Thủ Thiêm, rồi sẽ làm gì tới đây?

Vụ Thủ Thiêm không được xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những hành vi vi phạm pháp luật tương tự.

Gần đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, thành phố và quận 2 đang “chạy đua quyết liệt” trong hai tuần còn lại của tháng 7 để hoàn thành các phương án giải quyết tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

“Trong tháng 7 này sẽ phải xong vấn đề về Thủ Thiêm, vì vậy TP và quận 2 đang quyết liệt triển khai trong hai tuần còn lại. Thời gian này phải gặp các hộ dân để thoả thuận và chốt phương án bồi thường” - lời Bí thư Nhân được VietNamNet trích dẫn gần đây. 

 Ngày 4/6/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 367, phê duyệt Quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn với diện tích 930 ha. 

Theo quy hoạch, Thủ Thiêm sẽ là quận trung tâm của TP. Hồ Chí Minh, với khu trung tâm thương mại, tài Chính; vai trò của Thủ Thiêm đối với Thành phố này được ví như Mahattan của TP. New York, Hoa Kỳ.    

Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, các sở ngành và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã không thực hiện đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do vậy bị nhân dân phản đối quyết liệt.  

Tình trạng người dân khiếu kiện càng trở nên căng thẳng, gay gắt khi Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Đua ký Quyết định số 6565, ngày 27/12/2005, thay thế Quyết định số 367 của Thủ tướng, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KĐTM Thủ Thiêm. 

Điều 2, Quyết định số 6565 nêu rõ: “Quyết định này thay thế Quyết định số 367, ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ”. Đây là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng cả về Luật ban hành văn bản và nội dung của văn bản, khi Phó chủ tịch một thành phố ký quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng Chính phủ! 

Theo đó, quy hoạch KĐTM mới Thủ Thiêm bị thay đổi rất nhiều so với quyết định phê duyệt ban đầu của Thủ tướng. 

Thủ Thiêm, rồi sẽ làm gì tới đây?

Đặc biệt tháng 5/2018, những người có trách nhiệm của TP. Hồ Chí Minh và đại diện một số bộ ngành cho rằng bản đồ quy hoạch kèm theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng KĐTM Thủ Thiêm bị “mất”. 

Trước thực trạng đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc thanh tra KĐTM Thủ Thiêm và đã ban hành Thông báo kết quả kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 7/9/2018  và Thông báo kết luận thanh tra ngày 26/6/2019. Hai văn bản này của TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm rất nghiêm trọng. 

Ví dụ, việc thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong KĐTM Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc làm này đã xâm phạm nghiêm trọng đất đai, tài sản của người dân. 

Đặc biệt, với việc chuyển 160 ha đất khu tái định cư thành đất thương mại dịch vụ, UBND Thành phố đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư, phá vỡ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân, dẫn đến tình trạng người dân khiếu nại kéo dài; kế hoạch đầu tư xây dựng KĐTM Thủ Thiêm bị đình trệ. 

 

 

Toàn bộ quỹ đất trong KĐTM Thủ Thiêm hơn 221 ha được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng UBND Thành phố đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư; các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này không thông qua hình thức đấu thầu; giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua đấu giá, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất. 

Việc UBND Thành phố phê duyệt và điều chỉnh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu đô thị Thủ Thiêm và tái định cư trị giá 38.679 tỉ đồng là không đúng thẩm quyền theo các quy định có hiệu lực vào thời điểm đó. 

Ủy ban nhân Thành phố đã tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định; không hoàn trả tạm ứng hằng năm theo Luật ngân sách với tổng giá trị hơn 26.000 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận. 

Một vi phạm pháp luật khác tuy chưa nêu trong hai kết luận của TTCP nhưng để lại hậu quả nặng nề, đó là tất cả các sở, ngành chức năng TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành chức năng cùng để “mất” bản đồ kèm theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg. Vụ việc bất thường, vô lối này làm cho nhân dân hoài nghi, mất niềm tin và vô cùng bất bình, nhưng rất tiếc, lại không được kết luận, quy trách nhiệm. 

Qua quá trình diễn biến ở KĐTM Thủ Thiêm và kết luận của TTCP cho thấy các sở, ngành chức năng và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã vi phạm hàng loạt văn bản pháp luật. Gồm Luật Đầu tư, Luật Tài Chính, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật ban hành văn bản. 

Trong đó, có nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự. Đặc biệt, là việc thay đổi ranh quy hoạch 4.3 ha đất để cưỡng chế phá dỡ nhà, thu hồi đất trái pháp luật của hàng trăm hộ dân; và chuyển 160 ha đất Khu tái định cư đã được Thủ tướng phê duyệt thành đất dịch vụ thương mại, đã xâm phạm lợi ích hợp pháp của hàng chục nghìn hộ dân. 

Không những vậy,  hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng ở KĐTM Thủ Thiêm là có tính toán, có tổ chức, kéo dài trong nhiều năm, liên quan tới nhiều sở ngành và lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh. Những sai phạm đó mặc dù bị nhân phản đối, khiếu kiện kéo dài và được báo chí phê phán, phản ánh nhưng không khắc phục sửa chữa. 

Có thể khẳng định, những sai phạm ở KĐTM Thủ Thiêm nghiêm trọng hơn bất kỳ một đại án kinh tế nào từ trước tới nay ở Việt Nam cả về quy mô, mức độ, tính chất vi phạm; đối tượng, số lượng người vi phạm; và hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi vậy không thể không khởi tố hình sự những hành vi vi phạm pháp luật vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này. 

Nếu không, nó  sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những hành vi vi phạm pháp luật tương tự; làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của nhân nhân dân đối với sự nghiêm minh của pháp luật nước nhà. 

Chính người dân Thủ Thiêm dù chịu rất nhiều tổn thất về kinh tế và tinh thần, nhưng vấn đề quan trong nhất với họ không chỉ là quyền lợi của mỗi hộ gia đình bị thiệt hại mà trước hết phải tìm ra gốc rễ sâu xa của đại án này và xử lý nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật: “Chúng tôi cần Thanh tra Chính phủ làm rõ các sai phạm của lãnh đạo, sau đó làm rõ vấn đề ranh quy hoạch rồi mới đến đền bù cho dân". [2] 

Bởi vậy, để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và cũng để minh chứng với nhân dân, rằng không có vùng cấm trong chống tham nhũng, tiêu cực thì phải công khai, minh bạch và phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can những tổ chức, cá nhân sai phạm trong triển khai thực hiện Dự án KĐTM Thủ Thiêm.

TP.HCM hướng dẫn người dân Thủ Thiêm khiếu nại
Bàn giao 5.000 m2 đất quốc phòng để thi công cầu Thủ Thiêm 2
TP.HCM lên kế hoạch xử lý cán bộ sai phạm vụ Thủ Thiêm

/ vietnamnet.vn