Israel phát động một chiến dịch quân sự lớn mang tên “Cờ đen” (Operation Black Flag) nhắm vào nhiều mục tiêu tại Yemen do lực lượng Houthi kiểm soát.
Israel phát động chiến dịch 'Cờ đen'
Động thái này được xem là bước leo thang mới nhất trong căng thẳng khu vực, sau hàng loạt vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi nhằm vào Israel và các tuyến hàng hải quốc tế.
Theo thông báo từ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz ngày 6/7, các mục tiêu tấn công bao gồm những cảng chiến lược như Hodeidah, Ras Isa, Al‑Salif, và một nhà máy điện ở khu vực Ras Katib.
Ông Katz tuyên bố đây là “hành động phòng vệ cần thiết” nhằm bảo vệ người dân Israel và gửi thông điệp mạnh mẽ đến lực lượng Houthi, rằng mọi cuộc tấn công nhắm vào Israel sẽ bị đáp trả bằng sức mạnh áp đảo.
"Chúng tôi đang triển khai Chiến dịch Cờ đen để phá hủy năng lực quân sự và kinh tế của lực lượng khủng bố Houthi... Bất cứ ai tấn công chúng tôi sẽ phải trả giá đắt", ông Katz khẳng định trên mạng xã hội X.

Hậu quả của cuộc không kích của Israel vào Hodeidah vào ngày 5/5. (Ảnh: Getty)
Chiến dịch này được phát động chỉ vài giờ sau khi Israel đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ Yemen. Tên lửa này được cho là nhắm vào khu vực miền Nam Israel, nhưng đã bị hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow đánh chặn bên ngoài bầu trời Israel. Sự kiện này đã kích hoạt hàng loạt còi báo động tại các thành phố lớn và gây ra hoảng loạn trong dân cư.
Israel cho biết chiến dịch lần này không chỉ nhắm vào các cơ sở quân sự mà còn tấn công các cảng quan trọng vốn đóng vai trò trung tâm trong kinh tế Yemen. Các chuyên gia nhận định, động thái này nhằm “bẻ gãy” nguồn thu tài chính của Houthi từ hoạt động xuất khẩu dầu lậu và hàng hóa qua Biển Đỏ.
Phát ngôn viên của Houthi chưa đưa ra phản hồi chính thức ngay sau cuộc tấn công, nhưng các nguồn tin địa phương cho biết đã có nhiều tiếng nổ lớn và cột khói bốc lên từ các cảng bị trúng đạn.
Lũ kinh hoàng ở Texas: 78 người thiệt mạng
Texas đang đối mặt với thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi số người thiệt mạng đã tăng lên ít nhất 78 tính đến ngày 6/7. Trong số này có 28 trẻ em, và hơn 40 người khác vẫn đang mất tích. Trận lũ dữ dội bắt đầu từ đêm 4/7, sau những cơn mưa xối xả đổ xuống khu vực miền Trung Texas, đặc biệt là quanh sông Guadalupe.

Cảnh đổ nát sau trận lũ ở Kerrville, Texas, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Lực lượng cứu hộ Texas và các cơ quan liên bang đã huy động hàng trăm nhân viên, trực thăng, xuồng cao su và phương tiện quân sự để sơ tán hơn 850 người. Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã ban bố tình trạng khẩn cấp, phối hợp cùng Tuần duyên và Vệ binh Quốc gia tiếp tục tìm kiếm và cứu hộ trong điều kiện thời tiết cực kỳ nguy hiểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ đến thăm vùng lũ vào ngày 11/7 để trực tiếp khảo sát tình hình, gặp gỡ các gia đình nạn nhân và động viên lực lượng cứu hộ.
Trong phát biểu tại New Jersey trước khi lên Không lực Một, ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền liên bang sẽ "hỗ trợ tối đa" để giúp Texas khắc phục hậu quả, tái thiết và ổn định đời sống người dân.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia Texas sử dụng máy bay không người lái quân sự điều khiển từ xa để hỗ trợ tìm kiếm những người mất tích.
Tổng thống Putin gửi thông điệp đến BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Rio de Janeiro, nhấn mạnh rằng nền toàn cầu hóa tự do (liberal globalization) - vốn thống trị thế giới nhiều thập kỷ qua - nay đã “lỗi thời”, và “tâm điểm của hoạt động kinh doanh đang chuyển về các thị trường mới nổi” như BRICS .
Trong bài phát biểu qua video từ Moskva, ông Putin khẳng định các quốc gia BRICS đang trở thành “lực lượng dẫn dắt phát triển kinh tế thế giới”, khi khối này hiện chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua tương đương (PPP) đạt gần 77 nghìn tỷ USD, vượt xa nhóm G7 (khoảng 57 nghìn tỷ USD).
Ông nhấn mạnh: “Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi cho thấy thế giới cần một trật tự kinh tế đa cực, công bằng hơn, không phụ thuộc vào các thể chế tài chính phương Tây”.
Người đứng đầu Điện Kremin cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi mở ra “làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ” và thúc đẩy BRICS đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xây dựng một trật tự kinh tế đa cực, không phụ thuộc vào các thể chế tài chính phương Tây như IMF hay Ngân hàng Thế giới.
BRICS được thành lập năm 2006, ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đến năm 2010, Nam Phi chính thức gia nhập, và trong năm qua, Ai Cập, Ethiopia, UAE và Indonesia cũng đã trở thành thành viên chính thức.