Vào thời điểm Mỹ - Trung đàm phán thương mại, Bắc Kinh muốn nhắc nhở rằng Washington còn cần phải dựa vào họ để gây áp lực với Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju duyệt đội danh dự trước khi rời Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh ngày 8/1. Ảnh: KCNA. |
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 8/1 đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thời điểm cuộc đàm phán thương mại cấp trung giữa Trung Quốc và Mỹ bước sang ngày thứ hai.
Mặc dù Trung Quốc nói rằng các sự kiện này không liên quan, chuyến thăm bất ngờ của ông Kim là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc có thể làm phức tạp hóa nỗ lực theo đuổi các mục tiêu khác của chính quyền Trump - bao gồm việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên - nếu hai cường quốc không đạt được thỏa thuận thương mại, theo NYTimes.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung ban đầu được lên kế hoạch kết thúc vào ngày 8/1 nhưng sau đó kéo dài thêm một ngày. Trong cuộc họp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Trump bên lề G20 tại Argentina hồi đầu tháng 12 năm ngoái, hai bên đã đồng ý ngừng áp thêm thuế với nhau trong ba tháng. Hai bên giờ cần đạt được một thỏa thuận trước kỳ hạn là ngày 2/3.
Chuyến thăm của ông Kim là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang tìm mọi cách để thúc đẩy giải quyết vấn đề nhanh chóng. Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại đáng kể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm, doanh số bán xe cũng đi xuống. Chiến tranh thương mại không phải là lý do duy nhất khiến tình hình kinh tế Trung Quốc xấu đi nhưng nó đang khiến cho sự sụt giảm trở nên tồi tệ hơn.
Theo những người am hiểu cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, Trung Quốc đã đưa ra một số gợi ý về cách giải quyết cuộc chiến thương mại nhưng phía Mỹ thấy những biện pháp này chưa thỏa đáng và mô tả chúng là những hứa hẹn mơ hồ. Mỹ muốn Trung Quốc cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, hạn chế trợ cấp của chính phủ cho công ty nội và ngừng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ có giá trị cho Trung Quốc.
Phái đoàn Mỹ đến Bắc Kinh để đàm phán về thương mại ngày 7/1. Ảnh: AFP. |
Chuyến thăm của Kim Jong-un có thể cung cấp cho Trung Quốc đòn bẩy cần thiết trong đàm phán với Mỹ. Chiến lược quan trọng của Trump đối với Triều Tiên là sử dụng các biện pháp trừng phạt để gây áp lực tối đa với đất nước bị cô lập này và việc đó dựa rất nhiều vào sự hợp tác của Trung Quốc, vì hơn 90% giao dịch với bên ngoài của Triều Tiên là qua Trung Quốc, họ cũng đôi khi được Trung Quốc viện trợ.
"Kim muốn nhắc nhở chính quyền Trump rằng ông có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế khác ngoài những gì Washington và Seoul có thể cung cấp", Harry Kim Kazisis, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia có trụ sở tại Washington, đánh giá.
Kazianis nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông Kim tới Bắc Kinh diễn ra vài ngày sau khi ông nói trong bài phát biểu năm mới rằng ông sẽ tìm "con đường mới" để bảo vệ lợi ích của đất nước nếu Washington kiên quyết duy trì lệnh trừng phạt.
"Điều này có thể khiến Mỹ lo lắng", Kazianis nhận xét, "Trung Quốc có thể làm tiêu tan chiến lược gây áp lực tối đa của Trump, vì hầu hết giao dịch với bên ngoài của Triều Tiên đi qua Trung Quốc".
Tuy nhiên, chiến lược này có nguy cơ phản tác dụng. Việc liên kết tranh chấp thương mại với các vấn đề an ninh quốc gia có thể mang lại cho Trung Quốc lá bài thương lượng nhưng nó cũng có nguy cơ khiến những quan chức "diều hâu" trong Nhà Trắng tức giận và khiến Trump có lập trường cứng rắn hơn.
Chiến lược của Kim Jong-un cũng có thể không hiệu quả vì Trump về cơ bản đã tuyên bố đạt được chiến thắng ngoại giao với Triều Tiên và nói rằng ông không vội vàng đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa.
Trong cuộc họp báo vào ngày 8/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng các cuộc đàm phán và chuyến thăm của Kim Jong-un không liên quan với nhau. "Trung Quốc có nhiều sự kiện ngoại giao và lịch trình ngoại giao của chúng tôi cũng kín. Nếu có một số sự kiện chồng chéo, đó là điều tự nhiên", ông Lục nói.
Mặc dù Trump dự kiến dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 23-26/1 tại Davos, Thụy Sĩ, chính quyền của ông đã khước từ những nỗ lực của Trung Quốc để sắp xếp bất kỳ cuộc đàm phán thương mại chính thức nào vào thời điểm đó. Washington cũng trì hoãn chuyến thăm Washington của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho đến sau khi Trump đọc bài phát biểu Thông điệp Liên bang ngày 29/1.
Sự trì hoãn này đồng nghĩa với việc bất kỳ tiến triển nào từ chuyến thăm của ông Lưu cũng sẽ đến quá muộn để củng cố niềm tin của người tiêu dùng trước kỳ nghỉ Tết của Trung Quốc, bắt đầu vào ngày 4/2. Những tuần trước tết là thời điểm người dân chi tiêu nhiều, đặc biệt là mua xe.
"Vì vậy, chuyến thăm của ông Kim cho Trung Quốc cơ hội để thể hiện rằng họ vẫn còn nắm giữ điều mà Mỹ muốn", cây bút Keith Bradsher của NYTimes nhận xét.
Thăm Trung Quốc lần thứ tư, Kim Jong-un phát tín hiệu răn đe Trump
Lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn cho Trump thấy rằng họ vẫn còn có lựa chọn khác ngoài những gì Mỹ và Hàn Quốc ... |