“Thủ phạm” nào khiến thị trường chứng khoán liên tục “cắm đầu” lao dốc?

Thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trong bối cảnh các tin tức xấu trên thị trường đã bão hòa, vĩ mô vẫn ổn định khiến nhiều nhà đầu tư “ngơ ngác”, không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Áp lực call margin lớn

Chỉ trong 11 phiên trở lại đây, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 118 điểm, với 4 phiên liên tục giảm trên 20 điểm, lùi về mốc thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Vốn hóa sàn HOSE cũng “bốc hơi” hơn 461.200 tỉ đồng (hơn 20 tỉ USD) trong cùng khoảng thời gian. Tài khoản nhiều nhà đầu tư đang lãi giờ âm sâu nhiều chục phần trăm.

Lý giải về việc thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích chiến lược Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cho biết nguyên nhân đến từ cả bối cảnh quốc tế và trong nước.

Trong đó, nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới thời gian này cũng không mấy thuận lợi trong bối cảnh lạm phát lên cao và các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ.

thi-truong-chung-khoan-8851
Nhóm cổ phiếu đầu cơ chịu áp lực call margin lớn

Đối với thị trường trong nước, những phiên trước đó thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ những thông tin tiêu cực liên quan đến một số doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, 3 phiên trở lại đây thì thấy rõ hiệu ứng của áp lực call margin.

Theo đó, một số công ty chứng khoán call margin, và hạ tỷ lệ margin ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trước đây có thể nhiều mã được cấp tỷ lệ 50%, nay sẽ giảm về các mức 20-40%. Điều này ảnh hưởng lớn đến dòng tiền đối với nhóm cổ phiếu vốn tăng “nóng” suốt thời gian vừa qua, khiến tác động ngay lập tức đến giá cổ phiếu.

Trong các phiên giảm sâu trước đó, áp lực force sell (thanh lý bắt buộc) thường diễn ra trong phiên chiều, khiến các chỉ số quay đầu lao dốc mạnh. Đơn cử như trong phiên hôm qua (19/4), hiện tượng force cell xuất hiện ngay lập tức trong phiên chiều khi thanh khoản phiên sáng rất yếu dù thị trường tăng điểm.

“Khi các công ty chứng khoán đã chuẩn bị nhiều tài khoản force cell, họ nhìn thanh khoản vậy họ cũng sợ, buộc họ phải bán ra khi thị trường còn chưa tiêu cực. Và khi họ bán ra trong bối cảnh cầu yếu như vậy, đã gây hiệu ứng domino, khiến thị trường cắm đầu” – ông Minh nhận định.

Đối với phiên giao dịch hôm nay (20/4), theo quan sát của vị chuyên gia, hiện tượng force cell đã xảy ra ngay trong phiên sáng chứ không đợi điến phiên chiều như những phiên trước đó. Điều này khiến VN-Index có lúc mất tới hơn 11 điểm. “Nguyên nhân có lẽ là do các công ty chứng khoán lo ngại thị trường sẽ tái diễn như hôm qua nên họ tranh thủ “chạy” trước” – ông Minh cho hay.

Dòng tiền bắt đáy đang chờ

Trả lời câu hỏi liệu thị trường sẽ diễn biến ra sao thời gian tới, ông Minh cho rằng, có thể kỳ vọng thị trường hồi phục từ mức nền 1.400 điểm, do đây là mức nền khá vững chắc và có thể sẽ có dòng tiền giải ngân.

Theo ông, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, mức của P/E thị trường đâu đó khoảng trên 13,5, tương đương trung bình giai đoạn 2016 đến nay. Đây là mức rất thấp và so với trung bình P/E trong khu vực thì Việt Nam đang là thấp nhất.

Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, nhiều cổ phiếu rơi vào trạng thái quá bán rất mạnh. “Chỉ số P/E và trạng thái quá bán đang ngang bằng với giai đoạn tháng 1, tháng 3 hay tháng 11 năm 2021. Tôi nghĩ vùng 1.400 sẽ khá vững” – ông Minh nói.

Cùng với đó, theo ông, với 4 phiên giảm mạnh vừa qua phần nào lượng margin đã được “tiêu hóa” tương đối, nghĩa là áp lực call margin cũng đã giảm. Ngoài ra, chứng khoán Mỹ có phiên hồi phục có thể phần nào cũng củng cố tâm lý nhà đầu tư.

Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ những cổ phiếu đã giảm mạnh 40-50% trong tài khoản, theo ông Minh, chiến lược là nhà đầu tư nên hạ margin về bằng 0. Còn nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu bằng “tiền tươi” thì có thể tạm thời nắm giữ, chờ các nhịp hồi để giải quyết vấn đề giảm lỗ.

“Thường những thời điểm giảm sâu như thế này thì tiền bắt đáy sẽ vào, nhất là trong bối cảnh thị trường vĩ mô cũng không có vấn đề gì” – ông Minh nói.

Theo ông Minh, nhìn xa hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể diễn biến giống thị trường Trung Quốc thời gian qua. “Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã có những động thái chấn chỉnh thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng giảm rất mạnh nhưng sau đó đi ngang trong giai đoạn vừa rồi. Có nghĩa là nó tích lũy tạo mặt bằng giá, sau đó mới xác nhận xu hướng mới. Tôi nghĩ có lẽ thị trường Việt Nam cũng sẽ xảy ra một xu hướng như vậy” – vị chuyên gia nhận định.

Sau cơn mưa trời lại sáng!

Chia sẻ trên facebook cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nguyên nhân chính của đà giảm trên thị trường chứng khoán là do chính sách thắt chặt tiền tệ trên thế giới.

nguyen-duy-hung-1683
Ông Nguyễn Duy Hưng

“Khi tăng lãi suất giá vốn không còn rẻ thì thị trưởng chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Đây mới chính là nguyên nhân của xu thế thị trường khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường. Việc cơ quan chức năng kiểm soát giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trưởng thế giới.

Từ đầu năm tới nay, VNIndex giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6,4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hang Seng giảm 9,7%, Trung Quốc giảm 16,5% ….

Theo thống kê thì sau khi tăng lãi suất, thì 2 tháng đầu thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất.

Theo Bloomberg, P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho 2022 đang là tầm 13,5,