Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một văn bản của Sở GD-ĐT Hà Nội ký, đề xuất cho học sinh từ mầm non đến cấp THPT nghỉ học từ 17/2 để phòng chống dịch Covid-19.
Theo văn bản này, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm đảm bảo cho học sinh, các em chưa đủ ý thức, hạn chế về kỹ năng phòng ngừa, đồng thời hạn chế việc tập trung đông người, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Do đó, Sở GD-ĐT trình UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt cho học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, trung cấp chuyên nghiệp; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tạm dừng đến trường nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Về thông tin này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, văn bản trên do ông ký ngày 14/2/2021.
"Thời điểm đó, do Sở GD-ĐT chỉ có Phó giám đốc phụ trách, chưa có Giám đốc nên tôi, với cương vị Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đã thừa ủy quyền và ký văn bản này. Lúc ấy, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, Sở GD-ĐT Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội cho phép học sinh tạm dừng đến trường và học trực tuyến. Lợi dụng tâm lý của phụ huynh học sinh nên tròn một năm sau, nhiều người không để ý ngày phát hành đã vội vàng chia sẻ văn bản, gây hoang mang lo lắng", ông Tiến nói.
Hiện tại, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở 12 quận nội thành và học sinh từ tiểu học đến cấp THPT của 18 huyện, thị xã trên địa bàn vẫn đang học trực tiếp ở trường bình thường.
"Sở GD-ĐT Hà Nội không hề có văn bản nào đề xuất lên UBND TP Hà Nội xin cho học sinh phổ thông nghỉ học ở thời điểm này", ông Tiến khẳng định.
Để đảm bảo việc học trực tiếp ở các trường diễn ra an toàn, mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các nhà trường lưu ý một số nội dung khi tổ chức dạy và học trực tiếp.
Theo đó, đơn vị này yêu cầu các nhà trường cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với thực tiễn; sắp xếp lại chương trình, kế hoạch dạy học theo nội dung điều chỉnh, tinh giản và bảo đảm thích ứng; đánh giá, phân loại kết quả học trực tuyến, học qua truyền hình của học sinh.
Căn cứ kết quả rà soát việc học tập online (trực tuyến), học qua truyền hình, nhà trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh…
Trước đó, hơn 500.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội đã tới trường học trực tiếp sau hơn 9 tháng phải học trực tuyến do dịch COVID-19 vào sáng 10/2.
Như vậy, trong số 2,2 triệu học sinh và trẻ mầm non ở Hà Nội, hơn một nửa đã trở lại trường. Dự kiến, các em lớp 1-6 ở nội thành, nhóm học sinh phổ thông cuối cùng vẫn đang học trực tuyến, cũng được đến trường từ 21/2. Sau đó, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và kết quả học trực tiếp của các khối, lớp, thành phố sẽ cho trẻ mầm non đi học.
PV (th)
Giáo viên gọi học trò là "con" có gì mà phải cấm? |
Học sinh TP.HCM nghỉ học đến 28/2 do dịch COVID-19 là tin giả |
Học sinh, sinh viên trở lại trường học trực tiếp: Tự tin thích ứng an toàn |