Thổ Nhĩ Kỳ có thể là trở ngại của Thụy Điển và Phần Lan trong việc gia nhập NATO

Để có thể gia nhập NATO, cả Phần Lan lẫn Thụy Điển đều cần có sự ủng hộ của cả 30 quốc gia thành viên thuộc liên minh.

Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển tuyên bố ủng hộ nước này gia nhập NATO, thay đổi quan điểm phản đối hàng thập kỷ.

"Ban lãnh đạo đảng đã quyết định trong cuộc họp ngày 15/5 rằng sẽ hành động để hướng tới việc Thụy Điển xin gia nhập NATO", đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền Thụy Điển hôm qua ra tuyên bố.

untitled-16526315129951887271742
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cùng ngày thông báo: "Điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển là chúng tôi sẽ đăng ký xin gia nhập ngay bây giờ và sẽ làm điều đó cùng Phần Lan".

Thủ tướng Andersson cho biết thêm chính sách không gia nhập liên minh đã phụng sự tốt cho Thụy Điển, nhưng lãnh đạo nước này kết luận chính sách trên không còn phù hợp trong tương lai. Bản đánh giá chính sách an ninh được trình bày trong quốc hội Thụy Điển tuần trước đã kết luận rằng việc nước này trở thành thành viên của NATO sẽ giảm nguy cơ xung đột ở Bắc Âu.

Cũng trong cùng ngày, Phần Lan xác nhận rằng họ sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO và Thụy Điển dự kiến ​​sẽ có hành động tương tự, như một phần phản ứng của hai nước Bắc Âu khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trước khi quyết định xin gia nhập NATO, Phần Lan đã duy trì chính sách không tham gia liên minh quân sự 75 năm trong khi Thụy Điển thực hiện chính sách này suốt hai thế kỷ.

Hai quốc gia Bắc Âu dự kiến cùng nộp đơn gia nhập NATO trong tuần này.  Tuy nhiên, những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra một trở ngại, vì bất kỳ quyết định nào về việc mở rộng NATO đều cần có sự chấp thuận của tất cả 30 quốc gia thành viên.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15/5 cho biết, Thụy Điển và Phần Lan phải ngừng hỗ trợ các nhóm đối lập đang bị Ankara liệt vào danh sách tổ chức khủng bố, đưa ra các đảm bảo an ninh rõ ràng và dở bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi hai quốc gia này muốn trở thành thành viên của NATO.

55631871781372884a-Tho-Nhi-Ky-4091-1652624986
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu

Tuyên bố trên được ông Cavusoglu đưa ra ngay sau cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên NATO tại Berlin, đồng thời cho biết ông đã gặp những người đồng cấp Thụy Điển và Phần Lan và tất cả đều đang tìm cách giải quyết các mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Cavusoglu nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa bất kỳ ai hoặc tìm kiếm lợi thế nhưng đặc biệt tỏ ra quan ngại về việc Thụy Điển ủng hộ nhóm chiến binh thuộc Đảng Lao động người Kurd (PKK), bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. "Nhất thiết phải có đảm bảo an ninh. Họ cần phải ngừng hỗ trợ các tổ chức khủng bố", Ngoại trưởng Cavusoglu nói, đồng thời yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu một số hàng hóa trong lĩnh vực quốc phòng sang Thổ Nhĩ Kỳ.

 

PV (t/h) / Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống