Thủ đoạn “thổi giá” các gói thầu thiết bị giáo dục

Thủ đoạn “thổi giá” các gói thầu thiết bị giáo dục

Dọn đường cho doanh nghiệp thân hữu, sân sau trúng thầu

Sau Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa bị khởi tố, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan; đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 6 bị can về hành vi: “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên; Trịnh Mạnh Cường, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD-ĐT Điện Biên; Đinh Văn Hữu, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên; Nguyễn Quang Tuyến, Phó Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên; Võ Thúc Chính, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C; Mai Thanh An, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô.

Vụ án trên còn có 2 bị can Nguyễn Quốc Việt (Thẩm định viên Công ty BTCVALUE) và Hồ Thị Sáu (Giám đốc khối thẩm định III, Công ty BTCVALUE) bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả hai đều đang là bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Thủ đoạn “thổi giá”  các gói thầu thiết bị giáo dục -0

Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Điện Biên, đơn vị đã trúng 2 gói thầu của Sở Giáo dục Điện Biên.

Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định Nguyễn Văn Kiên đã chỉ đạo một số cán bộ dưới quyền thông đồng cùng với Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên (nhà thầu) và Công ty cổ phần thẩm định giá BTCVALUE, Công ty TNHH tư vấn xây dựng T&C, Công ty TNHH tư vấn thiết kế và xây dựng Tây Đô thực hiện các hành vi vi phạm Luật Đấu thầu để cho Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên trúng 2 gói thầu cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Trong hai năm 2019- 2020, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư 2 gói thầu mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu với tổng dự toán là 20.111.268.000 đồng (trong đó, giá thiết bị được thẩm định giá là 19.987.018.500 đồng). Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên đã trúng 2 gói thầu với giá 19.890.665.000 đồng (Gói thầu số 1 năm 2019, trúng với giá 9.954.985.000 đồng; Gói thầu số 2 năm 2020 trúng 9.935.680.000 đồng).

Quá trình tổ chức thực hiện 2 gói thầu trên, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên và Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên là đơn vị trúng thầu có hành vi thông thầu. Sở này đã bàn bạc, thống nhất để nhà thầu là Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên xây dựng giá dự toán danh mục trang thiết bị dạy học gói thầu số 1 và gói thầu số 2, làm căn cứ yêu cầu thẩm định giá. Việc ký kết hợp đồng thẩm định giá với Công ty BTCVALUE được ký hợp thức, không có quyết định chỉ định thầu; không liên lạc và làm việc với công ty thẩm định giá, giao cho Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên là đầu mối liên hệ với Công ty BTCVALUE.

Thủ đoạn “thổi giá”  các gói thầu thiết bị giáo dục -0

Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Điện Biên, đã chỉ đạo cấp dưới cố ý làm sai, gây thiệt hại cho nhà nước.

Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên vi phạm quy trình chỉ định thầu đối với công ty tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu, không thực hiện quy định về quy trình chỉ định thầu, không thẩm định kiểm tra hồ sơ năng lực của Công ty T&C và Công ty Tây Đô là đơn vị được chỉ định tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ mời thầu, không phát hiện hai công ty này không đủ điều kiện để thực hiện tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu. Sở này cũng thông báo với Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên biết, công ty được chỉ định tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu để nhà thầu liên hệ đảm bảo trúng thầu, việc tổ chức các gói thầu đã có sự thông đồng từ trước, dẫn đến việc nhà thầu tự chủ động thực hiện các nhiệm vụ của chủ đầu tư và trúng thầu trái pháp luật.

Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên ngoài việc chủ động liên hệ lấy thông tin, chủ động lập danh sách tổng hợp thiết bị cần mua sắm, xây dựng bảng giá cho chủ đầu tư; liên hệ với đơn vị thẩm định giá, công ty tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu; còn chủ động liên hệ, phối hợp với Công ty Thanh Hóa và Công ty Sơn La lập hồ sơ tham gia 2 gói thầu với tư cách "quân xanh" để đảm bảo sẽ trúng thầu.

Căn cứ vào các hợp đồng mua trang thiết bị dạy học của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên với Công ty Minh Nghĩa, Công ty Minh Nghĩa (do Trần Đình Bình làm giám đốc) đã mua thiết bị của Công ty Nam Hoa; Công ty Nam Hoa mua của Công ty Đức Nguyên; Công ty Đức Nguyên mua của Công ty Tấn Khánh; Công ty Tấn Khánh mua của Công ty Phần mềm Việt Nam (trong đó: Công ty Minh Nghĩa và Công ty Phần mềm Việt Nam do Trần Đình Bình là chủ).

Đinh Văn Hữu, Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên khai, do biết sẽ trúng thầu nên Hữu đã gọi điện trao đổi và thống nhất với Trần Đình Bình để nâng giá thiết bị dạy học làm sao để khi trúng thầu, lợi nhuận thể hiện trên hợp đồng của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên khoảng 15%.

Căn cứ vào kết quả trúng thầu của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Điện Biên; Căn cứ vào giá Hợp đồng Công ty phần mềm Việt Nam, chênh lệch giữa giá mua thiết bị dạy học cho 2 gói thầu là 11.653.601.404 đồng (chênh lệch giữa giá bán của Công ty Phần mềm Việt Nam 8.255.063.596 đồng và giá mua thiết bị của Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên là 19.908.665.000 đồng). Nếu lấy giá bán của Công ty Phần mềm Việt Nam 8.255.063.596 đồng cộng 20% chi phí hợp lý (thuế, phí...) thì bước đầu tạm tính hậu quả thiệt hại đối với 2 gói thầu trên là 9.322.881.123 đồng (thiệt hại tạm tính).

Thủ đoạn “thổi giá”  các gói thầu thiết bị giáo dục -0

Từ trái qua: 3 Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ninh đều chỉ đạo cấp dưới làm sai quy định về đấu thầu .

Cần loại những con sâu, con mọt đang núp bóng người thầy

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cũng khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và một số đơn vị liên quan; đồng thời khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam đối với 7 bị can. Trong số 7 bị can có bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tại Quảng Ninh, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan; đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đối với 15 bị can. Trong đó, có bị can Vũ Liên Oanh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh.

Thủ đoạn “thổi giá”  các gói thầu thiết bị giáo dục -0

PGS.TS Bùi Thị An.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII Đoàn đại Biểu TP Hà Nội cho rằng, sai phạm trong lĩnh vực giáo dục không chỉ xảy ra tại một địa phương mà nhiều địa phương là rất đáng báo động. Cơ quan chức năng cần phải tiếp tục làm thật mạnh, xử lý thật nghiêm để sớm thanh lọc, loại bỏ những con sâu, con mọt đang núp bóng người thầy ra khỏi ngành.

“Điều đáng buồn là còn nhiều học sinh rất khó khăn, có em không có điện thoại máy tính để học trực tuyến trong mùa dịch, trong khi những người quản lý, đứng đầu ngành giáo dục địa phương lại tham ô, tham nhũng nhiều tỉ đồng như vậy”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên nhân đầu tiên là về con người tức là công tác cán bộ, quản lý cán bộ. Các địa phương này cần phải xem lại công tác cán bộ, tại sao lại để những cán bộ suy thoái, biến chất trong bộ máy. Về mặt quản lý địa phương, làm sao những gói thầu giá trị lớn như vậy lại dễ dàng để họ nâng khống giá, thổi giá gấp nhiều lần nhằm chiếm đoạt, trục lợi ngân sách. “Tôi cho rằng, lãnh đạo những địa phương được Đảng, nhân dân tín nhiệm bầu giữ trọng trách, nhiệm vụ thì phải quản lý thật chặt từng đồng thuế của nhân dân đóng góp làm sao cho hiệu quả”.

Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An, qua những gói thầu mua sắm trang thiết bị giáo dục có giá trị nhiều tỉ đồng bị nâng khống giá lên nhiều lần so với giá bán trên thị trường, lãnh đạo địa phương không thể nói không biết. Bởi vậy, ngoài việc xử lý nghiêm cán bộ quản lý giáo dục sai phạm cần phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Ngọc Hân

Gia tăng các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trong mùa dịch Gia tăng các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến trong mùa dịch
Lật tẩy những thủ đoạn mua bán hóa đơn để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng Lật tẩy những thủ đoạn mua bán hóa đơn để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
/ antg.cand.com.vn