Thổ Nhĩ Kỳ nhận S-400, Mỹ phản ứng khác thường

Washington lo hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu về năng lực của chiến đấu cơ tàng hình F-35 và thông tin này có thể rơi vào tay Moscow

Phản ứng ban đầu của Mỹ trước thông tin Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga được cho là khá khác thường. Sau khi Ankara hôm 12-7 tung ra những hình ảnh về S-400 vừa nhận được, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn im lặng kỳ lạ, khác với cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sẽ "phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng" từ một số nghị sĩ Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel và nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael McCaul yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump chấm dứt việc Ankara tham gia chương trình chiến đấu cơ tàng hình F-35 và trừng phạt các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc với ngành quốc phòng Nga như đòi hỏi của luật pháp (Mỹ). Theo Đạo luật chống các đối thủ Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được phê chuẩn năm 2017, Washington phải phạt các quốc gia mua hệ thống vũ khí từ Moscow.

Tuy nhiên, theo đài RT, lời kêu gọi trên dường như bị Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ bỏ ngoài tai. Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ xác nhận chủ đề S-400 được đề cập trong cuộc điện đàm dài 30 phút giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 12-7 nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Trước khi cuộc điện đàm diễn ra, ông Esper chỉ đưa ra tuyên bố nói rằng Lầu Năm Góc đã nắm thông tin về vụ việc và nhấn mạnh lập trường của họ liên quan đến F-35 vẫn không thay đổi.

tho nhi ky nhan s 400 my phan ung khac thuong

Những phần đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được đưa đến căn cứ không quân Akinci, gần thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12-7Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc điện đàm tập trung vào việc Ankara mua các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng thủ khu vực và tình hình Syria. Tuyên bố của bộ này cũng nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác trong chương trình phát triển F-35 và Ankara vẫn giữ nguyên đề xuất thành lập một nhóm làm việc chung, trong đó có thể gồm NATO - để đánh giá về khả năng tương tác giữa F-35 và S-400.

Trong động thái trấn an Mỹ, Bộ trưởng Akar khẳng định việc mua S-400 không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi định hướng chiến lược, đồng thời nhắc lại sự xấu đi của mối quan hệ song phương Ankara - Washington không có lợi cho bên nào và cả NATO.

Theo trang Newsweek, phản ứng trên của Washington có lẽ không quá khó hiểu bởi chính ông Trump dường như đã ngầm bật đèn xanh cho thương vụ. Trong 2 năm qua, Mỹ đã dọa áp đặt trừng phạt và chấm dứt vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35 với hy vọng đồng minh NATO này từ bỏ ý định mua S-400. Dù vậy, Ankara vẫn tỏ ra cứng rắn.

Tổng thống Erdogan có vẻ càng quyết tâm xúc tiến thỏa thuận sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản hồi tháng trước. Trong cuộc trò chuyện, ông Trump đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barack Obama đã không bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này chuyển sang mua S-400.

Sau cuộc gặp này, Reuters dẫn lời ông Erdogan nói rằng ông đã nhận được lời bảo đảm từ ông Trump rằng sẽ không có trừng phạt nào nhằm vào Ankara vì thương vụ S-400. Sự quan tâm lúc này là liệu Lầu Năm Góc có hủy thỏa thuận bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không bởi nỗi lo S-400 có thể được sử dụng để thu thập dữ liệu và năng lực của F-35 và thông tin này có thể rơi vào tay Moscow.

Chưa hết, theo AP, nguy cơ quan hệ Washington - Ankara thêm căng thẳng làm dấy lên câu hỏi liệu Mỹ có khôn ngoan khi tiếp tục để bom hạt nhân tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ - một vấn đề nhạy cảm và hiếm khi được công khai thảo luận.

Thương vụ S-400 chắc chắn là cơn đau đầu không nhỏ cho NATO, nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ hiện đóng vai trò địa chiến lược quan trọng tại sườn Đông Nam của liên minh quân sự này. Có ý kiến cho rằng việc Ankara quyết tâm mua hệ thống vũ khí quan trọng của Moscow - bị NATO lâu nay xem là đối thủ chính - có nguy cơ khiến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO gặp thêm sóng gió thời gian tới.

tho nhi ky nhan s 400 my phan ung khac thuong Nhận S-400 từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vụt mất F-35 của Mỹ

Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không Nga, Mỹ đang tính các bước trả đũa như trừng phạt kinh tế và loại Ankara khỏi ...

tho nhi ky nhan s 400 my phan ung khac thuong Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô tên lửa S-400 đầu tiên từ Nga

Bất chấp áp lực từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận các thành phần của hệ thống phòng không tối tân S-400 được ...

Hoàng Phương

/ https://nld.com.vn