Tổng thống Mỹ Donald Trump điều chỉnh điều khoản thương mại với Indonesia và Philippines, trong đó bổ sung quyền tiếp cận khoáng sản chiến lược.
Mỹ chỉnh mức thuế với hai nước, thêm điều kiện khoáng sản
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội chiều 22/7 rằng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Indonesia sẽ giữ nguyên ở mức 19% như đã công bố tuần trước. Tuy nhiên, Indonesia đồng ý bán khoáng sản chiến lược cho Mỹ và mua máy bay Boeing, nông sản và năng lượng từ Mỹ.
Trong khuôn khổ đàm phán một hiệp định thương mại hai chiều, Indonesia cam kết sẽ mua: 3,2 tỷ USD máy bay; 4,5 tỷ USD nông sản gồm đậu nành, lúa mì, bông vải và các sản phẩm nông nghiệp khác; 15 tỷ USD dầu khí từ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù ông Trump không nêu rõ loại khoáng sản chiến lược nào, nhưng theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế, Indonesia là một trong những nước sản xuất nickel lớn nhất thế giới - một nguyên liệu quan trọng trong pin xe điện. Ngoài ra, Indonesia còn có các khoáng sản đất hiếm như monazite và xenotime, được dùng trong công nghiệp quốc phòng và năng lượng sạch.
Ngoài ra, Indonesia sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ thuế quan đối với hàng hóa Mỹ. “Indonesia đồng ý mở cửa thị trường cho sản phẩm công nghiệp, công nghệ và nông nghiệp Mỹ bằng cách loại bỏ 99% rào cản thuế quan” ông Trump viết.
Mức thuế 19% hiện tại thấp hơn mức 32% mà ông Trump từng tuyên bố áp dụng đối với hàng hóa Indonesia vào ngày 2/4.
Cũng trong chiều 22/7, ông Trump công bố thỏa thuận thương mại sửa đổi với Philippines sau cuộc gặp với Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng. Mức thuế đối với hàng hóa từ Philippines vào Mỹ sẽ là 19% — thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức 20% ông Trump đã áp đặt vào đầu tháng 7, nhưng vẫn cao hơn mức 17% công bố hồi tháng 4.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tiết lộ rằng chính quyền Trump sẽ công bố “một loạt thỏa thuận thương mại” trong những ngày tới, trước hạn chót ngày 1/8 khi nhiều mức thuế mới sẽ có hiệu lực.
“Các thỏa thuận này sẽ bao gồm những khoản đầu tư lớn vào Mỹ, từ ngành ô tô, chip bán dẫn đến dược phẩm”, ông Bessent nói trên Fox Business.
Tổng thống Trump trước đó tuyên bố rằng một bức thư đơn phương xác lập mức thuế mới gửi đến đối tác thương mại cũng được coi là “một thỏa thuận”. Hồi đầu tháng 7, ông công bố hơn 20 “thỏa thuận” như vậy, với mức thuế từ 19% đến 50%. Riêng với 150 quốc gia nhỏ hơn, ông cho biết sẽ áp thuế “hơn 10% một chút”.
Ông Bessent cũng nhấn mạnh rằng hạn chót ngày 1/8 là “khá cứng”. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn có thể tiếp tục đàm phán sau khi thuế mới có hiệu lực.
Đặc phái viên Mỹ đến Trung Đông
Mỹ thông báo đang cử một đặc phái viên đến Trung Đông để tham gia các cuộc đàm phán nhằm hoàn tất thiết lập một “hành lang” viện trợ nhân đạo cho dải Gaza, nơi mà theo chính quyền địa phương, người dân đang chết đói.
Steve Witkoff, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump sẽ đến khu vực này để tiến hành các cuộc thảo luận mới, theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce.
Bà từ chối cung cấp thêm chi tiết về lịch trình của ông Witkoff hoặc cụ thể về hành lang viện trợ, chỉ nói rằng ông đang di chuyển quanh khu vực Gaza.
Ông Bruce cũng không nói rõ nỗ lực ngoại giao này sẽ liên quan như thế nào đến Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - một sáng kiến gây tranh cãi do Mỹ và Israel hậu thuẫn, nơi đã xảy ra nhiều vụ hỗn loạn khi binh lính nổ súng vào người Palestine đang tranh giành viện trợ thực phẩm.
Theo Liên hợp quốc công bố hôm thứ Ba, hơn 1.000 người Palestine thiệt mạng khi cố gắng tiếp cận thực phẩm viện trợ kể từ khi GHF bắt đầu hoạt động vào cuối tháng 5, phần lớn trong số đó xảy ra gần các điểm phân phát của tổ chức này.