Mới đây, bộ GD&ĐT có chủ trương từ năm 2021 thí sinh có thể làm bài trên máy tính., việc này đã vấp phải không ít quan ngại của phụ huynh học sinh và giới chuyên môn
Theo đó, bộ GD&ĐT khẳng định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tới sẽ giữ ổn định như năm 2017. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Bộ chủ trương thực hiện đổi mới thi và tuyển sinh theo lộ trình cụ thể. Theo đó, tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong các năm 2018 - 2020, việc tổ chức các bài thi, môn thi được giữ ổn định như năm 2017. Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Bộ GD&ĐT có chủ trương từ 2021 sẽ cho học sinh thi tốt nghiệp THPT trên máy tính nếu điệu kiện cho phép.
Anh Hà Văn Tuấn, một phụ huynh đang có con học lớp 9 tại Cao Bằng không khỏi băn khoăn: “Thi trên máy tính thì chắc chắn các cháu phải sử dụng máy tính hàng ngày, nếu điều kiện gia đình chưa cho phép để mua máy thì sao cháu quen được. Điều kiện kinh tế các nơi còn khó khăn, như nơi tôi ở còn nhiều người nghèo thì sao có thể mua được máy tính cho con học”.
Chị Hoàng Nhật Linh, một phụ huynh tại Hà Nội cho rằng: “Đây là một phương pháp hay, tại Hà Nội có thể áp dụng được. Tuy nhiên, bộ GD&ĐT cũng cần cân nhắc cho hợp lý. Bởi lẽ, nếu như vậy cần trang bị cho mỗi em một máy tính, chi phí sẽ rất lớn mà trên thực tế liệu có sử dụng hàng ngày hay là chỉ dùng khi thi? Không chỉ có vậy, tại những nơi điều kiện kinh tế còn thiếu thốn như: Lào Cai, Yên Bái, Tây Nguyên..., làm sao có kinh phí để trang bị nhiều máy tính như vậy?”.
Trước thông tin trên, anh Quang Minh (Hải Dương) cũng tỏ ra lo ngại: “Ở một cuộc thi nhỏ như Violympic và IOE của học sinh tiểu học năm vừa qua tại Hải Dương, tôi thấy chúng ta chưa làm chủ được công nghệ. Lần thì nghẽn mạng, lỗi máy chủ phải dừng cả cuộc thi. Ở các nước phát triển có quy định chặt chẽ, công nghệ tốt, học sinh được làm quen với máy tính sớm thì có thể thực hiện được, chứ ở Việt Nam tôi e rằng là khó khả thi”.
Về mặt chuyên môn, một cán bộ sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho rằng: “Thi trên máy tính có nhiều ưu điểm hơn so với cách thức tổ chức hiện nay như: Đảm bảo tính khách quan, đỡ tốn kém. Tuy nhiên cần chuẩn bị phương án tổ chức tốt, đặc biệt là ngân hàng đề thi trực tuyến và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở những khu vực còn nhiều khó khăn”.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh chủ trương này, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Việc làm bài thi trên máy tính là một phương án hiện đại, có thể giải quyết được nhiều bất cập trong thi cử hiện nay. Tuy nhiên, tại Quảng Bình thì sẽ khó triển khai. Vì điều kiện kinh tế của địa phương còn khó khăn, không chỉ Quảng Bình mà nhiều địa phương khác tôi nghĩ cũng như vậy. Để làm được điều này, cần có lộ trình dài hơn để học sinh có thể làm quen, nhà trường chuẩn bị, không thể thực hiện một sớm một chiều”.
http://www.nguoiduatin.vn/thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-tu-2021-ngan-sach-dau-de-mua--a340551.html
Thi tốt nghiệp THPT quốc gia sau 2020: Cần lộ trình rõ ràng
Theo công bố mới nhất của Bộ GD&ĐT, phương án thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định đến năm 2020- thời điểm chương trình ... |
Điểm ưu tiên tuyển sinh ĐH sẽ giảm, người hưởng lợi trực tiếp là các học sinh
Với việc giữ nguyên phương án thi giống năm 2017 của Bộ GD-ĐT được kỳ vọng sẽ tạo nên thành công mới cho kỳ thi ... |
Đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm cả chương trình lớp 11
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi THPT quốc gia 2018 sẽ bao gồm cả nội dung lớp 11. Phương thức thi không thay đổi so với ... |
Thay đổi tuyển sinh đại học 2018: Mỗi năm một kiểu
Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về hai phương án thi THPT quốc gia 2018 và việc xét tuyển đại học dựa trên kết quả từ ... |