Một trong những sự kiện nóng của bóng đá VN thời gian gần đây là VFF nhận gói tài trợ từ Công ty cổ phần sữa VN (Vinamilk) nhưng bị cho là đã để mất một khoản tiền lớn (18 tỉ đồng) vì phải chi cho đơn vị trung gian.
Lễ ký kết tài trợ giữa Vinamilk và VFF. Ảnh: Minh Hoàng |
Xin được nói rõ hơn, Công ty cổ phần truyền thông và đầu tư Nam Hương (viết tắt là NH) là đối tác mới của VFF, bên cạnh những đối tác truyền thống khác như Công ty Densu của Nhật Bản. Densu khai thác tài trợ cho 3 đội tuyển quốc gia của VFF nhiệm kỳ 7 và đã ký mới hợp đồng tài trợ trang thiết bị cho
10 đội tuyển với giá trị gần 8 tỉ đồng/năm trong thời hạn 5 năm (2015 - 2019). Còn thông qua đối tác là NH, VFF ký hợp đồng 3 năm để Vinamilk trở thành nhà tài trợ chính cho đội tuyển bóng nam, nữ quốc gia; đội U.22, U.23, Olympic VN. Ngoài tiền mặt, Vinamilk còn hỗ trợ dinh dưỡng cho các đội tuyển nói trên. Theo nguồn tin của Thanh Niên, gói tài trợ trị giá có thể không dưới 60 tỉ đồng.
Giải thích lý do VFF không trực tiếp đi tìm tài trợ mà phải thông qua đơn vị trung gian, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, nói: “VFF lựa chọn, hợp tác với những công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp là việc làm cần thiết để cùng phân tích, đánh giá sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với thực tiễn và họ không chỉ thực hiện vai trò môi giới tiếp thị các gói tài trợ trong bóng đá mà còn đóng vai trò quản trị thương hiệu, đảm bảo công tác thực hiện quyền lợi marketing cho các nhà tài trợ trong suốt thời hạn hợp đồng nhằm đảm bảo sự hài lòng của các bên. Với sự hợp tác cùng các công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp, VFF có điều kiện để tập trung, tăng cường hoạt động chuyên môn một cách tốt nhất”.Trước ý kiến về việc VFF “mất” 18 tỉ đồng khi ký hợp đồng tài trợ, ông Lê Hoài Anh nói: “Cách đặt vấn đề như vậy sẽ khiến dư luận hiểu chưa đúng bản chất của sự việc. VFF vừa ký kết hợp tác với một trong những thương hiệu lớn nhất VN với thời hạn 3 năm, giá trị hợp đồng khá lớn để đầu tư cho bóng đá mà chúng tôi không phải lo toan tới công tác truyền thông, nhân sự, tổ chức thực hiện quyền lợi dành cho đối tác tài trợ, bởi những việc này được thực hiện bởi một công ty tiếp thị thể thao chuyên nghiệp. Đây là sự hợp tác rất sòng phẳng, minh bạch cho cả ba bên”.
Trả lời câu hỏi của báo chí: “Vì sao Vinamilk không ký trực tiếp với VFF mà phải qua công ty trung gian, dẫn đến việc đơn vị này được hưởng phần trăm từ hợp đồng giữa Vinamilk và VFF?”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, nói: “Trong hơn 40 năm hình thành và phát triển, chúng tôi luôn hướng đến sứ mệnh “Vì một VN vươn cao”. Đồng hành với bóng đá VN, tôi tin rằng các đội tuyển quốc gia, U.23 và tuyển nữ VN nói chung sẽ chinh phục được những thành tích cao hơn nữa, nếu các tuyển thủ được đào tạo bài bản, đầu tư chu đáo và xây dựng nền tảng thể lực vững chắc để bứt phá. Thông tin về việc hoa hồng môi giới tôi không biết. Nhưng điều chúng tôi cần là quyền lợi của mình về mặt hình ảnh, thương hiệu trong sự hợp tác này phải được đảm bảo cùng với sự tiến bộ của bóng đá VN”.
Khi được hỏi nhận lại số tiền lớn này từ VFF có phải chỉ đơn thuần là “công lao” môi giới, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng giám đốc Công ty NH, trả lời: “Chúng tôi đồng hành với VFF không chỉ ở công tác tổ chức thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà tài trợ mà còn chia sẻ chi phí tổ chức các sự kiện liên quan đến hợp đồng tài trợ, cũng như các chi phí giám sát việc thực thi các điều khoản của hợp đồng tài trợ trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi các đối tác tài trợ cũng như của VFF”.
Về việc VFF phải chi đậm hoa hồng môi giới cho Công ty NH liệu có hợp lý hay không, ông Mai Trần (Đoàn luật sư Yên Thịnh) cho biết: “Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) cũng như điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập DN quy định rõ, chi phí hoa hồng môi giới được xác định là chi phí hợp lý và đây là khoản tiền trả cho người làm môi giới cho các hoạt động kinh doanh của DN. Năm 2014, điều 1 Luật số 71/2014/QH13 ngày 26.11.2014 của Quốc hội khóa 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập DN số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung như sau: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, hỗ trợ chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 15% tổng số chi được trừ. Nghĩa là chi phí hoa hồng môi giới hiện nay không bị khống chế về định mức nữa. VFF có quyền chi hoa hồng vì luật pháp cho phép, phụ thuộc vào thỏa thuận có thể giữa ba bên gồm VFF, Vinamilk và Công ty NH. Công ty NH, theo quy định của pháp luật, là công ty có tư cách pháp nhân và có nguồn thu nhập từ khoản chi phí hoa hồng (nếu có) nên phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, gồm 10% thuế giá trị gia tăng và 20% thuế thu nhập DN. |
HLV Park Hang Seo hoãn đàm phán với VFF, mừng mà lo
HLV Park Hang Seo cho hay ,việc đàm phán hợp đồng của ông với VFF được lùi lại tới tháng 10, liệu đây là tin ... |