Từ đầu năm tới nay, báo chí thế giới đã nhiều lần nói tới thách thức Cá voi Xanh, một trò chơi kỳ quái đang ngấm ngầm lan rộng với cái kết là màn tự sát của người chơi và danh sách nạn nhân của nó đã lên tới con số hàng trăm. Tuy nhiên có thực là một trò chơi khủng khiếp như thế đang tồn tại, hay đây chỉ là sản phẩm của thời đại thông tin nhiễu loạn?
Làn sóng sợ hãi lan rộng
Tháng 2.2018, The Sun là tờ báo đầu tiên ở Anh loan tin về thách thức Cá voi Xanh (Blue Whale), một trò chơi nguy hiểm có thể gây chết người. Những thông tin mà Sun cung cấp gây sốc hết sức, theo đó, trò chơi này có gốc gác ở đất Nga, được một nhóm bí ẩn cổ súy, đã khiến hơn 100 người vị thành niên thiệt mạng tại các nước Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và nay đang lan dần sang Anh.
Tuy nhiên về cơ bản nội dung bài báo không có gì mới mẻ. Nó chỉ trích dẫn rất nhiều thông tin từ một bài viết của phóng viên Nga Galina Mursaliyeva đăng trên tờ Novaya Gazeta hồi tháng 4.2016. Tác phẩm của Mursaliyeva xoay quanh một “nhóm tự sát” hay “nhóm F57” đang hoạt động trên mạng xã hội VKontakte đông người dùng nhất nước. Cô cho biết nhóm này xúi giục người vị thành niên tham gia trò chơi mang tên Cá voi Xanh, khiến cho ít nhất 130 người tự sát.
Trò chơi được cho là xoay quanh mối quan hệ giữa người chơi và một “chủ nhân”. Trong khoảng 50 ngày, chủ nhân tới từ nhóm F57 sẽ liên tục giao nhiệm vụ cho người chơi, mỗi ngày một nhiệm vụ. Các nhiệm vụ ban đầu có vẻ vô hại, như thức dậy vào 4 giờ 30 sáng và xem một bộ phim kinh dị; vẽ hình một con cá voi rồi gửi cho chủ nhân; gõ dòng chữ với hastag “tôi là cá voi” trên VKontakte... Dần dần nhiệm vụ sẽ trở nên ngày một gây nguy hiểm hơn cho sức khỏe của người chơi, như dùng dao rạch 3 đường thật sâu vào cánh tay; dùng kim tiêm đâm thật nhiều nhát vào tay; dùng dao khắc hình một con cá voi lên tay.Nhiệm vụ cuối cùng, trong ngày thứ 50, là nhảy khỏi nóc một tòa cao ốc xuống đất, qua đó cũng chấm dứt luôn mạng sống của người chơi.
Vậy nếu người chơi từ chối thực hiện các nhiệm vụ có thể gây nguy hiểm cho họ thì sao? Khi ấy chủ nhân sẽ công bố, chia sẻ các thông tin cá nhân đặc biệt nhạy cảm của người chơi, khiến họ không còn mặt mũi nào để sống tiếp cuộc đời hiện tại. Và như thế, từ chỗ một trò chơi tưởng như vô hại, Cá voi Xanh hiện nguyên hình là công cụ để thành viên F57 bắt nạt và điều khiển nạn nhân làm những việc có hại cho bản thân họ.
Khỏi phải nói thông tin từ những bài viết như trên tờ Sun và nhiều tờ báo Anh, Mỹ, Italy đã gây sốc ra sao. Nhiều chính quyền đã phải ra tay can thiệp, bởi họ tin làn sóng Cá voi Xanh và các nhóm tương tự F57 không mang lại chút lợi ích nào cho thanh niên của nước mình.
Ở Bangladesh, vào tháng 10.2017, Bộ Nội địa nước này đã yêu cầu Ủy ban điều phối viễn thông (BTRC) điều tra thông tin về sự xuất hiện của trò Cá voi Xanh sau một số vụ tự sát xuất hiện trong nước. Cuối tháng đó, tòa Thượng thẩm Bangladesh đã ban lệnh cấm nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động ở trong nước cung cấp các gói kết nối đặc biệt về đêm, để ngăn hoạt động tự sát. Ở Brazil, sau một số bài báo kết nối trò Cá voi Xanh với các vụ tự sát trong nước, cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao đã lên tiếng cảnh báo người trẻ về mối nguy hiểm của trò chơi này.
Tại Trung Quốc, công ty Tencent, nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất nước, đã đóng cửa 12 nhóm hoạt động mạng có liên quan tới Cá voi Xanh trên nền tảng mạng xã hội QQ. Tencent cũng cho biết các nhóm giống như 12 nhóm này đang có chiều hướng tăng lên. Mạng xã hội QQ sau đó chặn luôn việc tìm kiếm cụm từ Cá voi Xanh. Ở Ấn Độ, trong năm 2017 báo chí đưa tin về vài vụ trẻ tự sát hoặc tự làm mình bị thương do chơi trò Cá voi Xanh. Bộ Công nghệ điện tử và thông tin sau đó đã yêu cầu nhiều công ty Internet lớn, gồm cả Google, Facebook và Yahoo, phải gỡ mọi liên kết có thể kết nối người dùng thẳng tới trò chơi.
Trên đất Iran, từ tháng 9.2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và công nghệ truyền thông Iran đã tải một tin nhắn lên mạng xã hội Instagram để cảnh báo các bậc phụ huynh và giáo viên về nguy cơ lan rộng trò Cá voi Xanh. Còn ở Italy báo chí bắt đầu đưa tin về trò chơi này từ tháng 6.2016. Nhiều bài viết đã kết nối trò chơi với vài vụ tự sát khác nhau, một số thậm chí còn được tung video lên trang LiveLeak. Làn sóng cảnh báo khiến cảnh sát quốc gia Italy phải đề nghị cung cấp dịch vụ tư vấn giải đáp thắc mắc và quan ngại cho phụ huynh cùng thanh thiếu niên ở trong nước. Tại Nga, trong ngày 26.5.2017, Duma Quốc gia đã thông qua một dự luật khiến những kẻ lập các trang ủng hộ tự sát trên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm hình sự, theo sau thông tin do báo chí đưa ra về Cá voi Xanh.
Một trò gây sốc của truyền thông?
Thực tế thì sau khi xem xét kỹ hiện tượng Cá voi Xanh, giới quan sát thấy rằng câu chuyện có thể không quá kinh khủng như những gì được viết trong tờ Novaya Gazeta, rằng trò chơi và các nhóm cổ súy cho trò này sẽ khiến ngay cả những người bình thường mất mạng nếu họ tham gia.
Theo trang Motherboard, trường hợp Cá voi Xanh đầu tiên có thể đã xảy ra từ năm 2015, khi một cô gái Nga 17 tuổi có tên Rina Palenkova chia sẻ một bức ảnh selfie lên VKontakte ngay trước khi nhảy ra trước một đoàn tàu đang chạy tốc độ cao để tự sát. Ngoài bức ảnh, chẳng có chứng cứ nào cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa Palenkova với trò chơi hay F57. Nhưng như thế đã là đủ để cộng đồng mạng thi nhau chế ảnh ăn theo Palenkova và sử dụng nó trong các diễn đàn của những người trẻ đang bị trầm cảm, tuyệt vọng và có ý nghĩ tự sát.
Phải tới tận năm 2016, với việc Novaya Gazeta xuất bản bài báo chấn động, cái tên Cá voi Xanh mới bắt đầu được báo chí đề cập tới nhiều. Chẳng ai rõ vì sao trò chơi lại được đặt cho cái tên này. Một số tờ báo cho rằng nó xuất phát từ một ca khúc do ban nhạc rock Nga Lumen sáng tác. Bài hát mở đầu bằng những câu sau: “Vì sao lại gào thét/ Khi chẳng ai nghe thấy?/ Chúng ta đang nói về gì nhỉ?” Ca khúc chạy trên hình một con cá voi xanh khổng lồ. Nhưng cũng có nguồn khác nói rằng cái tên liên hệ tới hành động tự sát của một số con cá voi xanh – vì những lý do chưa rõ ràng, chúng sẽ cố tình bơi lên bờ, mắc cạn và chết tại đó.
Trong các vụ tự sát được cho là có liên quan tới trò Cá voi Xanh ở Nga, trường hợp gây nhiều chú ý nhất là của cô gái Yulia Konstantinova, 15 tuổi và Veronika Volkova, 16 tuổi. Cả hai đều tìm đến cái chết vào cuối tháng 2 năm ngoái. Hai cô gái này đã nhảy xuống đất từ nóc một tòa nhà 14 tầng ở Ust-Ilimsk, một thị trấn nhỏ nằm tại khu vực Irkutsk, Đông Siberria. Đây là hai trường hợp có những biểu hiện rõ ràng nhất, về việc nạn nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực từ trò chơi.
Vài ngày trước đó, Konstantinova đã tải lên một bức ảnh cá voi xanh trên mạng xã hội Instagram, trong khi Volkova chia sẻ các tin nhắn chứa đầy cảm giác tuyệt vọng và trầm cảm. Theo tờ Siberian Times, hai cậu trai ghi hình vụ tự sát của hai thiếu nữ này đã bị bắt tại hiện trường và sẽ bị khởi tố với tội danh xúi giục người khác tự sát.
Cùng trong tháng 2, một thiếu niên 15 tuổi cũng tìm cách nhảy xuống từ một căn hộ chung cư cũ ở Krasnoyarsk, Siberia. Điều may mắn là cô gái trẻ rơi xuống một khu vực nhiều tuyết ở phía dưới. Điều không may là cô đã rơi vào trạng thái nguy kịch.
Các vụ như thế này, cộng với bài viết trước đó của Novaya Gazeta, khiến truyền thông Nga lên cơn sốt về Cá voi Xanh về mối nguy do các nhóm khuyến khích tự sát như F57 gây ra. Trong số đó, chỉ duy nhất có tờ Meduza đã lên tiếng chỉ trích bài báo của Novaya Gazeta, nói rằng rất khó để chứng minh mối liên quan giữa trò chơi và vấn đề tự sát trong nhóm vị thành niên. Tờ báo chỉ ra rằng Nga là quốc gia có đông người vị thành niên tự sát. Riêng năm 2013 đã có 461 người trẻ tự kết liễu mạng sống. Vì thế, sẽ chính xác hơn nếu nêu ra quan điểm các nạn nhân có vấn đề tâm lý và muốn tự sát đã bị thu hút bởi những nhóm như F57 và trò Cá voi Xanh, thay vì cho rằng trò chơi khiến họ tự sát.
Tuy nhiên, những ý kiến trái chiều như của Meduza vẫn chỉ chiếm thiểu số. Do trò Cá voi Xanh được nhiều tờ báo Nga đưa tin, nó đã gây sự chú ý tới báo chí thế giới, đặc biệt là cộng đồng báo lá cải ở Anh. Nhiều bài viết mang tính giật gân về hiện tượng này đã xuất hiện trên những tờ lá cải nổi tiếng như The Sun hay Daily Mail.
Một bài viết đăng trên trang web The Submarine của Italy, chuyên đưa tin sâu và thống kê lại về các sự kiện đang diễn ra ở Nga và thế giới, cho thấy trò Cá voi Xanh có vẻ bắt đầu lan rộng trong thế giới phương Tây tính từ tháng 2.2017 và đã được cho là nguyên nhân trong vài vụ tự sát ở Argentine, Brazil, Tây Ban Nha, Italy, dù không có bằng chứng cụ thể ủng hộ hướng giả thuyết này.
Không thể phủ nhận một điều rằng các trang khuyến khích tự sát như F57 có góp sức đẩy người ta tới chỗ chết. Tháng 11.2016, an ninh Nga bắt giữ một trong các sáng lập viên của trò Cá voi Xanh – nam sinh viên tâm lý học 21 tuổi có tên Philipp Budeikin. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Siberia Times, Budeikin đã bác bỏ con số 130 nạn nhân do tờ Novaya Gazeta đưa ra. Tuy nhiên anh này thừa nhận mình cố tình xúi giục 17 người tự sát. “Ngoài xã hội có những người tử tế và có cả những kẻ cặn bã, một cách gọi khác về những người không hề mang lại bất kỳ giá trị nào cho xã hội và chỉ gây hại. Tôi chỉ tẩy rửa những kẻ đó khỏi xã hội”, Budeikin tuyên bố.
Nhưng điều này không đồng nghĩa F57 có thể thao túng và làm hại bất kỳ ai. Chính Budeikin cũng nói rằng trò chơi của anh ta chỉ tác động được một nhóm đối tượng nhất định – những người có vấn đề về sức khỏe tinh thần: “Tôi đã nghĩ về ý tưởng của trò chơi này trong vòng 5 năm. Tôi đã nghĩ ra toàn bộ trò chơi, phân cấp về mức độ khó trong trò chơi. Đó là công cụ cần thiết để phân biệt giữa người thường và những kẻ cặn bã”.
Giải mã một hiện tượng
Nhằm chống lại tác động tiêu cực của Cá voi Xanh, một số biện pháp chống lại trò chơi này đã được triển khai trên hai mạng xã hội Instagram và Tumblr, nơi các hastag #f57 bắt đầu xuất hiện nhiều. Đơn cử như nếu người dùng gõ dòng chữ #f57 vào Instagram, một thông báo đề nghị giúp đỡ và ngăn tự sát sẽ hiện lên.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 4.2017, nhóm hacker Anonymous nổi tiếng cũng quyết định sẽ chống lại đội ngũ đầu têu trò chơi này. Họ đã triển khai một chiến dịch có tên OpBlueWhale, khuyến cáo thanh niên và người trẻ tránh không tham gia trò chơi này.
Tuy nhiên Cá voi Xanh không phải là lần đầu tiên một trò chơi được tạo ra dựa trên việc thao túng tâm lý của người chơi và để lại hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như trò Tiên lửa (Fire Fairy) cũng bắt nguồn từ Nga, đã khiến một bé gái 5 tuổi tháo dây để khí ga xả trong nhà suốt cả đêm, bởi có kẻ nào đó hứa hẹn rằng cô bé sẽ trở thành “tiên” trong ngày hôm sau. Có lẽ cô bé đã thực sự thành tiên, nhưng là ở thế giới khác.
Cách nay vài năm, “trò chơi ngạt thở” cũng gây chú ý. Người chơi sẽ tình nguyện để kẻ khác xiết cổ, hoặc tự tìm cách khiến bản thân ngạt thở, nhằm ngăn không cho não bộ nhận thêm khí ôxy. Người chơi được hứa hẹn rằng não bộ của họ sẽ rơi vào trạng thái “phê” mà không cần dùng tới ma túy, rượu hoặc chất kích thích khác. Bởi thế nên trò này còn có biệt danh là “trò chơi của các cậu trai ngoan”. Thực tế là đã có nhiều nạn nhân mất mạng vì trò chơi, thay vì có được cảm giác “phê”
Truyền thông nhanh chóng để ý tới trò chơi ngạt thở, nói rằng nó là “xu thế trên mạng mới nhất” của người trẻ, dù thực tế chẳng có gì mới trong đó. Khi ấy trang tin VICE cho biết người ta đã từng tham gia trò chơi ngạt thở từ rất sớm. Cái chết đầu tiên vì nguyên nhân “tai nạn” gây ngạt thở đã xảy ra trong những năm 1930.
Tương tự là câu chuyện về Slender Man. Đây là một nhân vật giả tưởng được tạo ra vào năm 2009 trong một cuộc thi trên mạng, tại một diễn đàn trên trang web hài hước Something Awful – đã nhanh chóng trở thành một huyền thoại bí ẩn trên Internet. Nhân vật này sau đó được cho là nguyên nhân gây ra một vụ âm mưu giết người trong năm 2014 ở Wisconsin, Mỹ, khi hai thiếu niên 12 tuổi dụ bạn vào trong rừng và đâm nạn nhân 19 nhát dao để “gây ấn tượng” với Slender Man.
Cần lưu ý rằng trong tất cả các vụ việc Cá voi Xanh diễn ra bên ngoài Nga, không một vụ nào có sự thể hiện thật sự rõ ràng cho thấy nạn nhân chịu ảnh hưởng hoàn toàn từ trò chơi này. Bác sĩ Shannon Barnett, trợ lý giảng dạy môn tâm lý và khoa học hành vi tại Trường y Đại học Johns Hopkins, cho trang tin Motherboard biết qua thư điện tử rằng trong khi trò chơi làm tăng nguy cơ đẩy những người trẻ có vấn đề về tinh thần tới chỗ nguy hiểm, không có lý do hoặc cơ sở nào để thấy trò chơi có thể tác động những người vị thành niên bình thường, tới chỗ họ tự gây thương tích tới bản thân hoặc nảy sinh ý nghĩ tự sát.
“Đại đa số người vị thành viên có những suy nghĩ (về việc gây thương tích cho bản thân hoặc tự sát) đều mắc những bệnh về tâm thần và chưa qua điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan tới trầm cảm hoặc rối loạn do căng thẳng, lo lắng”, Barnett nói. Bà cho biết thêm rằng dù sẽ có ích nếu người vị thành niên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè cùng trang lứa trên mạng, có một nguy cơ là người giúp đỡ cũng thiếu các kỹ năng và kiến thức trợ giúp cần thiết. Bà nhấn mạnh rằng người vị thành niên có suy nghĩ tự sát hoặc đã thực hiện các hành vi tự gây thương tích cho bản thân cần được khuyến khích, khuyên giải đi tới cơ sở điều trị, để được sự chăm sóc, cứu chữa từ một bác sĩ tâm thần.
Có một thực tế không thể phủ nhận là trên mạng vẫn có nhiều góc khuất, nơi tự sát là chủ đề được thảo luận công khai. Trong phần lớn trường hợp, nếu có sự điều phối hợp lý, các điểm thảo luận này sẽ đóng vai trò trung tâm tư vấn, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn về tâm lý. Và như thế, trò chơi Cá voi Xanh khủng khiếp như truyền thông đưa tin lâu nay có thể chỉ là một sản phẩm được tạo ra với mục tiêu giật gân câu khách, không đến nỗi đáng sợ như người ta vẫn tưởng.
Trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 4.2017, nhóm hacker Anonymous nổi tiếng cũng quyết định sẽ chống lại đội ngũ đầu têu trò chơi này. Họ đã triển khai một chiến dịch có tên OpBlueWhale, khuyến cáo thanh niên và người trẻ tránh không tham gia trò chơi này.
8 cách tránh trở thành con mồi của trò chơi chết người \'Cá voi xanh\'
Không tùy tiện cung cấp thông tin cá nhân hay trang bị kiến thức về các trào lưu nguy hiểm là những cách giúp người ... |
Thế giới đã đối phó thế nào với hiểm họa chết chóc \'Cá voi xanh\'?
Trước số nạn nhân của "Cá voi xanh" ngày càng gia tăng, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các biện pháp đối ... |
Cái giá phải trả cho kẻ xúi giục người khác chết vì \'Cá voi xanh\'
Những kẻ cầm đầu trò chơi nguy hiểm này đều phải nhận kết cục chung: Bị pháp luật trừng phạt và cả xã hội lên ... |