"Mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP... Như thế, chúng ta đang sống bằng đất, bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai" - phát ngôn của đại diện Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, trong một hội thảo khoa học về sửa đổi các sắc thuế, hôm qua 9.5.
Việc quy hoạch đất đai để xây dựng các khu đô thị mới cần quan tâm. Ảnh: Báo TNMT.
Không thể nói là an lòng bởi con số 23,7% mà đại diện ngành thuế vừa nói đang chỉ là một ví dụ cho một cơ cấu ngân sách đang mất cân đối.
Có hai minh họa có thể nhắc tới: Ngân sách địa phương hàng loạt các tỉnh ĐBSCL trông hầu hết vào xổ số. Một vài tỉnh phía Bắc thì nguồn thu hoàn toàn phụ thuộc vào sức khỏe của một hai doanh nghiệp sản xuất điện thoại (FDI), lắp ráp ôtô. Nguồn thu ấy không thể gọi là ổn định, bền vững khi có tới 51 tỉnh, thành không tự cân đối ngân sách, hàng năm phải xin ngân sách từ Trung ương.
Nhưng sự phụ thuộc của ngân sách vào thuế phí đất đai hoàn toàn không phải, không nên là lý do để chúng ta, gần như cùng một thời điểm, “điều chỉnh” tới 5 sắc thuế (VAT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu, thuế thu nhập..) và đề xuất mới một sắc thuế (tài sản).
Bởi miếng bánh ngân sách, dù rất nhỏ, đang phải, đang bị chia phần một cách quá bất hợp lý.
Những con số không nói dối. Cũng chính số liệu từ Bộ Tài chính, chi tiêu ngân sách tăng nhanh hơn 10%/năm, có giai đoạn lên tới hơn 20%. Tốc độ tăng chi tiêu ngân sách nhanh hơn hẳn tốc độ tăng trưởng nền kinh tế (6-7%). Và, chi thường xuyên, như hôm qua chuyên gia Bùi Trinh tính toán, đã lên tới 80% tổng chi.
70-80% tổng chi, nghĩa là chúng ta thu 10 đồng và ăn hết 8, chỉ có 2 đồng cho đầu tư phát triển. Cần phải công bằng, chính sự tiêu pha chủ yếu để ăn này mới là nguyên nhân trực tiếp của một ngân sách thâm thủng, mới là sức ép chính lên nguồn thu.
Một ngân sách không thể bền vững nếu chỉ trông chờ, nếu phụ thuộc vào nguồn thu từ đất, từ xuất khẩu thô tài nguyên khoáng sản, từ các loại thuế phí từ dân và từ đi vay. Vì thế, việc sửa đổi 5 sắc thuế và “bổ sung” thuế tài sản cần phải được cân nhắc trong logic tối thiểu: Tạo điều kiện cho dân làm giàu, cho doanh nghiệp lớn mạnh thì mới tạo ra được nguồn thu bền vững nhất - nguồn thu từ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Tổng Cục Thuế: Vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu!
Xung quanh đề xuất đánh thuế tài sản với ô tô có giá trên 1,5 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Phụng (Tổng cục thuế) cho ... |
Hoa mắt với đề xuất tăng thuế
Thời điểm này không nên tăng thuế vì Chính phủ đang kêu gọi khởi nghiệp. Thay vào đó, hãy tìm cách chống thất thu thuế |