Thừa nhận của Mạnh Vãn Châu về việc lừa dối ngân hàng liên quan tới các giao dịch của Huawei ở Iran có thể sẽ không giúp ích gì cho Mỹ trong nỗ lực truy tố Huawei.
Hôm 24/9, Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu được trả tự do tại phiên tòa ở thành phố Vancouver của Canada chỉ vài giờ sau khi các công tố viên Mỹ tại New York công bố một thỏa thuận đình chỉ các cáo buộc gian lận đối với bà.
Theo thỏa thuận, bà Mạnh đồng ý với một tuyên bố về các tình tiết trong vụ án để đổi lấy việc các công tố viên Mỹ đình chỉ các cáo buộc có nguy cơ dẫn đến án tù 30 năm dành cho bà.
Tại phiên điều trần trước khi được trả tự do, bà Mạnh tiếp tục phủ nhận cáo buộc của Mỹ, nhưng thừa nhận từng cung cấp những thông tin sai lệch với một ngân hàng hồi năm 2013 về mối quan hệ giữa Huawei và một công ty tại Iran, từ đó khiến ngân hàng này cung cấp các dịch vụ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này.
Bà Mạnh Vãn Châu. (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, các công tố viên Mỹ sẽ khó có thể sử dụng những lời thừa nhận này của bà Mạnh để chống lại Huawei.
"Tuyên bố được đưa ra trong thỏa thuận có thể được coi là sự thừa nhận của một quan chức cấp cao của Huawei. Nhưng do không thể đối chất với bà Mạnh nên điều đó gần như chắc chắn sẽ không được chấp nhận", Roland Riopelle - luật sư ở New York không liên quan tới vụ án của bà Mạnh cho hay.
"Công chúa Huawei" trở về nước cuối tuần trước và khó có khả năng bà Mạnh sẽ tới Mỹ liên quan tới các vụ kiện của Washington với công ty mình.
Theo Reuters, trong một số trường hợp, các công tố viên thường gọi các cá nhân như bà Mạnh tới làm chứng về các thỏa thuận của họ với chính phủ.
Nếu bà Mạnh không ra hầu tòa, "không ai có cơ hội chất vấn bà ấy", theo Charles Stillman - một luật sư ở New York.
Trong khi đó, luật sư Juan Morillo tới từ Washington cho rằng các thừa nhận của bà Mạnh có thể mang lại cho Mỹ một số đòn bẩy bổ sung trong các cuộc đàm phán với Huawei.
Nhưng Morillo chỉ ra Huawei có thể vin cớ thỏa thuận của Mạnh Vãn Châu là "sản phẩm của sự tống tiền" vì bà Mạnh có thể cảm thấy bị buộc phải ký vào nó để giành được tự do.
"Cuối cùng giá trị của những lời thừa nhận đó sẽ là tối thiểu", ông này cho hay.
Huawei cũng có thể lưu ý rằng họ đã không ký thỏa thuận và không bị ràng buộc bởi nó.
Trên thực tế, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước khẳng định cái gọi là cáo buộc 'gian lận' đối với bà Mạnh là "hoàn toàn bịa đặt".
"Tôi từng gặp những trường hợp tương tự như thế này và đó là chiến lược sẽ áp dụng với Huawei. Họ sẽ nói, 'Đây là một sự bịa đặt. Đây là sản phẩm của việc tống tiền và nó không có tác dụng ràng buộc nào đối với chúng tôi''', ông Morillo cho hay.
Mỹ trước đó cáo buộc Huawei vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran, cản trở công lý và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ các công ty công nghệ Mỹ.
Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc chưa bao giờ thừa nhận các cáo buộc này.
Sau khi thả "Công chúa Huawei", Canada đổi giọng về Trung Quốc
Sau thời gian căng thẳng quan hệ với Trung Quốc, Ngoại trưởng Marc Garneau cho biết Chính phủ Canada đang theo đuổi cách tiếp cận ... |
Viễn cảnh quan hệ Mỹ - Trung sau khi giám đốc Huawei được thả
Việc giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu được trả tự do có thể loại bỏ một số bế tắc trong quan hệ Mỹ ... |