Nguyễn Duy Toản (33 tuổi, ở Thanh Hóa) mua 330 tên miền, lập 110 trang thương mại điện tử... rao bán các sản phẩm phòng chống dịch bệnh COVID-19 không có thật để chiếm đoạt gần 1 triệu USD.
Lao Động trước đó đưa tin, từ thông tin ban đầu do Mỹ cung cấp về đường dây lừa đảo người Việt Nam bán các sản phẩm phòng chống dịch COVID-19, chiếm đoạt của hàng nghìn người, Công an Việt Nam đã vào cuộc điều tra.
Bộ Công an đã giao cho Công an Hà Nội chủ trì, đơn vị chủ công là Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC05).
PC05 đã phối hợp với Công an quận Hoàng Mai dựng được chân dung 4 đối tượng gồm Nguyễn Duy Toản, Phan Đình Thư (22 tuổi, Thanh Hóa), Trần Quốc Khánh (36 tuổi, quận Hoàng Mai) và Đỗ Chí Huy (27 tuổi, Đắk Lắk).
Khám xét các phòng số 4122; 4124 HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, là nơi các đối tượng thuê nhà lưu trú, cảnh sát
thu giữ 7 cây máy tính, 3 màn hình máy tính, 2 laptop... liên quan đến hoạt động phạm tội.
Toản giữ vai trò cầm đầu, chỉ đạo và điều hành toàn bộ đường dây phạm tội trên. Anh ta khai, khoảng tháng 3, Toản nắm bắt đươc tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ bùng phát có diễn biến phức tạp.
Toản nắm bắt được nhu cầu người dân Mỹ muốn mua các sản phẩm phòng chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay, giấy vệ sinh..., nên nảy ý định phạm tội.
Toản lập lên các website: uggone.best; habaktee.best; kidsplazas.com; miomart.best; galaxymart.com; goodytmart.site... để quảng cáo bán hàng mặc dù anh không có các sản phẩm này.
Sau đó, Toản đã lôi kéo các đối tượng khác cùng thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Toản đã chỉ đạo Thư cùng Khánh mua khoảng 330 tên miền của nước Mỹ, chuẩn bị mã nguồn để tạo lập khoảng 110 trang website thương mại điện tử, lập tài khoản Paypal (dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet) để nhận tiền từ khách hàng đặt hàng.
Toản chỉ đạo Thư sử dụng mã nguồn có sẵn để dựng website; hàng hóa trên website (hình ảnh, thông tin, công dụng sản phẩm...) do Khánh tự sao chép trên các website thương mại điện tử khác mà không cần quan tâm đến khả năng cung cấp hàng hóa.
Thư và Khánh để thông tin liên hệ (địa chỉ, số điện thoại...) của các website bán hàng là thông tin ảo có địa chỉ tại Mỹ nhằm tạo sử tin tưởng cho người mua.
Thư còn làm nhiệm vụ tải mã vận đơn lên Paypal thông qua website của đơn vị vận chuyển UPS (WWW.ups.com) để khách hàng theo dõi. Mục đích nhằm đánh lừa khách hàng rằng đơn hàng đã được chuyển nhưng thực tế không có hàng vì đơn hàng không có thật.
Để nhận tiền thanh toán, Toản giao cho Khánh, Thư tạo tài khoản Paypal để liên kết với các website thương mại điện tử trên. Tuy nhiên do tài khoản thường xuyên bị khách hàng phản ánh dẫn đến uy tín thấp, không rút được tiền ngay nên Toản đã liên hệ với Huy và một số đố tượng khác cung cấp các tài khoản Paypal uy tín cao (có khả năng rút tiền nhanh) để liên kết với các website do Toản tạo ra.
Sau khi khách hàng thanh toán, Huy đổi ra tiền VND và chuyển lại cho Toản 15.000 đồng/USD. Phần chênh lệch Huy hưởng.
Toản khai, số tiền chiếm hưởng khoảng 2 tỉ đồng. Một phần trong số đó được Toản sử dụng chi phí vào việc chạy quảng cáo, mua tên miền trên website; trả lương và chi phí ăn, ở, phần còn lại dùng để chi tiêu cá nhân.
Hiện Công an quận Hoàng Mai đã khởi tố 4 bị can Toản, Huy, Khánh và Thư về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".
Theo cơ quan điều tra, còn một số đối tượng liên quan khác đang được làm rõ, truy tìm.
Việt Dũng
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao
|