháy thức ăn có thể tạo ra chất gây ung thư trong thực phẩm, gây hại cho cơ thể. Ngay bây giờ, tôi sẽ gọi nó là một giả thuyết bởi không thể coi đây là một trường hợp được", bác sĩ Iyengar nói.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, ở loài gặm nhấm, một lượng lớn acrylamide (cao gấp nhiều lần so với trong thực phẩm) có thể hình thành các khối u. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người lại đưa ra rất ít bằng chứng cho thấy acrylamide trong thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư.
Khi các nhà nghiên cứu khảo sát trên nhiều nhóm người để xem liệu có mối liên hệ giữa acrylamide và ung thư ở các bộ phận khác nhau của cơ thể như ruột, thận, bàng quang và tuyến tiền liệt hay không, phần lớn không tìm ra mối liên hệ rõ ràng.
Trong một số trường hợp, ngay cả khi mối liên hệ tiềm ẩn xuất hiện, chẳng hạn như đối với acrylamide và ung thư buồng trứng, nó cũng sẽ biến mất sau khi sử dụng các công cụ đo lường mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như khi xem xét mức độ acrylamide trong máu.
Chế biến các loại thịt như rán, nướng hoặc hun khói, có thể giải phóng các hóa chất khác, được gọi là Heterocyclic amines (HCAs) và polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs). Giống như trường hợp của acrylamide, các loài gặm nhấm khi tiếp nhận lượng lớn 2 chất trên sẽ hình thành các khối u ở nhiều bộ phận khác nhau.
Tuy nhiên, bằng chứng không thực sự rõ ràng khi thực hiện nghiên cứu trên người. Trong khi một số nghiên cứu cho thấy, ăn các hóa chất từ thịt nấu chín có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng hoặc ung thư tuyến tụy, nhiều nghiên cứu khác được thực hiện lại không chỉ ra mối liên hệ nào giữa việc ăn thực phẩm nấu quá chín và bệnh ung thư.
Chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm chín kỹ, bị cháy và ung thư. |
Kết luận: Ý kiến cho rằng ăn thực phẩm nấu chín kỹ hoặc thực phẩm bị cháy có thể gây ung thư là không thuyết phục.
3, Ăn thực phẩm chế biến sẵn gây ung thư
Nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa các loại thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như xúc xích, thịt bò khô và thịt nguội, với nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, cụ thể là ung thư đại trực tràng, rất mạnh mẽ.
Năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một bộ phận của Tổ chức Y tế Thế giới, đã phân loại thịt chế biến là chất gây ung thư Nhóm 1, một chỉ định dành riêng cho các chất gây ung thư.
Cơ quan này lưu ý rằng quyết định trên dựa theo "bằng chứng đầy đủ ở người rằng tiêu thụ thịt chế biến sẵn gây ra ung thư đại trực tràng", được đưa ra sau khi 22 chuyên gia đến từ 10 quốc gia thực hiện xem xét đối với hàng trăm nghiên cứu khác nhau.
Đồng thời, IARC cũng xem xét mối liên quan giữa thịt đỏ và ung thư. Sau khi thực hiện hàng trăm nghiên cứu, cơ quan này kết luận rằng, mặc dù có mối liên hệ giữa ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt với thịt đỏ, nhưng các bằng chứng vẫn còn hạn chế. Thịt đỏ sau đó được phân loại là “chất có thể gây ung thư”.
Một số nghiên cứu được thực hiện theo thời gian cho thấy, các loại thực phẩm “siêu chế biến” khác, chẳng hạn như nước ngọt, súp đóng hộp và mì ăn liền có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Những thực phẩm như vậy có thể chứa các hóa chất gây hại như acrylamide, nitrat, HCAs và PAHs, nhưng chúng cũng thường chứa nhiều đường, muối và chất béo bão hòa.
Theo Chuyên gia dinh dưỡng Zoumas, chính thành phần dinh dưỡng trong những thực phẩm này là nguyên nhân gây lo ngại nhất, vì chúng chứa rất nhiều calo, đồng nghĩa với việc nếu ăn nhiều thì sẽ tăng chất béo trong cơ thể.
Ông cũng lưu ý rằng, điều quan trọng là phải phân biệt được giữa thực phẩm "chế biến" và "siêu chế biến". Cắt nhỏ trái cây, đóng túi các loại rau hoặc bổ sung thêm sắt hoặc canxi vào thực phẩm là những cách "chế biến" thực phẩm mà không làm giảm giá trị dinh dưỡng hay tạo ra các hóa chất có thể gây ung thư.
Không nên lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn nếu muốn có một cơ thể khỏe mạnh. |
Kết luận: Có mối liên hệ chặt chẽ giữa thực phẩm chế biến sẵn và nguy cơ ung thư. Thịt đỏ và thực phẩm chín quá kỹ cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư, nhưng bằng chứng không thực sự rõ ràng.
4, Một số thực phẩm có thể ngăn ngừa ung thư
Mặc dù các chuyên gia khuyến cáo rằng một chế độ ăn uống giàu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như như rau, trái cây và ngũ cốc, có thể làm giảm nguy cơ ung thư, nhưng họ vẫn rất thận trọng khi khẳng định về bất kỳ loại "siêu thực phẩm" nào có thể ngăn ngừa ung thư.
Bác sĩ Iyengar cho biết: “Cho đến nay, vẫn chưa có đủ dữ liệu rõ ràng cho thấy một loại thực phẩm hoặc sản phẩm cụ thể nào có thể làm giảm nguy cơ ung thư hoặc giảm sự tiến triển của các tế bào ung thư. Dinh dưỡng rất phức tạp và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như chế độ ăn uống tổng thể, khả năng trao đổi chất trong cơ thể, tần suất vận động và khuynh hướng di truyền".
Đặc biệt, trong khi chế độ ăn dựa trên các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật có thể giúp ngăn ngừa ung thư ở những người khỏe mạnh, thì đối với bệnh nhân ung thư, chế độ ăn này cần được cân nhắc để thực hiện.
TS Daniel-MacDougall cho biết, cô ấy sẽ không khuyến nghị bệnh nhân ung thư bắt đầu chế độ ăn chay hoặc thuần chay mà không nói chuyện với chuyên gia dinh dưỡng trước. “Bệnh nhân ung thư rất cần một chế độ ăn uống có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch của họ. Vì vậy, tôi không muốn thấy một bệnh nhân ung thư bắt đầu một chế độ ăn uống mới mà lại thiếu hụt protein hay vitamin B”, cô nói.
Ngoài ra, không phải tất cả các bệnh nhân ung thư, hoặc mọi người đều giống nhau. Vì vậy, việc thay đổi chế độ ăn uống có tác dụng với người này, nhưng cũng có thể không hiệu quả với người khác.
“Chế độ ăn uống tối ưu cho mỗi cá nhân sẽ khác nhau, dựa trên đặc điểm sinh học của người đó, cũng như loại ung thư họ mắc phải, giai đoạn bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của họ”, TS Iyengar nói.
"Mặc dù chúng tôi vẫn đưa ra những khuyến cáo chung cho mọi người để giảm nguy cơ phát triển ung thư, nhưng tôi vẫn tưởng tượng về tương lai - nơi mà có rất nhiều dữ liệu có thể hỗ trợ chúng tôi đưa ra các lời khuyên mang tính cá nhân hóa hơn cho mỗi bệnh nhân".
Chế độ ăn giàu chất xơ vẫn được khuyến cáo là có khả năng hỗ trợ, ngăn ngừa bệnh ung thư. |
Hãy nhớ rằng, chế độ ăn uống chỉ là một trong số những điều cần cân nhắc khi đề cập đến những biện pháp ngăn ngừa ung thư, và ngay cả những người ăn uống lành mạnh nhất cũng có thể bị ung thư, TS Zoumas lưu ý.
“Nếu bạn bị ung thư nhưng lại có một lối sống lành mạnh, bạn sẽ dễ điều trị hơn và nhanh phục hồi hơn”, cô nói. “Đối với những người chọn lối sống lành mạnh, điều đó không bao giờ là lãng phí. Còn đối với những người chưa có lối sống lành mạnh, bắt đầu không bao giờ là quá muộn”.
Kết luận: Thêm một loại "siêu thực phẩm" duy nhất vào thực đơn hàng ngày không giúp bạn không bị ung thư. Nhưng một chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp ngăn ngừa bệnh.
BẢO ANH (WebMD)
6 thực phẩm bồi bổ thận vừa tốt vừa rẻ: Người bị bệnh thận nên ăn thường xuyên |
Chuyên gia lý giải về vấn đề thực phẩm gây ung thư |
Liên tiếp phát hiện ma tuý trong gói thực phẩm gửi ra nước ngoài |