Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định, khi thực hiện cấm xe máy thì vẫn đảm bảo đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân.
Trước phản ứng của dư luận về phương án, lộ trình cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, việc thực hiện hạn chế xe máy trên một số tuyến đường hoặc khu vực riêng rẽ nằm trong lộ trình dừng hoạt động toàn bộ xe máy tại các quận vào năm 2030 – Đề án đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua.
Từ nay đến mốc thời gian trên còn khoảng 10 năm nữa chứ không phải nói là cấm ngay.
Việc Sở GTVT đưa ra kế hoạch lựa chọn đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương để thí điểm dừng hoạt động xe máy trước từ 2 đến 3 năm so với lộ trình năm 2030 cũng để người tham gia giao thông trên trục đường này nói riêng và người tham gia giao thông ở Thủ đô nói chung làm quen dần”, báo Tiền phong dẫn lời ông Viện nói.
Đề cập đến phương án triển khai, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thông tin, trong năm nay Sở GTVT và các đơn vị liên quan mong muốn đưa ra được đề án, cùng với đó là lộ trình cụ thể. “Từ đó chúng tôi sẽ thực hiện giảm dần không chỉ trên từng tuyến phố mà từng khu vực. Mục đích của việc này là để người dân làm quen và từng bước cũng phải tính đến phương án lựa chọn phương tiện để đi lại phù hợp, thay thế xe cá nhân”, ông Viện lý giải.
Sở GTVT lên phương án, lộ trình thí điểm cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi. Ảnh: Lao động
Trả lời về việc sau khi Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án, lộ trình lựa chọn đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương để cấm xe máy khiến dư luận và người dân phản ứng vì tính bấp cập, ông Viện khẳng định: Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị thực hiện đề án sẽ phải nghiên cứu lại chứ không thể nóng vội, đặc biệt là đưa ra việc cấm xe máy theo cách chủ quan.
“Khi chúng tôi thực hiện cấm hoặc dừng hoạt động xe máy trên đường hoặc khu vực nào đó thì vẫn phải đảm bảo đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân trong khu vực cũng như kết nối với các tuyến đường lân cận”, ông Vũ Văn Viện khẳng định.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về lộ trình Sở GTVT Hà Nội dừng hoạt động xe máy tại đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi và khẳng định phương án đó là không khả thi.
Trả lời trên báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi: "Tại sao không quy hoạch, quản lý được lại cấm?".
Chuyên gia phân tích, số người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy chiếm khoảng 70-80%, nếu cấm đi bằng phương tiện này, người dân di chuyển bằng gì? Với đặc thù giao thông nội đô, xe máy là phương tiện cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ôtô.
“Hai phương tiện cá nhân đi cùng nhau, tại sao cấm xe máy mà lại không cấm ôtô? Dù thời nào, vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, vì vậy, chúng ta nên tuyên truyền cho người dân dùng phương tiện nào cho phù hợp”, ông Thủy nói.
Về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố lớn, người dân đi qua tuyến đường đó chứ không phải đi hết đường đó rồi vào nhà. Nếu cấm 2 tuyến đường đồng nghĩa việc cấm hàng trăm tuyến đường khác. Từ đó, tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.
Chuyên gia giao thông Từ Sỹ Sùa cũng chỉ ra rằng, tuy 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương chiều ngang rộng, hệ thống vận tải gần như hoàn thiện khi có thêm đường sắt đô thị trên cao, tuy nhiên đây là những trục giao thông hướng tâm chính. Do vậy nếu cấm xe máy thì đến 80% người tham gia giao thông bằng phương tiện này tại đây sẽ đi thế nào.
“Giải pháp đưa ra là để mang lại sự hài hòa, hiệu quả trong thực hiện, chứ không phải cứ thấy tuyến đường này, đường kia rộng, có buýt nhanh, đường sắt đô thị… thì cấm xe máy. Thực tế đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều loại hình vận tải công cộng, song vẫn thiếu trầm trọng các bãi, điểm đỗ xe nên nếu cấm đường, người tham gia giao thông bằng xe máy chỉ còn cách bay lên không”, ông Sùa nêu thực tế.
Minh Thái
Hà Nội học Bắc Kinh cấm xe máy: Chờ 15 năm nữa!
Hà Nội khác Bắc Kinh và khác tất cả các nước khác vì thế không thể bê cách làm của Bắc Kinh áp dụng vào ... |
Toàn cảnh 2 tuyến đường Hà Nội dự định thí điểm cấm xe máy
Đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương đều có mật độ giao thông cao, với rất nhiều phương tiện cá nhân. Trong khi đó, buýt ... |