- Dự án Thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé: Bộ NN-PTNT lên tiếng
- Nước ngầm đẩy gãy kênh bê tông ở dự án thuỷ lợi ngàn tỉ?
Dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là dự án trọng điểm quốc gia với tổng nguồn vốn lên đến hơn 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện hàng trăm hộ dân đang khốn khổ vì sống cạnh dự án khi nhà cửa bị nứt, ruộng vườn ngập úng, đường sá hư hỏng nặng nề…
Sống khổ bên dự án nghìn tỉ
Năm 2015, gia đình chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1985), trú tại thôn Tân Tiến, xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), sau nhiều năm chắt bóp mới xây dựng được ngôi nhà hai tầng rưỡi khang trang. Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì giữa tháng 10-2021, khi đơn vị thi công dự án hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang phá dỡ ngôi nhà mái bằng sát vách nhà chị Thúy để làm cầu tạm cho phương tiện đi lại thì hiện tượng nứt, lún xuất hiện nhiều hơn.
Kể từ đó đến nay, hơn một năm qua gia đình đã làm đơn đề nghị bồi thường nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đơn vị thi công và chủ đầu tư đến kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại để tính toán phương án đền bù. Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh được mời làm đơn vị đánh giá mức độ thiệt hại.
Qua nhiều lần làm việc vẫn không xác định được nguyên nhân dẫn đến nứt nhà nhưng đơn vị vi công và chủ đầu tư đề nghị sẽ hỗ trợ 30 triệu đồng để khắc phục hậu quả bằng cách… dán keo hàn vết nứt và sơn chồng lên để che phủ, nhưng gia đình chị Thúy không đồng ý. Cùng thời điểm này, ngoài hộ gia đình chị Thúy, có thêm 3 gia đình khác cũng bị ảnh hưởng tương tự, song quá quá trình thương lượng, đã có 2 hộ là ông Nguyễn Sỹ Tý và bà Nguyễn Thị Thất đã thống nhất phương án xử lý bằng cách hỗ trợ gia đình bằng tiền.
Ông Nguyễn Xuân Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết, tuyến kênh Linh Cảm đi qua địa bàn xã Phú Lộc là một trong những thành phần của dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang, thực hiện từ đầu năm 2021, đến nay vẫn chưa hoàn thành. Theo ông Chương, quá trình thi công dự án đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, ngoài việc làm nứt nhà của người dân, đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù, trong quá trình thi công, việc đắp đường cao nhưng không làm hệ thống mương thoát nước dẫn đến tình cảnh hễ mưa lớn là nhiều nhà dân lại bị ngập úng.
Được biết, Dự án kênh chính hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 1.485,6 tỷ đồng, khởi công vào tháng 6-2018, do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, gồm các hạng mục: Nâng cấp, sửa chữa kênh chính Linh Cảm; xây dựng mới kênh Hương Sơn và kênh Cầu Động.
Trong đó, hạng mục nâng cấp, cải tạo kênh chính Linh Cảm có tổng chiều dài 34 km, đi qua 3 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà. Dự án gồm có 5 gói thầu chính, theo kế hoạch, đến 31-12-2021 dự án phải hoàn thành nhưng do tiến độ thi công không đảm bảo nên Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đồng ý cho gia hạn đến cuối năm 2022 phải hoàn thành, nếu không sẽ bị cắt vốn.
Cùng với việc thi công làm nứt nẻ nhà dân, gây ngập úng thì tại nhiều địa phương, có tình trạng quá trình thực hiện, các nhà thầu mượn đường dân sinh để vận chuyển nguyên vật liệu, với cam kết sau khi hoàn thiện sẽ hoàn trả lại mặt bằng, song có không ít đơn vị đã thất hứa.
Chậm khắc phục làm ảnh hưởng đến dân sinh
Tại xã An Dũng, huyện Đức Thọ, theo phản ánh của người dân và chính quyền, tiến độ thi công dự án đoạn qua địa bàn xã này quá chậm, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Cùng với đó, việc hoàn trả lại mặt bằng, hệ thống đường sá, kênh mương hư hỏng do thi công công trình theo như cam kết Ban quản lý dự án cũng không đúng như cam kết ban đầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của việc thi công quá chậm là do năng lực nhà thầu yếu.
Cụ thể, công trình kênh chính Linh Cảm đoạn qua xã An Dũng do Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng Thành Sen thi công, nhưng do năng lực yếu nên dẫn đến chậm tiến độ. Từ tháng 3-2021, chủ đầu tư đã buộc phải chuyển giao lại dự án cho Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi Hải Phòng thực hiện, cam kết đến ngày 30-8-2022 sẽ hoàn thiện.
Cũng tại địa phương này, người dân phản ánh việc quá trình thi công cầu ô tô Hạ Tiến, đã làm sai thiết kế, vị trí so với hồ sơ phê duyệt ban đầu. Vấn đề này, đại diện chủ đầu tư lý giải rằng vị trí cầu Hạ Tiến được thi công không đúng vị trí ban đầu là có thật. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan nhận thấy nếu chuyển vị trí cầu về phía hạ lưu 10m so với thiết kế thì đường dẫn lên cầu thuận hơn, không phát sinh phạm vi giải phóng mặt bằng và tận dụng được cầu cũ làm cầu tạm thi công, giảm chi phí gần 500 triệu đồng nên đã lập biên bản hiện trường, đề xuất Bộ NN&PTNN và đã được chấp thuận.
Theo người dân địa phương, hiện nay trên địa bàn nhiều xã của huyện Đức Thọ, không chỉ việc thi công dự án ở giai đoạn 2 gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, mà những hệ lụy từ việc triển khai giai đoạn 1 của dự án hơn 10 năm về trước, đến nay vẫn còn ảnh hưởng nặng nề về môi trường, giao thông, thủy lợi do khi thi công xong đã không thực hiện các cam kết ban đầu. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, trước khi dự án triển khai đều là những con đường kiểu mẫu, phục vụ xây dựng nông thôn mới nhưng khi dự án đi qua, xảy ra tình trạng nền đường bị hư hỏng do vận chuyển vật liệu đất, đá trong quá trình thi công. Nhiều bãi vật liệu không được san trả mặt bằng, trồng lại cây xanh, hệ thống thoát nước sau khi được trưng dụng, dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát tự phát, trái phép. Đặc biệt tại thôn Tân Quang, xã Đức Đồng, quá trình vận chuyển đất từ bãi vật liệu không chỉ làm hư hỏng đường giao thông nông thôn, mà còn làm cho hơn 5,5 ha đất ở và đất ruộng không sản xuất được trong suốt 3 năm trời.
Trao đổi với phóng viên Báo ANTG về những phát sinh trong quá trình thi công dự án đang gây ảnh hưởng nặng nền đến đời sống người dân, ông Hà Văn Trà, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, đại diện chủ đầu tư cho biết, quá trình thi công đã có những phát sinh, hệ lụy làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tại các địa bàn có dự án đi qua.
Song, đến nay về cơ bản những phát sinh này đã được chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công, khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân để khắc phục hậu quả, bồi thường thỏa đáng nếu xác định có ảnh hưởng thực sự từ việc thi công công trình. Cũng theo ông Trà, với một số vấn đề tồn tại, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, hiện nay chủ đầu tư tiếp tục rà soát, tổng hợp trình cấp thẩm quyền xử lý các tồn tại.