Thi nhan sắc: Gạn lọc kỹ hơn

Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam, ngành văn hóa đã có văn bản yêu cầu đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương hủy kết quả cuộc thi, thu hồi vương miện hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh.

Văn bản của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nêu rõ đề nghị giám đốc Công ty TNHH Võ Việt Chung International thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của đơn vị tổ chức cuộc thi đã cam kết tại đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 và hủy kết quả cuộc thi đối với thí sinh Lê Âu Ngân Anh do không bảo đảm điều kiện dự thi theo quy định.

Trước đó, kết thúc cuộc thi với sự ồn ào của dư luận, ông Võ Việt Chung - Giám đốc Công ty TNHH Võ Việt Chung International - đã phải ký vào biên bản vi phạm hành chính lập ngày 8-11-2017, thừa nhận vi phạm hành chính do "đưa thí sinh thi người đẹp, người mẫu không đủ các điều kiện theo quy định".

Như vậy là sau việc bị phạt 4 triệu đồng do vi phạm hành chính như đã nêu trên (căn cứ quy định tại điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP) thì bây giờ, với việc tước vương miện hoa hậu của Lê Âu Ngân Anh, cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 đã hoàn toàn bị phá sản. Phá sản là đúng, vì ban tổ chức cuộc thi này đã bất chấp quy chế, xem thường dư luận khi cố tình đưa ra công chúng một thứ giá trị không tương xứng.

Quan điểm của ngành văn hóa như vậy là nghiêm minh, sòng phẳng nên rất đáng hoan nghênh. Nhưng xét cho cùng thì đây chỉ là việc "chẳng đặng đừng". Xử lý vi phạm đối với ban tổ chức của một cuộc thi như Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2017 thì không có gì phải bàn thêm nhưng tước vương miện của một hoa hậu thì hẳn công chúng sẽ nhiều day dứt. Bởi suy cho cùng thì thí sinh nào, nhan sắc nào cũng là con người cụ thể, cũng có khát vọng và lòng tự trọng, phẩm giá và danh dự. Vi phạm của họ, xét cho cùng là ở những người bày ra cuộc chơi, cuốn họ vào mê lộ của hào quang danh vọng. Công chúng thì vô tình phải thụ hưởng món ăn tinh thần không được gạn lọc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, sâu xa hơn nữa, nếu nghiêm túc suy xét thì lỗi chính là ở sự quản lý, kiểm soát của chính ngành văn hóa khi cho phép cá nhân hay tổ chức chưa đủ tâm và tầm hoặc thiếu trách nhiệm với xã hội nhưng vẫn được phép đứng ra tổ chức những hoạt động văn hóa, xã hội có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng.

Không thể phủ nhận những mặt tốt của các cuộc thi nhan sắc và cũng không thể phủ nhận những đóng góp cho xã hội từ các người đẹp. Nhưng nhiều người đã không ngần ngại khi nói thẳng rằng không ít cuộc thi nhan sắc ở nước ta chất lượng không cao khiến nhan sắc Việt có lúc trở thành nỗi bức xúc, thậm chí là nỗi lo.

Đang có nhiều người lợi dụng tổ chức các cuộc thi nhan sắc hay các loại hình lễ hội khác để kiếm tiền hơn là hướng vào mục đích tôn vinh cái đẹp hay những giá trị nhân văn. Đấy là thực tế không thể phủ nhận. Thực tế ấy không chỉ buộc công chúng phải tự cân nhắc khi thụ hưởng mà còn đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm trong quản lý, giám sát.

thi nhan sac gan loc ky hon Ngân Anh: Quá bất ngờ trước đề nghị tước vương miện Hoa hậu Đại dương

Lê Âu Ngân Anh cho biết cô quá bất ngờ với việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn gửi công văn đề nghị ban tổ chức ...

thi nhan sac gan loc ky hon Hai tháng đội vương miện đầy sóng gió của Hoa hậu Đại dương Ngân Anh

Hoa hậu Đại dương 2017 trải qua hai tháng rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ không hề yên ả, từ bị miệt thị nhan sắc, ...

/ nld.com.vn