Thủ đoạn trong “thế giới ngầm” buôn đất

Sau 4 lần hoãn, tại phiên sơ thẩm lần thứ 3, tòa vẫn phải trả hồ sơ điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Bị cáo đã bị tạm giam 3 năm.

thu doan trong the gioi ngam buon dat

Bị cáo cho rằng mình vô tội.

Bán đất “vịt trời”?

Ngày 27.3, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử vụ án Trần Quốc Luật (SN 1975, thường trú TP HCM, là giám đốc một công ty có trụ sở tại Thị xã Thuận An, Bình Dương) bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Luật bị cho là chiếm đoạt số tiền 2,85 tỷ thông qua việc lừa bán đất cho ông Nguyễn Công Hữu (ngụ Dĩ An).

Cáo trạng xác định năm 2011, Luật lập công ty TNHH MTV Trần Quốc Luật kinh doanh bất động sản. Vào tháng 7.2011, Luật quen với ông Hữu là người thường mua bán bất động sản với mình.

Tháng 3.2011, Luật được một người môi giới tới gặp cặp vợ chồng chủ đất diện tích hơn 15 ngàn m2 tại ấp 4, xã Tân Lập, huyện Tân Uyên. Sau khi thỏa thuận giá mảnh đất là 4,1 tỷ, Luật đặt cọc 700 triệu và được người bán viết giấy biên nhận.

Cùng quãng thời gian trên, Luật bị cho là liên hệ vợ chồng Nguyễn Đình Hào (SN 1969) và Phan Thị Nguyệt (SN 1967, ngụ TP HCM) chuyển nhượng mảnh đất trên. Hào chuyển trước số tiền 1,753 tỷ đồng vào tài khoản của cấp dưới của Luật.

Ngày 19.4.2011, Luật yêu cầu người bán đất đến UBND xã để làm hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, Luật không đến mà cho nhân viên của mình và vợ chồng ông Hào đi. Người bán có gọi điện hỏi lý do, Luật nói đó là những người nhà và yêu cầu người bán đất ký hợp đồng mua bán với vợ chồng ông Hào. Đến ngày 1.6.2011, vợ chồng ông Hào được cấp “sổ đỏ” với mảnh đất trên.

Cùng ngày nhận được sổ đỏ, vợ chồng ông Hào đến công ty của Luật thanh toán 2 tỷ, viết giấy ủy quyền cho Luật được quyền tìm người, bán lại phần đất nói trên.

Cáo trạng cáo buộc, sau khi được ủy quyền, Luật điện thoại cho ông Hữu nói sẽ sang nhượng một nửa mảnh đất với giá 2,85 tỷ đồng. Luật nói với ông Hữu rằng phần đất nói trên là của Luật nhưng nhờ Hào, là một người anh em đứng tên giúp. Ông Hữu đồng ý, thanh toán đủ tiền cho Luật.

Tuy nhiên trong thời gian dài, Luật không làm thủ tục sang tên, ông Hữu yêu cầu Luật cho gặp người đứng tên để hỏi thông tin nhưng không được. Ông Hữu đòi lại tiền nhưng Luật né tránh. Đến tháng 6.2013, ông Hữu làm đơn tố cáo Luật đến cơ quan công an, cho rằng mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Phản bác của bị cáo

Tại phiên sơ thẩm, bị cáo phản bác, cho rằng cáo trạng đã không nói đầy đủ sự việc. Luật cho rằng 2 khoản tiền 2 lần vợ chồng Hào chuyển cho mình, là phục vụ cho những giao dịch khác, chứ không phải mua bán mảnh đất nêu trên.

Lần thứ nhất, số tiền 1,753 tỷ đồng Hào chuyển cho cấp dưới của Luật, là tiền mà người này dùng 2 mảnh đất thế chấp, nhờ vợ chồng ông Hào vay tại ngân hàng, không liên quan đến Luật.

Lần thứ hai, số tiền 2 tỷ đồng được đưa cho Luật tại công ty là tiền Luật vay vợ chồng ông Hào, chứ không phải tiền thanh toán mua bán đất.

Tại tòa, Luật cũng mời được người đưa Luật đi mảnh đất hơn 15 ngàn m2 nêu trên, tuy nhiên không rõ vì sao trong cáo trạng lại nói “không xác định được danh tính” người môi giới này.

Thực chất, mối quan hệ giữa Luật với vợ chồng ông Hào, theo bị cáo là: “Bị cáo làm ăn với vợ chồng ông Hào rất nhiều lần. Vợ ông Hào còn nói xem bị cáo như em trai nên bị cáo tin tưởng. Bị cáo có vay của vợ chồng ông Hào 2 tỷ nên phải để cho họ đứng tên sổ đỏ, chứ không phải “vô duyên vô cớ” “nhờ” họ đứng tên”.

Luật tiếp tục tố cáo: “Bị cáo có nhiều tài sản được vợ chồng ông Hào đứng tên. Vì thời điểm nói trên, bất động sản bị đóng băng, không thể vay vốn được. Vợ chồng ông Hào làm ở công ty cho vay tài chính. Bị cáo nhờ họ đứng tên vay giúp và bị buộc phải viết giấy tờ, hoặc cho họ đứng tên tài sản để đảm bảo trả nợ”.

Luật cũng cho rằng không lừa, không chiếm đoạt tài sản của ông Hữu. Sau khi được nhận nửa mảnh đất, ông Hữu đã cùng Luật trồng cây cọ dầu, xây tường rào, xây nhà và thuê người canh giữ trong suốt 3 năm. Luật cho rằng ông Hữu biết vợ chồng ông Hào là ai và đã từng làm ăn. “Cáo trạng nói bị cáo mới quen ông Hữu là sai. Bị cáo và ông Hữu đã hợp tác làm ăn, thành lập một công ty. Công ty này bị cáo có 50%, ông Hữu 35% cổ phần”, bị cáo Luật khai.

Lập luận của luật sư

Tại tòa, ông Hữu cho rằng mình bị Luật lừa bán đất của người khác. Sau khi biết chuyện, ông Hữu nhiều lần đòi tiền lại nhưng Luật không đồng ý.

Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Luật về việc có sử dụng một nửa mảnh đất hay không? Ông Hữu nói: “Tôi không cho rằng đó được gọi sử dụng, tôi chỉ đầu tư vào đó thôi. Bán đất mà không sang tên thì tôi có quyền gì trên đất đó. Như vậy là tôi bị lừa”. Tuy nhiên ông Hữu cũng thừa nhận, trong 3 năm đầu tư trên đất không hề bị ai gây khó dễ, không bị người đứng tên đất là vợ chồng ông Hào nói gì.

Tại tòa, vị luật sư đưa ra một tập hồ sơ mà cáo trạng và hồ sơ điều tra không hề có. Theo đó, tập hồ sơ này chứng minh được việc tại sao đất của Luật nhưng phải nhờ vợ chồng ông Hào đứng tên.

“Cách làm ăn như thế nào? Luật có tài sản nhưng không vay được tiền nên nhờ vợ chồng ông Hào vay giúp. Cứ mỗi lần vay, Luật phải làm giấy bán đất cho vợ chồng ông Hào. Vợ chồng ông Hào lợi dụng những điều này để tự ý sang tên cho mình rồi đi thế chấp ở ngân hàng. Có tới gần 20 tài sản của Luật bị làm cách này”.

Vẫn lời luật sư: “Thậm chí, có vụ Luật trả khoản vay rồi nhưng vợ chồng ông Hào vẫn dùng giấy tờ mua bán đất đã bị hủy để sang tên sổ đỏ và thế chấp ngân hàng. Không hiểu cán bộ ngân hàng thẩm định thế nào lại cho vay? Nếu ngân hàng thẩm định được, thì tại sao trụ sở công ty của Luật nằm sờ sờ ra đó mà vẫn không biết?”, vị luật sư nói.

Theo luật sư: “Người bị hại là Luật. Người đáng đứng trước vành móng ngựa không phải là Luật. Tuy nhiên tôi không hiểu tại sao, VKS lại không đưa những vấn đề này vào vụ án, không triệu tập được vợ chồng ông Hào đến tòa để làm rõ vụ việc? Trong sự việc này, Luật chỉ có lỗi là chưa hoàn thành thủ tục sang tên sổ đỏ cho ông Hữu”.

Sau khi hội ý, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung những tình tiết như thẻ điện tử giữa Luật và vợ ông Hào, giao dịch tiền giữa ông Hào và cấp dưới của Luật, làm rõ ai là người mua bán với người bán đất.

Tại tòa, bị cáo cho rằng: “Suốt 3 năm bị tạm giam, tài sản của bị cáo bị người khác ở ngoài bán sạch. Nhất là vợ chồng ông Hào đã dựa vào khế ước vay tiền để sang tên đất và thế chấp ngân hàng, sau đó không trả lãi, không trả gốc mà bỏ đi nước ngoài. Đến hạn, ngân hàng bán đấu giá sạch tài sản của bị cáo”.
thu doan trong the gioi ngam buon dat Thủ đoạn chọn "mắt xích" của trùm đường dây ma túy “khủng” xuyên quốc gia vừa bị bắt

Bộ Công an vừa phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an TP.HCM triệt phá đường dây ma túy “khủng” xuyên quốc ...

thu doan trong the gioi ngam buon dat Khởi tố “siêu lừa” U90 với những thủ đoạn lừa đảo hàng chục tỷ đồng

Mặc dù đang ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng Biền khiến nhiều người phải chắp tay bái phục với những chiêu lừa của mình.

/ http://danviet.vn