Theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số trường hợp thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá thì phải thực hiện theo cơ chế tự thoả thuận với người sử dụng đất
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà vừa có báo cáo trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội (QH) khóa XIV trong đó đáng chú ý là lĩnh vực đất đai.
Bổ sung trường hợp không đấu giá đất
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ này đã triển khai các đoàn khảo sát thi hành Luật Đất đai năm 2013 tại các tỉnh: Cần Thơ, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang. Trên cơ sở đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bộ TN-MT đã xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 (gọi tắt là Luật Đất đai sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án luật tại Nghị quyết 138 ngày 31-12-2017.
Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung gồm: Quy định rõ thẩm quyền thực hiện các quyền của nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu về đất đai và cơ chế phân cấp, ủy quyền cụ thể trong Luật Đất đai; các chế tài xử lý nếu có vi phạm trong thực hiện các quyền này; rà soát, quy định cụ thể về việc phân loại đất nông nghiệp khác, đất phi nông nghiệp khác vào điều 10 của Luật Đất đai để làm cơ sở quy định chế độ quản lý, sử dụng phù hợp; sửa đổi, bổ sung quy định về người sử dụng đất.
Đặc biệt, Bộ TN-MT đề xuất hoàn thiện và bổ sung quy định cụ thể về , thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất. "Bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng như: thu hồi đất để thực hiện dự án khu đô thị mới, khu nhà ở; sử dụng đất của dự án có vốn đầu tư nước ngoài..." - báo cáo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng đề xuất bổ sung quy định đối với các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng, nếu có nhu cầu thì thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
Đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung vào điều 73 quy định về cơ chế xử lý đối với trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với chủ sử dụng đất để nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn quyền sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa luật theo hướng quy định mọi trường hợp tranh chấp đất đai đều do TAND giải quyết. Ảnh: TẤN THẠNH
Khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài
Luật Đất đai sửa đổi cũng đề xuất bổ sung các trường hợp cụ thể để chuyển mục đích sử dụng đất phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích vào điều 57 và điều 58 của Luật Đất đai. Đồng thời, quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không phải đấu giá quyền sử dụng đất tại điều 118 của Luật Đất đai. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 74 theo hướng bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích hoặc khác mục đích đất thu hồi nhưng ngang bằng về giá trị bồi thường. Sửa đổi khoản 3, điều 114 Luật Đất đai theo hướng giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân và quy định cơ chế để kiểm soát việc tổ chức thực hiện; bổ sung đại diện người có đất thu hồi, đại diện của doanh nghiệp và các bên có liên quan vào thành phần hội đồng định giá đất.
Bộ TN-MT cũng dự kiến sửa đổi luật theo hướng xử lý được việc giải quyết tranh chấp đất đai cho người sử dụng đất nhanh chóng, hiệu quả; khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu nại kéo dài theo hướng quy định mọi trường hợp tranh chấp đất đai đều do TAND giải quyết.
Hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Năm 2018, Bộ TN-MT tiếp tục tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả của từng mô hình; dự kiến tổ chức hội nghị bàn về giải pháp tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đến thời điểm này, bộ đã ban hành kế hoạch, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Hiện nay, bộ đang tiếp tục tổng hợp vướng mắc, bất cập và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai của các địa phương để hoàn thiện; đồng thời tổ chức tham vấn các đối tượng chịu tác động của luật theo từng chuyên đề.
Khai mạc kỳ họp thứ 5 QH
Hôm nay, 21-5, kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV chính thức khai mạc và dự kiến bế mạc vào ngày 15-6. Trong ngày làm việc đầu tiên, QH sẽ nghe các báo cáo quan trọng như: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân... Cùng ngày, QH sẽ nghe dự án Luật Trồng trọt, Luật Đặc xá (sửa đổi). Trong tuần, QH sẽ nghe và thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; dự án Luật Cảnh sát biển; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật An ninh mạng…
Cử tri gửi gì đến Quốc hội?
Trước thềm Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV, cử tri Hà Nội và TP HCM đã gửi đến QH nhiều tâm tư, nguyện vọng cũng như hiến kế trước những vấn đề "nóng" của đất nước.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu (ĐB) QH TP Hà Nội Bùi Huyền Mai vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp QH thứ 5. Cử tri đề nghị Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung điều khoản công khai kết luận kiểm tra tại chi bộ và nơi cư trú; bổ sung rõ cơ chế khuyến khích người tố cáo vi phạm và bảo vệ người tố cáo. Cử tri TP HCM đề nghị tiếp tục xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng, bao che hoặc làm sai lệch hồ sơ, kết quả thanh tra, nhất là có biện pháp thu hồi tài sản tham ô, tham nhũng hiệu quả. Bên cạnh đó, cử tri TP HCM cho rằng nên có một cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức độc lập; đồng thời có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, hỗ trợ cơ quan phòng chống tham nhũng.
Vấn đề công tác cán bộ cũng được cử tri đặc biệt quan tâm. Theo họ, tổ chức cán bộ hiện còn nhiều bất cập. Việc đánh giá, quy hoạch cán bộ thực hiện chưa tốt dẫn đến bố trí những cán bộ không đủ năng lực và phẩm chất vào các vị trí quan trọng, gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân. Cử tri đề nghị QH, Chính phủ chấn chỉnh công tác này.
Ở lĩnh vực kinh tế, cử tri TP HCM lo lắng trước tình trạng bội chi ngân sách nhà nước. Cử tri cho rằng phải xem xét trách nhiệm cụ thể trong việc để bội chi ngân sách; đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án sử dụng vốn nhà nước. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm. Cử tri Hà Nội cũng lo ngại trước nạn lãng phí tràn lan gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, đề nghị QH có cơ chế, chính sách hợp lý để giải quyết tình trạng này.
Bên cạnh đó, cử tri không đồng tình với thông tin Bộ Tài chính đề nghị đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên khi xây dựng Luật Thuế tài sản, trong khi nhà là tài sản thiết yếu của người dân. Cử tri đề nghị phải lấy ý kiến người dân về vấn đề này.
Đặc biệt, cử tri Hà Nội kiến nghị Luật Quản lý phát triển đô thị cần bao quát, có tầm nhìn dài hạn trong công tác quy hoạch; có chế tài rõ ràng đối với các quy hoạch sai phạm. Nên rà soát, tổng kết các quy hoạch tại các ngành để thấy rõ hiệu quả quy hoạch và sai phạm trong quy hoạch. Không nên để cấp quận - huyện lập quy hoạch; xử lý các quy hoạch kéo dài, quy hoạch treo…
Cử tri Hà Nội góp ý kiến vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể trường hợp quy hoạch đặc khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang triển khai thực hiện nhưng theo dự thảo luật, việc lập quy hoạch của các đặc khu chỉ được thực hiện khi luật này có hiệu lực.
Cử tri Hà Nội phản ánh hiện nay đa số nông dân đang sử dụng giống lúa của Trung Quốc. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu tạo ra các giống lúa cao sản để thay thế các loại giống cũ năng suất thấp, chất lượng kém đồng thời hạn chế việc sử dụng các giống lúa của Trung Quốc.
B.TRÂN - PH.ANH
Thế Dũng
Dự án Thủ Thiêm: Thanh tra Chính phủ sẽ làm rõ
Thủ tướng chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân về việc thu hồi ... |
Kiến nghị thu hồi 5.000m2 “đất vàng” ở trung tâm Sài Gòn bị bán rẻ
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi lại toàn bộ khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn (gần 5.000m2) tại địa bàn quận ... |
THỦ THIÊM "NÓNG" VÌ SAO? (*): Rối bời kiện tụng
Chính sự thay đổi quy hoạch liên tục đã dẫn đến câu chuyện khiếu nại, khiếu kiện chưa có hồi kết của người dân Thủ ... |