Chính trường Pakistan lại dậy sóng sau khi Tòa án Tối cao nước này ngày 28-7 phế truất Thủ tướng Nawaz Sharif. Hiếm có nhà lãnh đạo nào “lên voi” rồi lại “đứt gánh” đến 3 lần như ông Nawaz Sharif. Từ nghi án hối lộ, bị phe quân sự phế truất... và lần này là án tham nhũng xuất phát từ vụ rò rỉ thông tin trong “Hồ sơ Panama”.
Cắt khối u di căn
Tòa án Tối cao Pakistan đã ra phán quyết nhất trí cho rằng ông Nawaz Sharif không phù hợp để giữ chức vụ thủ tướng sau khi một ủy ban điều tra cáo buộc gia đình ông không thể lý giải được nguồn gốc số tài sản lớn của gia đình.
“Ông ấy không đủ tiêu chuẩn để trở thành thành viên trung thực nhất trong quốc hội và ông ấy bị đình chỉ giữ chức thủ tướng”, Thẩm phán Ejaz Afzal Khan tuyên bố.
Quyết định của Tòa án Tối cao Pakistan đã kết thúc nhiệm kỳ thứ 3 của ông Sharif chỉ gần 1 năm trước khi dự kiến diễn ra cuộc tổng tuyển cử ở nước này, cũng là sự kiện đánh dấu ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Pakistan kết thúc nhiệm kỳ 5 năm.
Trước đó, năm 1993, ông Sharif cũng đã bị Tổng thống Pakistan sa thải vì cáo buộc nhận hối lộ khi đang ở nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên. Đến năm 1999, ông này lại bị mất quyền thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2 do quân đội Pakistan tiến hành đảo chính.
Cùng với quyết định phế truất thủ tướng, Tòa án Tối cao Pakistan đã yêu cầu cơ quan phòng chống tham nhũng của nước này tiến hành điều tra thêm về các cáo buộc nhằm vào ông Sharif. Phán quyết của tòa này được đưa ra sau cuộc điều tra được tiến hành do các tài liệu trong Hồ sơ Panama bị rò rỉ hồi năm ngoái cho thấy gia đình ông có liên quan đến các công ty vỏ bọc ở nước ngoài. Các điều tra viên dân sự và quân sự phát hiện có sự khác biệt đáng kể giữa thu nhập của gia đình ông Sharif với lối sống của họ.
Tháng 4-2017, Tòa án Tối cao Pakistan ra quyết định mở cuộc điều tra tham nhũng đối với Thủ tướng Nawaz Sharif. Sau khi ra quyết định điều tra, Tòa án Tối cao Pakistan cho biết, họ đã ra lệnh thành lập đội điều tra chung. Đội điều tra này gồm các quan chức chống tham nhũng, các thành viên của Cơ quan Tình báo liên ngành (ISI) và lực lượng Tình báo quân đội Pakistan (MI).
Theo AFP, vụ điều tra tập trung làm rõ tính hợp pháp của các khoản tiền mà gia đình ông Sharif dùng để mua bất động sản cao cấp tại London thông qua các công ty nước ngoài.
Theo thẩm phán Asif Saeed Khosa của Tòa án Tối cao, cuộc điều tra này là thực sự cần thiết. Thông tin tiết lộ từ Hồ sơ Panama cho biết, 3 trong số 4 người con của Thủ tướng đều có tên trong Hồ sơ Panama và được cho là chủ sở hữu của rất nhiều tài sản có giá trị cao cất giấu tại những “thiên đường về thuế”, trong đó có nhiều biệt thự xa hoa tọa lạc tại một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới là London, Vương quốc Anh. Do ông Sharif không giải trình nên nhiều thành viên các đảng đối lập cũng đã đề nghị Tòa án Tối cao vào cuộc điều tra về hành vi gian dối, thậm chí là hành vi rửa tiền của ông Sharif.
Không những thế, còn có các cáo buộc gia đình ông Sharif sở hữu nhiều doanh nghiệp không chỉ ở Pakistan mà còn ở nhiều quốc gia vùng Vịnh, đề nghị Tòa án Tối cao điều tra luôn về những doanh nghiệp này.
Mập mờ tài sản “khủng”
Sau một thời gian điều tra, báo cáo của Tòa án Tối cao Pakistan cho rằng gia đình ông Sharif có đến 4 biệt thự ở Anh. Các căn biệt thự này do các con của ông đứng tên, nhưng nhiều người cho rằng ông Sharif mới là chủ nhân thực sự. Những tài liệu rò rỉ cho thấy 3 người con của Thủ tướng Sharif sở hữu các công ty và tài sản ở nước ngoài song không được kê khai trong tài sản gia đình của ông Sharif.
Cho đến nay, các công ty được xác định gồm Nescoll Ltd, Nielsen Enterprises Ltd và Hangon Property Holdings Ltd, được thành lập năm 1993, 1994 và 2007 ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Các công ty này được sử dụng để chuyển tiền mua các tài sản nước ngoài, bao gồm một số căn hộ dọc theo Park Lane tại khu Mayfair của London. Các công ty này cũng bị cáo buộc giấu, rửa tiền và trốn thuế.
Ông Nawaz Sharif không có tên trong hồ sơ các công ty bình phong ở hải ngoại, đồng thời bản thân ông cũng không làm gì sai trái liên quan đến các tài sản mà các con ông mua sắm. Việc chứng minh cáo buộc gia đình ông Sharifsở hữu tài sản bất hợp pháp là rất khó, bởi người đứng tên làm chủ của các tài sản nêu trên là Hussein Nawaz Sharif lại đang cư trú tại Anh và mang quốc tịch Anh.
Ông Nawaz Sharif (trái) và em trai là ông Shahbaz Sharif. Ảnh Reuters.
Hussein đã khẳng định trên báo chí các tài sản trên được mua sắm bằng nguồn tài chính hợp pháp, được đăng ký hợp pháp tại Anh, và do đó không có gì để điều tra. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, ông Sharif bảo vệ hoạt động kinh doanh hợp pháp của gia đình mình, phủ nhận tất cả cáo buộc tham nhũng hay các hành vi sai trái liên quan.
“Cha tôi đã thiết lập một nhà máy thép ở gần thánh địa Mecca ở Saudia Arabia. Chúng tôi đã phải sống lưu vong 7 năm. Để gây dựng nhà máy thép này, ông phải vay mượn từ các ngân hàng Saudia Arabia. Sau nhiều năm hoạt động, nhà máy đã được bán cùng với toàn bộ khối tài sản của nó. Nguồn tiền thu được sau này được tôi sử dụng cho mục đích kinh doanh”, Hussein Nawaz Sharif nói.
Tuy nhiên, việc Hồ sơ Panama tiết lộ các con ông sở hữu các công ty bình phong và các tài sản ở nước ngoài không được khai báo đang khiến cho hàng ngũ lãnh đạo thân tín trong đảng cầm quyền của ông bối rối, đồng thời gây nên làn sóng công kích từ phía các đảng phái chính trị đối lập.
Trước tòa, ông Sharif và gia đình ông bác bỏ mọi hành vi sai trái. Họ cho biết, tài sản của họ ở London được mua thông qua các khoản đầu tư vào các công ty thuộc sở hữu của gia đình các nhà lãnh đạo Qatar. Ông khẳng định, số tài sản gia đình tích lũy được trong nhiều thập kỷ trước khi ông tham gia chính trường là hoàn toàn hợp pháp.
Ngoài ra, Thủ tướng Sharif còn tuyên bố, không có “một xu nào” được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Thủ tướng cho rằng, việc rò rỉ tài liệu “nhằm vào tôi và gia đình tôi vì những mục đích chính trị”.
Ngày 15-6-2017, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng đã xuất hiện trước cơ quan điều tra chống tham nhũng nước này để trả lời về khối tài sản khổng lồ của gia đình ông. “Tôi xin nhắc lại là con trai Hassan của tôi sống ở Lodon từ năm 1994 trong khi Hussein sống ở Saudi Arabia từ năm 2000. Cả hai đều làm kinh doanh và luôn tuân thủ pháp luật, các quy tắc, quy định ở hai nước đó”, ông Sharif nói.
Đây là lần đầu tiên một thủ tướng đương nhiệm của Pakistan bị điều tra trực tiếp như vậy và vụ việc là sự khởi đầu cho một chiến dịch khiến ông Sharif bị phế truất.
Phe đối lập chỉ trích ông Sharif không thể giải thích về nguồn gốc số tiền của các công ty nước ngoài do các con ông sở hữu, đồng thời cáo buộc ông không trung thực trước Quốc hội. Imran Khan, Chủ tịch đảng đối lập Tehreek-e-Insaf (PTI) đã lên tiếng yêu cầu Cục Kiểm toán Quốc gia (NCB) mở cuộc điều tra đối với gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif và các tài sản mà họ đang nắm giữ, nguồn gốc tài chính có được để mua và sở hữu các tài sản đó.
Ông này từng tổ chức các cuộc biểu tình bao vây khu nhà ở của Thủ tướng và trụ sở Chính phủ hồi tháng 8-2014 làm cho chính phủ của ông Nawaz Sharif suy yếu rõ rệt. Nhân vụ Hồ sơ Panama, ông Imran Khan tiếp tục đe dọa, đòi ông Nawaz Sharif từ chức, nếu không sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình, bao vây nhà ở như lần trước.
Có âm mưu trừ tận gốc nhà Sharif?
Quyết định của Tòa án Tối cao Pakistan có thể khiến ông Sharif gặp khó khăn trước cuộc bầu cử vào năm 2018. Không khí xung đột sẽ tiếp tục và thậm chí tệ hơn khi các nhà điều tra bắt đầu công việc. Nhiều người lo ngại rằng, nếu tiến trình truy tố dẫn tới việc từ chức của Thủ tướng Sharif sẽ gây ra sự xáo trộn chính trị cũng như nảy sinh những bất ổn an ninh tại Pakistan.
Các nguồn tin rò rỉ mới đây cho rằng, ngoài việc trực tiếp hạ bệ đương kim thủ tướng, một số lãnh đạo phe đối lập muốn nhân cơ hội này “trừ tận gốc” một trong số những cái tên được tiết lộ trong Hồ sơ Panama, đó là bà Maryam một trong 3 người con của ông Sharif, người được cho có khả năng thừa kế sự nghiệp chính trị của cha mình.
Bà Maryam Nawaz Sharif (43 tuổi) là con gái của Thủ tướng Nawaz Sharif. Bà đóng vai trò then chốt trong chiến dịch tái tranh cử của ông Nawaz Sharif hồi năm 2013. Hiện nay, bà Maryam đang hoạt động trong đảng cánh hữu Liên đoàn Hồi giáo Pakistan của ông Nawaz Sharif.
Năm 2016, tên của bà Maryam xuất hiện trong vụ Hồ sơ Panama, song Thủ tướng Nawaz Sharif đã phủ nhận các cáo buộc liên quan đến con gái. Thủ tướng Nawaz Sharif nhận định thông tin này nhằm tấn công gia đình ông vì mục đích chính trị của một số cá nhân.
Suốt 2 nhiệm kỳ không liên tục làm Thủ tướng Pakistan của ông Nawaz Sharif (1990 - 1993 và 1997 - 1999), Maryam Nawaz đứng sau “cánh gà” tham gia một số công việc “hậu trường”. Vẻ bề ngoài tỏ ra chỉ bận rộn với cuộc sống riêng và cố gắng nuôi 2 con nhỏ chỉ là đánh lạc hướng các đối thủ chính trị và chú ý của dư luận.
Tân Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi. Ảnh: The Indian Express.
Khả năng thực sự của bà được chứng minh sau khi ông Sharif phải ngồi tù vì cuộc đảo chính đẫm máu của phe quân đội vào tháng 10-1999 và các thành viên nam của gia đình này bị quản thúc tại gia. Maryam cùng mẹ bước ra ánh sáng để thách thức nhà cầm quyền, tướng Musharraf và đấu tranh cho lý tưởng của cha mình.
Salma Ghani, nhà báo kỳ cựu ở Lahore, kể lại: “Thời điểm đó rất nguy hiểm, mọi thứ đều bị kiểm soát, mọi người đều ngại nói chuyện với Maryam qua điện thoại. Khi gặp Maryam tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô ấy rất quyết liệt và lên án chế độ của tướng Musharraf”.
Với sự giúp đỡ từ vua Fahd của Saudi Arabia, 2 mẹ con Maryam đã đạt được thỏa thuận với tướng Musharraf để ông Sharif được ra khỏi tù và cả gia đình đến Saudi Arabia sống lưu vong trước khi trở về quê hương năm 2007. Và Maryam lại “tái xuất giang hồ” trong cuộc bầu cử năm 2013 với vai trò gương mặt đại diện trẻ tuổi cho đảng Liên đoàn Hồi giáo của ông Sharif. Maryam đã thành công khi kết nối với thế hệ người trẻ ở Pakistan và giúp cha mình bước vào nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 3.
Không khó hiểu khi phe đối lập luôn tìm cách “tấn công” Maryam, thậm chí còn dữ dội hơn cả cha bà bởi họ hiểu Maryam là người “quyền lực” nhất trong chính phủ của ông Sharif, chỉ sau cha bà. “Mỗi ngày họ dành nhiều thời gian ở cạnh nhau. Không ai hiểu quan điểm chính trị của ông Sharif hơn Maryam”, nhà báo Ghani cho biết.
Cho đến nay, câu hỏi liệu Maryam, 43 tuổi có thừa kế sự nghiệp chính trị của cha bà hay không vẫn chưa có lời giải đáp mặc dù Pakistan từng có nữ thủ tướng - bà Benazir Bhutto. Và sự xuất hiện của cái tên Maryam Nawaz trong hồ sơ Panama chính là “tường lửa” hợp lý nhất mà phe đối lập dựa vào để ngăn cản tương lai chính trị nhà Sharif.
Ván cờ phức tạp
Như vậy, dịp kỷ niệm 70 năm thành lập nhà nước Pakistan sắp tới (ngày 14/8) đã bị phủ bóng đen bởi sự kiện Thủ tướng Nawaz Sharif bị Tòa án Tối cao phế truất. Hãng tin Pháp AFP nhận định việc Thủ tướng Nawaz Sharif phải từ chức để lại một lỗ hổng quyền lực lớn về lãnh đạo tại Pakistan.
Các nhà phân tích nhận định, ông Sharif đã thua trong một ván cờ phức tạp và kéo dài, trong đó những sai lầm của chính ông góp phần không nhỏ. Tuy nhiên, ông Sharif vẫn là thủ lĩnh đầy quyền lực của Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz, đảng nắm nhiều ghế nhất trong quốc hội với gốc rễ chính trị sâu rộng và túi tiền rủng rỉnh. Khoảng thời gian từ nay đến cuộc bầu cử vào năm 2018 sẽ chứng kiến cuộc chiến không khoan nhượng giữa một bên là ông Sharif cùng đảng của mình và bên kia là các lực lượng đối lập do chính trị gia Imran Khan dẫn đầu.
Việc ông Nawaz Sharif buộc phải từ chức chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới các chính sách đối nội và đối ngoại mà ông theo đuổi. Các nhà phân tích chính trị cho rằng quyết định miễn nhiệm thủ tướng là điều đáng tiếc bởi nó đã khiến hệ thống chính trị bị gián đoạn và có nguy cơ dẫn tới bất ổn, cho dù ngay lập tức Quốc hội Pakistan đã nhóm họp và bầu chọn ứng cử viên Shahid Khaqan Abbasi của đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakisktan (PML-N) cầm quyền làm thủ tướng mới của nước này.