Hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ khó ngăn được Trung Quốc trên Biển Đông khi không có sự phối hợp với các bên liên quan.
Tàu chiến Mỹ hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: US Navy. |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm qua tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, sau khi Bắc Kinh thể hiện sự "bất mãn lớn" với việc tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Ryan Pickrell, bình luận viên của Daily Caller, cho rằng tuyên bố này của Mattis là dấu hiệu cho thấy Biển Đông đang dần trở thành một khu vực đối đầu lớn giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, nơi các biện pháp quân sự đang được ưu tiên sử dụng mà không bên nào chịu nhượng bộ.
Theo Pickrell, việc Mỹ điều khu trục hạm và tuần dương hạm tuần tra tự do hàng hải gần Hoàng Sa là nhằm đối phó với việc Trung Quốc gần đây cho oanh tạc cơ chiến lược diễn tập hạ cánh phi pháp xuống khu vực này. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cách phản ứng hiện nay của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trước tham vọng trên Biển Đông của Trung Quốc đang quá thiên về các giải pháp "cơ bắp" mang tính tình thế mà thiếu đi chiến lược lâu dài.
Giới phân tích cho rằng chiến thuật triển khai tàu chiến để thực hiện quyền tự do đi lại trên Biển Đông của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc theo đuổi hướng tiếp cận theo hướng ngày càng quyết liệt và mang tính đối đầu hơn trên Biển Đông. "Quân đội Trung Quốc quyết tâm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên biển và trên không, nâng cao mức độ phòng thủ để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia", Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố sau khi Mỹ thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải ở Hoàng Sa.
Pickrell cho biết hải quân Mỹ đã thực hiện các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2015 để phản ứng với tuyên bố chủ quyền phi lý và các động thái quân sự hóa của Trung Quốc, nhưng dường như cách đối phó này không thể ngăn chặn được Trung Quốc có những hoạt động quyết liệt hơn.
Trung Quốc hồi tháng 4 đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và phòng không đến ba đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nước này cũng đã xây dựng hàng trăm công trình trên các đảo nhân tạo này, đủ để bố trí nhiều lữ đoàn hải quân đánh bộ cùng nhiều khí tài hạng nặng.
Đến tháng 5, oanh tạc cơ H-6K lần đầu tiên diễn tập hạ cánh xuống đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Giới chuyên gia nhận định đây là động thái "dọn đường" cho việc Trung Quốc đưa máy bay ném bom và tiêm kích xuống hạ cánh tại các đường băng trên đảo nhân tạo ở Trường Sa.
"Trung Quốc giờ đây đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, ngoại trừ một cuộc chiến tranh với Mỹ", Đô đốc Philip Davidson, người mới được bổ nhiệm làm tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói hồi tháng 4.
William Choong, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (ISIS), cho rằng những tuyên bố như của Đô đốc Davidson cho thấy Mỹ khó có thể đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông bằng biện pháp quân sự dưới ngưỡng xung đột. Washington dường như vẫn thiếu đi một chiến lược ngoại giao hoàn chỉnh để có thể đảm bảo các cam kết của mình về an ninh và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, theo Straits Times.
Mỹ từ lâu vẫn đề cao trật tự khu vực châu Á – Thái Bình Dương được củng cố bằng luật pháp quốc tế và tự do hàng hải, hàng không, thương mại hình thành từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên, những chính sách đối ngoại mà chính quyền Trump đang thực hiện lại khiến các đối tác và đồng minh trở nên hoang mang.
Trong khi tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, chính quyền Trump lại tuyên bố rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được coi là có vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Một số chuyên gia thậm chí còn lo ngại Trump có thể đưa ra những nhượng bộ đáng kể khi gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó có việc rút lực lượng đồn trú ở Hàn Quốc và Nhật Bản, gây ra bất an cho các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Ganh đua có trách nhiệm
Choong cho rằng trong khi Mỹ chỉ đưa ra các giải pháp mang tính tình thế trên Biển Đông, Trung Quốc lại hành động theo một chiến lược lớn nhằm hướng tới mục tiêu trở thành "cường quốc thế giới" vào năm 2049, không chỉ bằng cách xô đổ trật tự khu vực do Mỹ dẫn đầu mà còn gây sức ép và lôi kéo để các đối tác, đồng minh của Washington khuất phục trước Bắc Kinh.
Điều này khiến một số chuyên gia phân tích đưa ra luận điểm rằng đã đến lúc Mỹ phải nhường lại vị thế lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho Trung Quốc. Tuy nhiên, tiến sĩ Thomas Wright, chuyên gia tại Dự án Trật tự và Chiến lược Quốc tế thuộc Viện Brookings, lại kêu gọi Washington thực hiện chiến lược "ganh đua có trách nhiệm" với Bắc Kinh.
Theo chiến lược này, Mỹ sẽ duy trì cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc thông qua biện pháp cân bằng, phát triển quan hệ với các nước trong khu vực và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh trong một số lĩnh vực.
Một trong những biện pháp ủng hộ "trật tự dựa trên luật pháp" như vậy là xây dựng, củng cố "bộ tứ" gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật nhằm bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi như thượng tôn pháp luật, đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Mỹ và các đối tác trong "bộ tứ" có thể luân phiên duy trì hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, đồng thời khuyến khích các nước trong khu vực và những quốc gia có lợi ích trên Biển Đông bày tỏ sự ủng hộ đối với các nguyên tắc này.
Theo tiến sĩ Wright, chiến lược dựa vào "bộ tứ" này nhiều khả năng sẽ phát huy tác dụng, bằng chứng là Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng thể hiện sự tức giận và gọi chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của "bộ tứ" là "hoạt động thu hút sự chú ý của dư luận" và ví hành động của nhóm này như "bọt biển".
Các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS. |
Tàu chiến Australia tháng trước đã chạm mặt chiến hạm Trung Quốc trên Biển Đông trên đường ghé thăm cảng Việt Nam. Hồi tháng 5/2017, Nhật Bản cũng điều tàu sân bay trực thăng Izumo thực hiện hành trình kéo dài ba tháng qua Biển Đông. Hải quân Anh tháng trước cho biết ba tàu chiến nước này sẽ sớm có mặt trong khu vực, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Paris muốn hợp tác với "bộ tứ" để đảm bảo sự cân bằng ở Biển Đông.
Theo Choong, chiến lược "bộ tứ" nếu được thực hiện một cách linh hoạt, nhịp nhàng sẽ giúp Mỹ và các đồng minh, đối tác tránh được tình huống đối đầu quân sự với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng vẫn cho Bắc Kinh thấy rằng luôn có một nhóm quốc gia sẵn sàng can thiệp nếu cần thiết.
Thành Nguyễn
Mỹ khẳng định tiếp tục đối đầu Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Washington sẽ tiếp tục thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, nơi Trung Quốc ... |
Mỹ hủy mời TQ tập trận: Nguy cơ căng thẳng leo thang trên Biển Đông
Theo các chuyên gia, quyết định hủy lời mời tập trận của Mỹ kèm theo động thái chỉ trích từ phía Trung Quốc có thể ... |