Thi THPT quốc gia 2019: Công an vào cuộc ngay từ khâu tập huấn

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT thì cho dù pháp lý đầy đủ, quy trình nghiêm ngặt, công nghệ, thiết bị tăng cường nhưng con người không nghiêm túc, thoái hóa biến chất... thì nguy cơ để xảy ra tiêu cực thi cử là vẫn còn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra nhiều sửa đổi về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia sau kỳ thi 2018 gặp nhiều sự cố. Chương trình góc nhìn thẳng báo Vietnamnet đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) về những điều chỉnh đang được thí sinh cũng như phụ huynh rất quan tâm này.

Xin cảm ơn ông đã tham gia chương trình với chúng tôi.

MC Mỹ Hạnh:

Thưa ông, việc phòng ngừa tiêu cực có thể nói là quan trọng nhất vừa được Bộ đưa ra là lắp thêm camera giám sát phòng chứa đề thi, tủ đựng bài thi và quá trình chấm thi cùng với việc chuyển quyền chấm thi cho các trường đại học, cao đẳng...Những điều chỉnh kỹ thuật này liệu đã thực sự khiến thí sinh, người dân an tâm về sự nghiêm túc, công bằng của kỳ thi năm 2019?

Ông Mai Văn Trinh:

Trước hết, chúng ta phải trao đổi một cách có hệ thống. Thực hiện lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh giai đoạn 2015 – 2020, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Chúng ta tổ chức trong các năm 2015, 2016, 2017, 2018. Về cơ bản, kỳ thi này đã đạt được mục tiêu đề ra. Kỳ thi cũng tuân thủ một quy luật là luôn vận động, phát triển của sự vật và hiện tượng. Trong sự vận động đó, có mặt tích cực, tiêu cực. Cho nên, chúng ta phải làm sao để duy trì, phát triển những mặt tích cực; hạn chế, triệt tiêu mặt tiêu cực.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 về căn bản, vẫn giữ ổn định về phương thức tổ chức thi như những năm 2017, 2018. Tuy nhiên, chúng ta có những điều chỉnh trong đó theo hướng tăng cường việc sử dụng các thiết bị công nghệ để nhằm hạn chế, khắc phục các gian lận có thể xảy ra để nhằm mục tiêu có kỳ thi an toàn, nghiêm túc và kết quả có độ tin cậy.

Để đạt mục tiêu đó, phải có nhiều giải pháp, nhiều yếu tố, đặc biệt các giải pháp, yếu tố này phải tiến hành đồng bộ, song song với nhau.

Một trong những giải pháp năm nay Bộ GD-ĐT đã đưa ra, sẽ áp dụng trong năm 2019 là sử dụng camera giám sát 24/24 giờ đối với nơi bảo quản đề thi, bài thi và địa điểm chấm thi. Tôi cho rằng đây là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng, mọi giải pháp, thiết bị công nghệ thì cũng không thể vượt qua trách nhiệm, ý thức của con người.

Do đó, cùng giải pháp công nghệ, Bộ GD-ĐT sẽ cụ thể hóa trong quy chế và trong văn bản hướng dẫn để xác định rõ trách nhiệm từng thành phần, đối tượng tham gia từng khâu, từng giai đoạn, công việc cụ thể của quá trình tổ chức thi. Giải pháp công nghệ là một giải pháp hỗ trợ.

Tôi xin nhắc rằng, thành bại cuối cùng vẫn là yếu tố của con người. Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết tổ chức chỉ đạo triển khai một cách quyết liệt, chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tôi cũng đề nghị các địa phương phải chủ động, đề cao trách nhiệm, sát cánh cùng Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan khác để tiến tới chúng ta cùng cộng đồng trách nhiệm thì mới tổ chức tốt, thành công kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan

PGS-TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT.

MC Mỹ Hạnh:

Việc giao các trường đại học, cao đẳng chủ trì việc chấm thi các bài thi trắc nghiệm thì tính khách quan cao hơn là dễ nhìn thấy nhưng những tiêu cực xảy ra năm 2018 cho thấy gian lận là ở việc can thiệp vào bài thi chứ không phải ở khâu chấm thi, vậy mục tiêu khắc phục triệt để gian lận có thực hiện được sự với thay đổi này?

Ông Mai Văn Trinh:

Trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện kỳ thi THPT quốc gia trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018 chúng tôi nhìn thấy rất rõ là rõ ràng trong kỳ thi có rất nhiều khâu, nhiều công đoạn và chúng ta phải biết khâu nào cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta không chủ động, không có những giải pháp phù hợp thì tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào.

Do đó, năm nay cùng việc giao cho các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm là một trong những giải pháp nhưng đây là một trong những giải pháp, bước kế thừa của những giai đoạn trước đó. Năm nay cùng việc giao cho các trường đại học chủ trì chấm bài thi trắc nghiệm thì những khâu từ việc sắp xếp các phòng thi, đặc biệt với các thí sinh tự do, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn cụ thể hơn, và phần mềm sẽ hướng dẫn các hội đồng thi để bảo đảm ngay việc sắp xếp phòng thi có thể phòng ngừa những nguy cơ gian lận.

Thứ hai, trong việc niêm phong túi đựng bài thi, năm 2019, chúng tôi sẽ quy định một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn và kỹ càng hơn để muốn gian lận cũng rất khó. Khi có túi đề thi thì khâu bảo quản túi đựng đề thi đó như thế nào từ lúc bảo quản đến khi chấm cũng là khâu phải hết sức để ý.

Tất nhiên, trong việc giao cho trường đại học chấm bài thi trắc nghiệm thì những giải pháp về mặt tổ chức, quy trình chấm thi cùng với việc chúng tôi hoàn thiện phần mềm chấm thi thêm một mức nữa, theo đó, các dữ liệu chấm thi sẽ được mã hóa và đặc biệt sẽ tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Một chuỗi các giải pháp ấy được tổ chức nghiêm túc sẽ hướng đến việc khắc phục những hạn chế, tiêu cực có thể xảy ra.

MC Mỹ Hạnh:

Việc Sở GS-ĐT vẫn chủ trì chấm điểm môn ngữ văn tuy đã được nhấn mạnh là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT và của các trường đại học, cao đẳng đối với việc chấm điểm này nhưng thực tế cho thấy lượng bài thì cực lớn, trải khắp các địa phương, sự lo ngại là nếu có gian lận với một lượng bài thi lớn thì dù tăng cường thanh kiểm tra đến đâu cũng không thể làm khắc phục triệt để gian lận được, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Ông Mai Văn Trinh:

Một trong những đặc điểm của việc chấm bài thi tự luận là ít nhiều đều chịu sự tác động chủ quan của người chấm. Đây là điểm khác biệt rất cơ bản so với việc chấm bài thi trắc nghiệm chấm bằng máy. Cho nên, chúng tôi nhìn thấy vấn đề này và sẽ có một số giải pháp kèm theo.

Thứ nhất, với bài thi ngữ văn, từ nhiều năm nay, chúng ta đề thi theo hướng mở. Ở đó, khắc phục dần việc trả lời theo khuôn mẫu và khuyến khích, khơi dậy sáng tạo và khả năng diễn giải, nhận thức vấn đề của học sinh.

Kèm theo đề thì thì bản hướng dẫn thi cũng rất chi tiết, giúp cán bộ chấm thi có cơ sở để chấm bài thi của thí sinh.

Thứ hai, quy trình chấm bài thi tự luận, ngay từ khâu làm phách của bài thi chúng tôi đã áp dụng nhiều năm nay và năm 2019 tiếp tục áp dụng tiếp là sẽ sử dụng phần mềm máy tính và chia thành hai vòng độc lập để bảo đảm sự bảo mật của phách.

Thứ ba, phải tiến hành chấm hai vòng độc lập để bảo đảm chấm đều tay, tránh quá rộng và bỏ sót kết quả của thí sinh. Cùng việc chấm hai vòng độc lập, trong quy chế tới đây cũng quy định rõ là tiến hành chấm kiểm tra cùng tiến độ với việc chấm hai vòng độc lập để bảo đảm việc chấm như thế có đều tay không. Trong thực tế cho thấy, nếu hội đồng chấm nghiên cứu kỹ hướng dẫn chấm, tiến hành nghiêm túc, chấm hai vòng độc lập và chấm kiểm tra thì độ tin cậy của bài chấm ngữ văn cũng rất cao. Tất nhiên công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình này trong năm 2019 sẽ được tăng cường một bước.

MC Mỹ Hạnh:

Về đề thi, với những gì Bộ GD-ĐT vừa công bố, có thể hiểu phạm vi ra đề sẽ được mở đến cả kiến thức lớp 10 thay vì lớp 11, 12 như năm 2018?

Ông Mai Văn Trinh:

Trong công bố về phương thức tổ chức thi 2019, về mặt nội dung đề thi cũng nói rất rõ, đề thi THPT quốc gia 2019 có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12, có ngưỡng cơ bản để phục vụ mục tiêu xét THPT, đồng thời có độ phân hóa ở mức độ hợp lý để hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh.

Theo tình thần chỉ đạo như vậy, hôm nay, bộ đề thi tham khảo đã được công bố. Tôi cho rằng các giáo viên, học sinh lớp 12 khắp cả nước nhanh chóng nghiên cứu đề thi tham khảo này để trên cơ sở đó có định hướng rõ cho việc day học và ôn tập. Tôi mong rằng trên cơ sở tham khảo đề thi này, sẽ có gợi ý tốt cho các nhà trường trong việc tổ chức dạy học theo chương trình năm học đã được công bố từ đầu năm học. Trên cơ sở đó, tổ chức ôn tập cho các học sinh, hướng tới kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan

PGS-TS Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT và MC Mỹ Hạnh

MC Mỹ Hạnh:

Việc tăng cường trách nhiệm đối với từng bộ phận, từng nhân sự tham gia kỳ thi được BỘ GD-ĐT nhấn mạnh vì tiêu cực là do con người nhưng dường như điều này mới được nói chung, chưa thấy trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, từng nhân sự trong việc tổ chức kỳ thi, thưa ông?

Ông Mai Văn Trinh:

Chúng ta tiếp tục khẳng định, thành bại của kỳ thi THPT Quốc gia phụ thuộc vào yếu tố con người. Cho nên, năm nay, việc lựa chọn nhân sự, đặc biệt là lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, có ý thức pháp luật cao. Sau khi lựa chọn nhân sự như vậy, chúng tôi phân nhóm theo từng nhiệm vụ cụ thể để tăng cường công tác tập huấn.

Năm nay, công tác tập huấn chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành, trong đó đặc biệt phối hợp với Bộ Công an để tập huấn cho các cán bộ các nghiệp vụ để phòng ngừa gian lận, nhất là gian lận công nghệ cao trong quá trình thi. Đồng thời như vậy với việc tập huấn nghiệp vụ như nghiệp vụ coi thi và chấm thi đối với các cán bộ của các trường đại học sẽ tham gia chấm trắc nghiệm như thế nào chúng tôi sẽ làm kỹ, trên cơ sở lựa chọn cán bộ, tập huấn đầy đủ, cùng với công tác tư tưởng và những ràng buộc cụ thể về mặt trách nhiệm theo quy định của pháp luật thì sẽ hướng tới việc có đội ngũ làm chuyện nghiệp, có tinh thần trách nhiệm.

Trong quy chế thi tới đây, trong văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ hướng dẫn cụ thể, chi tiết theo kiểu cầm tay chỉ việc đến từng thành phần, đối tượng tham gia các khâu, các bước của kỳ thi. Năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng có quy chế sớm hơn mọi năm để tiến hành các bước một cách chủ động.

MC Mỹ Hạnh:

Cuối cùng, ông có thể phân tích cụ thể với những thay đổi vừa được đưa ra, việc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 liệu có thực sự an toàn, hạn chế tối đa gian lận và khách quan?

Ông Mai Văn Trinh:

Qua những gì tôi nói ở trên thấy rõ, những thay đổi, điều chỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chủ yếu cơ bản tác động đến người lớn, tức là các thầy cô giáo. Đối với các em học sinh thì hầu như không thay đổi nhiều. Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng và các em hãy yên tâm, không quá lo lắng để chuẩn bị sức khỏe, tâm lý, học tập, ôn tập đạt kết quả tốt nhất. Còn tất cả những gì chúng ta tính toán, dự báo thành quy chế đó là những hành lang pháp lý, giải pháp kỹ thuật để hướng tới tổ chức kỳ thi thành công.

Tôi muốn nhắc lại rằng, cho dù pháp lý đầy đủ, quy trình nghiêm ngặt, công nghệ, thiết bị đầy đủ nhưng nếu con người không nghiêm túc, thoái hóa biến chất, có ý định sai phạm từ trước thì nguy cơ để xảy ra tiêu cực là vẫn còn. Do đó, tôi rất muốn trách nhiệm trước hết là của các địa phương đến từng hội đồng thi, từng điểm thi phải là trách nhiệm đầu tiên. Tất nhiên, trách nhiệm trên đó là của ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia để hướng tới tổ chức kỳ thi này an toàn, nghiêm túc trên tinh thần thượng tôn pháp luật và thực hiện đúng quy chế thi.

Xin cảm ơn ông về những thông tin cụ thể, thiết thực.

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan Đề thi minh họa THPT quốc gia 2019: 90% kiến thức lớp 12

Đề thi minh họa các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 có tới 90 kiến thức lớp 12, không có kiến thức lớp ...

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan Kiến thức lớp 12 chiếm 90% đề tham khảo thi THPT quốc gia 2019

Duy nhất đề Toán có một câu hỏi liên quan đến lớp 10; các môn khác kiến thức lớp 11 chiếm không quá 10%.

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan Kết quả thi THPT quốc gia sẽ chiếm 70% điểm tốt nghiệp

Cơ cấu xét tốt nghiệp THPT năm 2019 sẽ gồm 70% điểm thi, 30% điểm trung bình năm học lớp 12 và điểm ưu tiên ...

thi thpt quoc gia 2019 cong an vao cuoc ngay tu khau tap huan Thi THPT Quốc gia 2019: Hiệu trưởng ở Hà Nội đề xuất chỉ nên dùng điểm thi để xét tốt nghiệp

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Qúy Đôn cho rằng, nên tách riêng điểm đánh giá học sinh trong quá trình học và điểm ...