Thu phí BOT đường 5 đúng quy định: Sao dân phản đối?

 "Khi người dân phản ứng thì cơ quan nhà nước cần phải xem lại. Sai thì phải sửa, phải minh bạch, công khai chứ không thể nói đúng quy trình".

Vừa đá bóng vừa thổi còi?

Ngày 6/9, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc tổ chức thu phí trên QL 5 là đúng quy định, mức phí áp dụng đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Trước đó, khi vấp phải phản ứng của người dân và lái xe tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ GTVT cũng khẳng định, trạm được nghiên cứu kỹ, tuân thủ quy định của pháp luật, đã xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của địa phương cũng như đơn vị liên quan.

Người dân đồng loạt trả tiền lẻ tại các trạm thu phí

Tuy nhiên người dân và dư luận vẫn không đồng tình với giải thích của Bộ GTVT đồng thời đề nghị phải di dời, thậm chí xóa bỏ trạm thu phí.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học GTVT Hà Nội khẳng định bản thân không quá ngạc nhiên trước phản ứng từ phía người dân.

Lý giải tình trạng này, ông Sùa cho rằng BOT của Việt Nam lúc lập dự án không tính hết được các yếu tố ảnh hưởng. Trong đó có sự đồng thuận của người tham gia giao thông, nhất là người dân ở xung quanh trạm thu phí.

Lấy riêng trường hợp thu phí tại QL 5, ông Sùa khẳng định việc này xét về khía cạnh kinh tế là sai nguyên tắc.

Theo vị chuyên gia, Bộ GTVT không thể cho chủ đầu tư lấy dự án này bù cho dự án khác. Bởi lẽ đây là 2 dự án độc lập và hoàn toàn khác nhau.

“Các bên nói đúng quy trình, quy định của Bộ GTVT, Bộ Tài chính về mức thu khi qua trạm. Tuy nhiên vì sao người dân vẫn không đồng tình?”, ông Sùa đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cho rằng, những bức xúc của người dân tại trạm thu phí QL 5 xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trước khi cao tốc Hà Nội–Hải Phòng đi vào hoạt động, mức thu phí tại đây chỉ khoảng 10.000 đồng. Tuy nhiên sau khi đường cao tốc đi vào hoạt động, với chủ trương bù lưu lượng đường cao tốc không đạt như mong muốn, các cơ quan nhà nước đã tăng phí đường 5 cũ lên 45.000 đồng.

“Chúng ta không thể muốn tăng bao nhiêu thì tăng bấy nhiêu. Việc này cần phải tính toán đến quyền lợi của người dân”, ông Sùa nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng mức phí người dân phải trả quá cao nhưng chất lượng đường, dịch vụ chưa tương xứng với số tiền bỏ ra.

“Chúng ta không lường trước được các vấn đề xã hội mà BOT mang lại. Chẳng hạn như: vị trí đặt trạm ra sao? Mức phí tính và thời gian thu thế nào? Người dân sống xung quanh trạm bị ảnh hưởng ra sao? Những yếu tố trên làm không tốt và không thuyết phục được người dân. Điều này tạo nên hiệu ứng Cai Lậy, hiệu ứng của Bến Thủy, cầu Hạc Trì”, ông Sùa nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng sở dĩ người dân tại nhiều địa phương phản ứng trước giải thích của Bộ GTVT là do hiện nay đang tồn tại tình trạng BOT thật và BOT giả.

Theo ông Thám, tại nhiều địa phương, các nhà đầu tư không đầu tư toàn bộ tuyến đường mà chỉ dừng lại ở việc dải nhựa, nâng cấp lại nhưng vẫn thu phí. Hoặc xuất hiện những trường hợp, dồn người dân từ đường hay đi vào đường BOT để thu phí.

“Khi làm BOT phải phát huy tính ưu việt và phát triển giao thông hạ tầng. Chỗ nào thật sự cần thì mới kêu gọi BOT và phải làm sao để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân khu vực xung quanh trạm. Tuy nhiên các dự án BOT của chúng ta thời gian qua đều cho thấy những vấn đề bất cập đó.

Sở dĩ các Bộ, ngành nói đúng quy định mà dân vẫn phản ứng, theo tôi là do các Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Anh vừa đưa ra quy định anh lại vừa là người thực hiện thì làm sao mà khách quan được. Việc dân phản ứng là điều đương nhiên”, ông Thám nhấn mạnh.

Ủng hộ đi chừng nào BOT trả tiền chừng đó

PGS.TS Nguyễn Đình Thám cũng nhắc đến kiến nghị người dân sử dụng đường BOT chừng nào sẽ trả tiền chừng đó của Sở GTVT Quảng Trị.

Theo ông Thám, cần xác định rõ tinh thần khi làm các dự án BOT, đó là dân đi bao nhiêu km thì thu tiền bấy nhiêu. Không thể mượn cớ BOT để thu tiền những chỗ người dân không đi.

“Việc Quảng Trị tuyên bố như vậy là đúng. Nếu các Bộ, ngành có lương tâm thì phải sửa sai. Phải tính phí trên tuyến đường người dân đi. Làm như vậy mới đúng và khiến cho cuộc sống của người dân tốt hơn”, ông Thám nhấn mạnh.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa cũng đồng tình với kiến nghị về mức thu phí của Sở GTVT Quảng Trị với các dự án BOT.

Vị chuyên gia cho rằng, phí dịch vụ cần phải theo số lượng và chất lượng. Chất lượng các đường cao tốc có thể coi như giống nhau. Tuy nhiên số lượng thì cần phải hết sức rõ ràng để so sánh.

“Người dân đi 30 km mà bắt trả đoạn đường 70 km là bất hợp lý. Đường xấu đường 2 làn mà vẫn thu giống đường tốt, đường 4 làn thì làm sao dân chả bức xúc. Đoạn nào người dân sử dụng thì sẽ trả phí, chỗ nào không đi thì không được phép thu tiền”, ông Sùa nói.

Vị chuyên gia nhận định, thông thường khi xây dựng đường cao tốc, người ta sẽ chia ra nhiều nhánh rẽ. Tuy nhiên chúng ta lại không làm vậy và lợi dụng khoảng cách giữa 2 trạm để thu phí.

Do đó muốn thay khiến dân đồng thuận hơn với việc thu phí thì các Bộ, ngành khi triển khai dự án cần yêu cầu chủ đầu tư chia ra các đoạn nhỏ để tính phí cho người dân, phương tiện một cách chính xác nhất.

"Khi người dân phản ứng thì cơ quan nhà nước cần phải xem lại. Sai thì phải sửa, phải minh bạch, công khai chứ không thể nói đúng quy trình. Nhiều vấn đề đúng quy trình nhưng vẫn không được xã hội chấp nhận", ông Sùa nêu quan điểm.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thu-phi-bot-duong-5-dung-quy-dinh-sao-dan-phan-doi-3342566/)

/ Theo Hà Hoàng/Báo Đất việt