Thiếu trầm trọng nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Số lượng người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh, nhưng nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho họ còn rất hạn chế. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cần chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc người cao tuổi để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng cao của xã hội.

Nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi rất lớn

Chị Hoàng Vân Anh (Hà Nội) là cán bộ công chức nhà nước, nên công việc bận từ đầu tuần đến cuối tuần. Chồng chị lại đi làm việc theo hợp đồng ở Nhật Bản. Một mình chị vừa lo việc cơ quan, vừa lo việc học hành cho hai con nhỏ. Từ khi sức khỏe bố mẹ chồng giảm sút, đi viện thường xuyên, chị phải thuê thêm người để hỗ trợ.

“Trước đây, bố mẹ chồng tôi còn khỏe, vẫn có thể tự túc cơm nước, thì tôi chỉ thuê người đưa đón con đi học. Từ khi sức khỏe bố mẹ chồng giảm sút, đi viện thường xuyên, thì tôi rất cần có sự hỗ trợ của những người làm nghề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình. Nhưng hiện nay, lao động có chuyên môn trong lĩnh vực này còn thiếu. Nếu thuê qua các công ty cung cấp người giúp việc, chi phí khá cao mà chất lượng chuyên môn lại khó bảo đảm”, chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ.

Theo chị Vân Anh, những người chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà hiện nay đang được trả lương khá cao. Nếu chăm sóc một người cao tuổi vẫn có thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân thì mức phí khoảng 9 triệu đồng/tháng. Nếu người cao tuổi ốm hay nằm liệt giường thì mức giá cao hơn rất nhiều, thậm chí lên đến hơn 15 triệu đồng/ tháng.

“Không còn cách nào khác nên tôi đành phải thuê người chăm sóc bố mẹ để yên tâm đi làm rồi lắp camera thi thoảng quan sát từ xa, chứ mình cũng không thể nghỉ việc…”, chị Vân Anh chia sẻ.

Thiếu trầm trọng nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Nhu cầu nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngày càng cao

Những người có hoàn cảnh tương tự như chị Hoàng Vân Anh đang ngày càng nhiều. Theo số liệu mới nhất từ Cục Thống kê, tính đến năm 2024, số lượng người dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên đã lên tới 14,2 triệu người, tăng 4,7 triệu người so với năm 2014. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ đạt xấp xỉ 18 triệu người, tiếp tục gia tăng gần 4 triệu người chỉ trong vòng 6 năm.

Sự gia tăng nhanh chóng của nhóm dân số cao tuổi đồng nghĩa với việc gia tăng các thách thức về y tế và xã hội, dẫn đến nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc dài hạn chất lượng cao cho người cao tuổi.

Số liệu cũng cho thấy trung bình một người cao tuổi Việt Nam hiện đang phải sống chung với nhiều bệnh lý mạn tính, đòi hỏi sự chăm sóc chuyên biệt và liên tục. Trong khi đó, mô hình gia đình truyền thống đang dần thay đổi, cùng với áp lực công việc và cuộc sống, khiến khả năng chăm sóc toàn diện tại gia đình của con cháu bị hạn chế đáng kể. Điều này thúc đẩy sự cần thiết phải phát triển một ngành dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp và bài bản.

Bà Bùi Thị Ninh - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nhu cầu chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam là rất lớn. Nhưng đa số người làm việc chăm sóc hiện nay là tự phát, chỉ làm công việc dựa trên kinh nghiệm, không qua đào tạo bài bản, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đồng đều và đôi khi thiếu tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nghề chăm sóc chưa được chính thức công nhận là một nghề chính thống, nên nhân viên làm nghề chăm sóc chưa được coi trọng và không được trả công xứng đáng. Điều này dẫn đến việc nhân lực cho ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thiếu hụt trầm trọng”.

Cần chuẩn hóa nghề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Trên thực tế, nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam hiện còn hạn chế. Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng cho biết: Số lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế chuyên ngành lão khoa còn thiếu so với nhu cầu. Ở cộng đồng, đa số nhân viên y tế tuyến xã, thôn, bản, cộng tác viên dân số, nhân viên công tác xã hội, trợ giúp xã hội, tình nguyện viên chưa được đào tạo, tập huấn kiến thức về lão khoa, phục hồi chức năng.

Theo báo cáo tổng hợp kết quả hằng năm, số tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là 134.939 người, chủ yếu là cộng tác viên dân số, hầu hết chưa được đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Số nhân viên y tế được đào tạo, tập huấn về lão khoa là 7.849 người. Đáng chú ý, đến nay, Việt Nam chưa có đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi chính quy, chưa có mã nghề nghiệp, cũng như chưa tổ chức đào tạo chính thức ở các bậc trung cấp, cao đẳng hay đại học, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong lĩnh vực này.

Hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Việt Nam hiện nay còn thiếu và phân bố không đồng đều. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi như viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, trong khi đó trên 70% người cao tuổi sống ở nông thôn lại rất khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp. Số bệnh viện có khoa lão khoa hoặc khu điều trị dành cho người cao tuổi chỉ khoảng 140 cơ sở, trong khi đó trạm y tế xã, phường cơ bản thiếu nhân lực chuyên môn và thiết bị phù hợp để chăm sóc người cao tuổi. Hình thức chăm sóc tại gia đình vẫn chiếm chủ yếu, nhưng người chăm sóc phần lớn là người thân, chưa qua đào tạo, dẫn đến chất lượng chăm sóc còn nhiều hạn chế.

Cục trưởng Lê Thanh Dũng đề xuất, cần thiết phải có nghề chăm sóc người cao tuổi trong danh mục nghề nghiệp Việt Nam, đồng thời xây dựng mã ngành nghề đào tạo chính quy, chuẩn hóa kỹ năng, trình độ, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với đó, đa dạng loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và cơ sở chăm sóc, giúp người cao tuổi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.

Bà Sarah Hooper - Tổng Lãnh sự Australia tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chúng tôi đã trải qua quá trình chuyên nghiệp hóa các dịch vụ chăm sóc và nhận ra tầm quan trọng của một ngành chăm sóc chuyên nghiệp trong việc quản lý chăm sóc người cao tuổi ở Úc. Việt Nam thực sự có cơ hội tuyệt vời để học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế và phát triển một hệ thống chăm sóc toàn diện để quản lý chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam".

https://thoibaonganhang.vn/thieu-tram-trong-nhan-luc-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-167147.html

Đức Thuận / Theo Thời báo Ngân hàng