Theo các chuyên gia, lĩnh vực cho thuê tài chính Việt Nam vẫn khá khiêm tốn so với doanh thu 1.000 tỷ USD toàn cầu.
Nhận định được đưa ra tại sự kiện “Thuê tài chính - Kênh huy động vốn trung dài hạn. Kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam” do BIDV phối hợp cùng Ngân hàng tín thác Nhật Bản Sumitomo Mitsui Trust Bank (SuMi TRUST) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung và dài hạn cho khách hàng thông qua cho thuê tài sản.
Ngoài dòng tín dụng, tài sản cho thuê chủ yếu là thiết bị thông tin truyền thông, ôtô, máy móc công nghiệp, văn phòng, công trình xây dựng…
Ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV cho biết, thời gian qua, hệ thống ngân hàng và các dịch vụ tài chính tại Việt Nam tương đối phát triển. Tuy nhiên, cho thuê tài chính vẫn là thị trường nhỏ bé với dư nợ 383 triệu USD, tương đương 8.700 tỷ đồng (chiếm 0,16% tổng dư nợ các tổ chức tín dụng) so với tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm.
Ông Cấn Văn Lực và các chuyên gia cho rằng, còn nhiều dư địa để thị trường cho thuê tài chính Việt Nam phát triển. |
Tại Mỹ, 80% các doanh nghiệp từ nhỏ cho tới quy mô lớn trong danh sách Fortune 500 đều sử dụng hình thức thuê tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm vào khoảng 50 tỷ USD.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng nhìn nhận, thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam tương đối nhỏ, quy mô hàng trăm triệu USD, với 11 công ty cho thuê tài chính; trong khi Trung Quốc có đến 3.200 công ty.
"Việt Nam có một thời phát triển tốt lĩnh vực này, nhưng 3 năm qua chững lại, do thị trường tài chính trong quá trình tái cơ cấu, chưa được quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý cũng như một số hạn chế trong thiết kế sản phẩm tại các công ty cho thuê tài chính", ông Lực đánh giá.
Các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ổn định với mức tăng GDP hơn 6,5% giai đoạn 2017-2020; tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư. Đây là cơ sở để cho thuê tài chính Việt Nam có sự bứt phá.
Theo ông Lực, trong bối cảnh hạn chế sử dụng vốn vay ngắn hạn tại hệ thống ngân hàng cùng đặc thù thiếu tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, cho thuê tài chính sẽ là giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh nhất nguồn vốn trung - dài hạn.
Ông Shumizu - Giám đốc bộ phần phát triển kinh doanh Công ty cho thuê tài chính SuMi TRUST Panasonic finance (thành viên Tập đoàn SuMi TRUST) cho biết, tại Nhật Bản, công ty cho thuê tài chính đầu tiên thành lập từ năm 1963, đến nay quốc gia này có khoảng 243 công ty.
Lý do gần 91% doanh nghiệp Nhật chuộng sử dụng sản phẩm cho thuê tài chính là không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị, tiết kiệm nguồn lực cho các việc quản lý hành chính, dễ dàng nắm bắt chi phí, có thể xác định thời gian thuê phù hợp...
"Tại Nhật, cho thuê tài chính phát triển và giữ vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế. Tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định", ông nói.
Lễ ra mắt Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL). |
Dưới góc độ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng luôn "khát" nguồn vốn trung và dài hạn, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, việc triển khai mô hình thuê tài chính sẽ tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp chủ động việc lựa chọn máy móc thiết bị, nhà cung cấp, mẫu mã chủng loại phù hợp với quy mô. Trong trường hợp doanh nghiệp thiếu vốn lưu động vẫn có thể bán lại tài sản cho công ty cho thuê tài chính và sau đó thuê lại, vừa đảm bảo có vốn mà vẫn sử dụng được tài sản với chi phí thấp nhất.
"Những doanh nghiệp không thể vay vốn ngân hàng có thể nhận vốn tài trợ thông qua thuê tài chính. Đây cũng là phương thức rút ngắn thời gian triển khai đầu tư, đáp ứng kịp thời các cơ hội kinh doanh. Đặc biệt với doanh nghiệp ở giai đoạn khởi đầu, việc thuê tài chính dễ dàng hơn so với đi vay ngân hàng", ông Thân cho hay.
Tại sự kiện đã diễn ra lễ ra mắt Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL). Đây là công ty cho thuê tài chính thứ 11 tại Việt Nam; là mô hình liên doanh đầu tiên giữa một ngân hàng thương mại trong nước và một định chế tài chính nước ngoài. BSL có vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50% và SuMi TRUST 49%. Ông Nguyễn Thiều Sơn - Tổng giám đốc BSL cho biết, liên doanh hướng đến mọi doanh nghiệp, kể cả FDI; sẽ hỗ trợ người sử dụng cuối cùng tìm được máy móc, thiết bị và giải pháp tài chính phù hợp. Đây sẽ là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư thêm máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất kinh doanh. |
(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/thi-truong-cho-thue-tai-chinh-viet-nam-quy-mo-hon-300-trieu-usd-3638826.html)