Thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất phải đền bù: Ai sai?

Việc đền bù khi thu hồi sân golf phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật.

Thiếu minh bạch...

Ông Trần Văn Tĩnh, phó Chủ tịch HĐQT Lobico, ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khẳng định với báo chí sẵn sàng bàn giao sân golf Tân Sơn Nhất tuy nhiên nhà nước phải đền bù xứng đáng cho doanh nghiệp vì dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, được các Bộ, ngành phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch Hội cựu chiến binh TP.HCM - ĐBQH đoàn TP.HCM cho rằng việc này cần phải thực hiện đúng theo các quy định và trình tự của pháp luật.

Tuy nhiên ông Chương khẳng định, đây là một dự án không hợp lòng dân và làm không công khai, minh bạch. Cho nên hiện nay nhiều ý kiến yêu cầu thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất để phục vụ việc mở rộng, cải tạo sân bay.

Dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất không hợp lòng dân. Ảnh: TTO

“Tôi thấy doanh nghiệp làm sân golf hơi mạo hiểm. Sân golf nằm trong khu vực đất quốc phòng và giữa sân bay Tân Sơn Nhất. Không ai đem sân golf đặt trong lòng sân bay. Những giải thích đưa ra tôi thấy tất cả đều là ngụy biện.

Doanh nghiệp nói làm đúng theo luật nhưng tôi thấy ở phía sau lại là những vấn đề khác, tính toán từng bước chiếm dụng đất sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Chương nhấn mạnh.

Theo ông Chương đất quốc phòng thuộc sở hữu của nhà nước nên trường hợp cơ quan, cá nhân nào ký cho doanh nghiệp cho thuê sai luật thì phải chịu trách nhiệm.

“Việc này phải do tòa án, pháp luật xử ký. Sân golf để trong dân như thế là không hợp lý. Doanh nghiệp yêu cầu bồi thường nhưng có thực hiện hay không lại căn cứ vào pháp luật”, ông Chương nói thêm.

Phải rà soát lại hồ sơ pháp lý

Ông Trần Anh Tuấn – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, ĐBQH TP.HCM cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiến hành rà soát lại các văn bản giấy tờ, hồ sơ pháp lý của dự án sân golf Tân Sơn Nhất.

Nếu như đầy đủ về thủ tục pháp lý thì theo quy định khi thu hồi lại nhà nước phải tiến hành bồi thường dựa trên mức nhà đầu tư bỏ ra ban đầu.

“Nếu không thống nhất được thì phải đưa ra tòa. Phía tòa án sẽ xem xét, cân nhắc và coi những tình tự sai sót là do phía nào. Từ đó tòa sẽ tính toán chi tiết việc xử lý”, ông Tuấn nói.

Về việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể nếu có sai phạm trong việc xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất, ông Tuấn yêu cầu cần phải tách riêng ra. Việc này theo trình tự xử lý vi phạm và tách bạch riêng với việc đền bù.

“Ai sai phạm ở mức độ nào thì cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xử lý ở mức độ đó”, ông Tuấn khẳng định.

Đối với dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ông Tuấn cho rằng chúng ta có thể xã hội hóa hay triển khai theo hình thức PPP. Chi phí đền bù có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Nhà đầu tư khai thác sân bay có thể góp vốn cùng với vốn của cơ quan chức năng có thẩm quyền xây dựng sân bay.

“Việc thu hồi sân bay Tân Sơn Nhất như thế nào thì Thủ tướng đã giao cho các bên như Bộ GTVT, UBND TP.HCM có phương án cân nhắc để báo cáo Thủ tướng vào cuối năm nay. Các bên hiện đang làm việc này.

Tuy nhiên phải tính đến việc xây dựng, mở rộng sân bay bằng nguồn vốn nào. Vốn từ xã hội hóa, từ ngân sách nhà nước hay vay? Sau đó chúng ta sử dụng nguồn vốn đó để phục vụ việc đền bù và giải tỏa theo quy định hiện hành”, ông Tuấn nêu quan điểm.

(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/thu-hoi-san-golf-tan-son-nhat-phai-den-bu-ai-sai-3342099/)

Theo Hoàng Hà/Báo Đất việt